Dự thảo Luật Kiến trúc

Hướng đến người dân và vì cộng đồng

- Thứ Năm, 15/11/2018, 07:16 - Chia sẻ
Đó là mong muốn của nhiều ĐBQH khi cho ý kiến lần đầu vào dự án Luật Kiến trúc tại phiên họp chiều qua. Theo đó, dự án Luật cần cân bằng giữa tăng cường quản lý nhà nước và khuyến khích đổi mới, sáng tạo của kiến trúc sư. Kiến trúc phải hướng tới người dân và vì cộng đồng, tránh tình trạng tạo ra hàng loạt công trình có kiến trúc na ná nhau, tẻ nhạt.

Nặng về kêu gọi và khẩu hiệu

Nhằm xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, yêu cầu quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế, việc ban hành Luật Kiến trúc là cần thiết. Đây là mong mỏi trong suốt 20 năm qua của giới kiến trúc sư và các cơ quan nhà nước đã kiên trì đề xuất xây dựng hành lang pháp lý về lĩnh vực này, ĐBQH Bùi Huyền Mai (TP Hà Nội) cho biết.

Nhắc đến Pháp có tháp Eiffel, Italy có tháp nghiêng Pisa… đều là những công trình mang tính biểu tượng cao, nổi tiếng thế giới. Dẫn ra ví dụ này, ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cho rằng, kiến trúc ngoài giá trị văn hóa, lịch sử còn mang lại những kiệt tác nghệ thuật, là biểu tượng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, dường như, so với yêu cầu và mong muốn đặt ra, dự án Luật Kiến trúc vẫn chưa thực sự cân bằng được giữa tăng cường quản lý nhà nước và khuyến khích sáng tạo, đổi mới của kiến trúc sư.

Một thực tế rất rõ, như các chuyên gia nhận định, đó là “kiến trúc đô thị còn hỗn loạn, kiến trúc nông thôn thì pha tạp, biến dạng”. Để xử lý những tồn tại đó, theo ĐB Đoàn Thị Thanh Mai, việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước là đòi hỏi tất yếu. Tuy nhiên, kiến trúc cũng là lĩnh vực đặc thù, vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật. Kiến trúc sư cần có không gian để sáng tạo, làm nên sự độc đáo, khác biệt của các công trình. Vậy, “quản lý nhà nước ở mức nào để tránh chuyển từ cực tả sang cực hữu, tránh trường hợp để vượt qua sự kiểm duyệt của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các kiến trúc sư phải rập khuôn theo các bản thiết kế đã được phê duyệt trước đó, tạo ra hàng loạt công trình có kiến trúc na ná nhau và tẻ nhạt”, ĐB Đoàn Thị Thanh Mai đặt vấn đề.

Cùng quan điểm, ĐBQH Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cho rằng, dự thảo Luật chưa quan tâm đến giá trị văn hóa, nghệ thuật của kiến trúc, mà mới chỉ tập trung cho công tác quản lý nhà nước về kiến trúc, việc cấp giấy phép hành nghề kiến trúc. Những điều, khoản về quản lý nhà nước trong dự thảo Luật có liên quan đến văn hóa, nghệ thuật, môi trường, lịch sử, an sinh xã hội, phát triển bền vững còn mang tính định tính, “nặng về kêu gọi và khẩu hiệu”. Với hiện trạng này, ĐB Triệu Thế Hùng đề nghị dự thảo cần có quy định “định lượng” với những tiêu chí, tiêu chuẩn, quy phạm, chế tài. Có như vậy, tính khả thi mới cao khi Luật được thông qua.

Chưa thật sự khả thi

Theo dự thảo Luật, “quy chế quản lý kiến trúc chung được lập tại các tỉnh, thành phố, thị xã, thị trấn và xã”. ĐB Đoàn Thị Thanh Mai ước tính, nếu áp dụng như quy định của dự luật, chỉ tính riêng quy chế quản lý kiến trúc chung, cả nước đã có khoảng 9.773 quy chế, chưa kể quy chế quản lý kiến trúc chi tiết. Để ban hành số lượng quy chế như trên sẽ tốn nhiều công sức, tiền bạc và “chưa biết đến lúc nào mới hoàn thành”. Thêm nữa, nội dung quy chế thiên về quy chuẩn, tiêu chuẩn, bản vẽ kỹ thuật, vì vậy, sử dụng hình thức văn bản làm quy chế đã phù hợp hay chưa?

Ngoài ra, việc dự thảo Luật quy định UBND cấp huyện, thị trấn phải ban hành quy chế quản lý kiến trúc dường như đang vượt quá khả năng của cấp chính quyền này, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) phản ánh. Đối chiếu với nội dung quy chế kiến trúc thì UBND không thể có đủ năng lực gồm nhân lực, tài lực, chuyên môn để lập và ban hành quy chế quản lý kiến trúc. Minh chứng là làm sao UBND thị trấn có thể ban hành quy định về kiến trúc cho từng khu vực, tuyến đường, các quy định cụ thể về chiều cao công trình, cốt nền, hình thức kiến trúc, vật liệu, ánh sáng, màu sắc mặt ngoài của công trình, mái nhà; xác định công trình phải tổ chức thi tuyển phương án thiết kế công trình kiến trúc… Khoản 2, Điều 11, dự thảo Luật cũng quy định, UBND thị trấn từ loại 4 trở lên có thẩm quyền tự phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc của mình. Vậy nội dung của các quy chế quản lý kiến trúc này có bị chồng chéo, trùng lặp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị hay không?

Từ những phân tích như vậy, một số ĐBQH đề nghị cân nhắc giao thẩm quyền ban hành văn bản quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật kiến trúc cho chính quyền cấp tỉnh đối với vấn đề chung. Ngoài ra, còn có thể ban hành văn bản quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các địa bàn đặc thù như phố cổ, vùng dân tộc, miền núi, hải đảo. Quá trình ban hành cần khảo sát và lấy ý kiến rộng rãi cán bộ quản lý và người dân ở cơ sở.

Ngay từ thời kỳ đầu thành lập chính quyền nhân dân và xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò của kiến trúc trong đời sống xã hội. Trong thư gửi Hội nghị Kiến trúc sư năm 1948, Người viết: Trong 4 điều quan trọng cho dân sinh, ở và đi lại là hai vấn đề cũng cần thiết như ăn và mặc. Vì vậy, kiến trúc là một việc rất quan hệ...

Kiến trúc mang tính nhân văn, tính xã hội và tính thời đại. Kiến trúc gắn bó với cuộc sống và hạnh phúc của mỗi gia đình, đi cùng sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Với tầm quan trọng của kiến trúc, yêu cầu của ĐBQH là dự thảo Luật cần khắc phục tính thiếu khả thi, bổ sung các quy định mang nội hàm phát triển như chính sách, định hướng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kiến trúc sư, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về kiến trúc… Và các quy định này sẽ tạo tiền đề phát triển nền kiến trúc nước nhà.

Ý Nhi