Hiệp ước Abraham

Kẻ vui, người buồn

- Thứ Bảy, 15/08/2020, 08:01 - Chia sẻ
Vừa qua, Israel và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) đã đạt thỏa thuận lịch sử hướng tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia Trung Đông với vai trò trung gian của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đặc biệt theo thỏa thuận, Israel nhất trí ngừng áp đặt chủ quyền đối với các khu vực thuộc Bờ Tây đã được thảo luận sáp nhập. Tuy nhiên thỏa thuận lịch sử này có giúp tất cả cùng vui?

Hoa nở trên sa mạc...

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi thỏa thuận trên là “chương mới trong quan hệ giữa Israel và thế giới Ảrập”, và Israel cùng với UAE, những quốc gia ngày càng phát triển trên thế giới, sẽ “biến sa mạc khô cằn thành vùng đất nở hoa”. Trong khi đó, Thái tử UAE Mohammed bin Zayed tuyên bố trên Twitter, hai nước sẽ nhất trí hợp tác và thiết lập lộ trình xây dựng quan hệ song phương.

Thỏa thuận hòa bình trên, với tên gọi Hiệp ước Abraham, là kết quả của các cuộc thảo luận kéo dài, mới được đẩy nhanh tiến độ giữa Israel, UAE và Mỹ. Nó chính thức được nhất trí trong cuộc điện đàm ngày 13.8 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Thái tử UAE Abu Dhabi Mohammed Bin Zayed. Theo thỏa thuận, phái đoàn Israel và UAE sẽ gặp nhau trong những tuần tới nhằm ký các thỏa thuận song phương về đầu tư, du lịch, thiết lập các chuyến bay thẳng, an ninh, viễn thông, thiết lập đại sứ quán…

Đặc biệt, theo tuyên bố chung của 3 nước, “Israel sẽ tạm ngừng tuyên bố chủ quyền đối với những khu vực được nêu trong Tầm nhìn về Hòa bình của Tổng thống Donald Trump và tập trung nỗ lực mở rộng mối quan hệ với các nước Ảrập khác”, “vạch ra con đường mới, nhằm mở ra tiềm năng to lớn trong khu vực”, cũng như “thúc đẩy hòa bình ở Trung Đông”. Ông chủ Nhà Trắng còn tiết lộ sẽ có thêm nhiều đột phá ngoại giao giữa Israel và các nước láng giềng Hồi giáo trong khu vực. Thực tế, đây là thỏa thuận đầu tiên kiểu này kể từ khi Israel và Jordan ký hiệp ước hòa bình năm 1994.

Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi việc Israel - UAE bình thường hóa quan hệ là “thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa hai bằng hữu tuyệt vời của chúng ta”. Hôm qua, 14.8, ông tuyên bố sẽ sớm tổ chức lễ ký kết thỏa thuận mà ông bình luận là “đột phá ngoại giao” tại Nhà Trắng trong 3 tuần tới. Sự phấn khích của tổng thống Mỹ đương nhiệm không có gì khó hiểu bởi đây chính là thành công lớn cho chính sách đối ngoại của Washington trong bối cảnh ông đang tìm cách tái đắc cử vào tháng 11 tới. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu, “Mỹ kỳ vọng đây sẽ là bước đi đầu tiên hướng đến một loạt thỏa thuận chấm dứt 72 năm thù địch trong khu vực”.

Tuy nhiên, Mỹ và Israel cho biết, dù tạm ngừng nhưng kế hoạch sáp nhập các khu vực tại Bờ Tây không bị loại bỏ. Thủ tướng Israel Netanyahu khẳng định, nhà nước Do Thái sẽ “không bao giờ từ bỏ các quyền đối với đất của mình” và vẫn sẽ tiến hành việc sáp nhập này trong tương lai.

Ngay sau động thái trên, Đại sứ quán UAE tại Mỹ đã ra thông cáo báo chí, trong đó nêu rõ: “UAE sẽ tiếp tục là nước ủng hộ mạnh mẽ người dân Palestine, vì phẩm giá, quyền của họ cũng như nhà nước chủ quyền của chính người Palestine. Họ phải được hưởng lợi từ việc bình thường hóa. Chúng tôi sẽ mạnh mẽ ủng hộ những mục tiêu này”. Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại UAE Anwar Gargash kêu gọi Palestine và Israel trở lại bàn đàm phán, đồng thời cho biết, bất kỳ động thái nào của Israel về việc tiếp tục sáp nhập các vùng lãnh thổ Palestine sẽ chấm dứt hy vọng cho hòa bình tại khu vực. Theo ông, UAE đã “tháo một quả bom hẹn giờ” đe dọa tới giải pháp hai nhà nước.

Ngay sau khi Israel - UAE đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã lên tiếng hoan nghênh, trong đó có Liên Hợp Quốc, Nga, Pháp, Anh, Bahrain…, cho rằng thỏa thuận có thể thúc đẩy hòa bình, an ninh tại Trung Đông và giúp bình thường hóa tình hình tại khu vực.

Nguồn: ITN

...hay liên minh chống Iran?

Thực tế, Palestine hoàn toàn không cảm thấy vui trước cái bắt tay của Israel và UAE. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas gọi đây là “sự phản bội đối với Jerusalem”. Phát biểu trên truyền hình, người phát ngôn của Tổng thống Palestine, ông Nabil Abu Rudeineh tuyên bố: “Giới lãnh đạo Palestine phản đối những gì UAE đã làm và coi đó là sự phản bội đối với Jerusalem, nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa và sự nghiệp của người Palestine. Thỏa thuận này thực tế là sự công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel”. Chính quyền Palestine cũng tuyên bố ngay lập tức rút đại sứ của mình ở UAE về nước. Đại diện các phong trào Fatah và Hamas của Palestine cũng có thái độ tương tự. Họ cho rằng, thỏa thuận vẫn không chấm dứt được việc chiếm đóng đất đai của Palestine, “bên chiếm đóng vẫn là kẻ thù chính của người dân Palestine và chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại hành động sáp nhập”. Ông Fawzi Barhoum, phát ngôn viên của Hamas thậm chí tuyên bố, “việc bình thường hóa với Israel được coi là một nhát dao sau lưng đối với chính nghĩa của người Palestine, và sẽ chỉ khuyến khích nước này phạm nhiều tội ác cũng như có thêm hành vi xâm lược chống lại người dân Palestine”.

Trong khi đó, ông Ahmad Majdalani, thành viên thuộc Ủy ban Điều hành tổ chức giải phóng Palestine coi sự kiện trên “là ngày đen tối trong lịch sử của Palestine. Thỏa thuận này là sự dịch chuyển của thế giới Ảrập. Người dân Palestine không cho bất kỳ ai quyền được đưa ra nhượng bộ với Israel để đổi chác vì bất kỳ điều gì”. Còn một số nhà bình luận quốc tế nhận định, thỏa thuận chỉ đem lại chiến thắng ngoại giao cho Mỹ, Israel và UAE, trong khi Palestine là người thua cuộc khi chứng kiến thế giới Ảrập đang xích lại nhà nước Do Thái.

Iran, một quốc gia trong khu vực Trung Đông cũng cảm thấy bất an bởi thỏa thuận Israel - UAE. Bởi nó có thể trở thành liên minh ngầm chống lại họ. Thực tế, khi hoàn tất thỏa thuận với Israel, UAE sẽ là nước thứ ba trong thế giới Ảrập bình thường hóa quan hệ với Israel, cùng với Ai Cập trong thỏa thuận hòa bình năm 1979, Jordan với thỏa thuận năm 1994. Động thái này có thể sắp xếp lại trật tự khu vực và có khả năng khiến các nước Ảrập khác học tập thiết lập liên minh với Israel nhằm chống lại Iran giữa lúc kế hoạch sáp nhập của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tạm dừng, ít nhất là trong thời điểm hiện nay. Dự đoán, 3 quốc gia là Oman, Bahrain, Ảrập Xêút rất có thể sẽ nối bước UAE trong việc đặt quan hệ ngoại giao chính thức với Israel.

Theo The New York Times, việc Israel và UAE bình thường hóa quan hệ cho thấy sự dịch chuyển về địa chính trị trong khu vực khi các nước Ảrập dòng Sunni ngày càng coi Iran là kẻ thù lớn hơn Israel, cũng như ít sẵn sàng hơn với việc tiến tới một nghị quyết nhằm giải quyết xung đột Israel - Palestine.

Ngọc Minh