Kết hợp để sáng tạo, kéo khán giả đến rạp

- Thứ Bảy, 19/09/2020, 07:15 - Chia sẻ
Thay vì diễn các trò đơn lẻ, xiếc sẽ trở thành những nội dung chính trong vở kịch hát cải lương “Cây gậy thần” (Chử Đồng Tử - Tiên Dung) với các tiết mục đu dây, ảo thuật, thú biểu diễn, nhào lộn. Tác phẩm thuộc dự án sân khấu “Huyền sử Việt”, do NSND Tống Toàn Thắng và NSND Triệu Trung Kiên đạo diễn. Vì là lần đầu kết hợp xiếc và cải lương, ê kíp nghệ thuật gặp không ít thách thức trong quá trình xây dựng tác phẩm.

Sáng tạo trường cảm xúc

Tại lễ khởi công tác phẩm nghệ thuật "Cây gậy thần" sáng 18.9, quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, đạo diễn, NDND Triệu Trung Kiên cho biết, cách đây 20 năm, kịch bản cải lương “Chử Đồng Tử - Tiên Dung” từng được cố tác giả Hoàng Luyện, Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật, thực hiện. Kịch bản đã được tác giả Lê Thế Song bố cục lại về nội dung cho phù hợp thời lượng của sản phẩm nghệ thuật này.

Hai nghệ sĩ thể hiện vai Chử Đồng Tử (Minh Hải), Tiên Dung (Như Quỳnh)
Ảnh: Hồng Hà

Theo NSND Triệu Trung Kiên, do đòi hỏi đổi mới các loại hình nghệ thuật nhằm lôi kéo người xem đến rạp, các đơn vị không ngừng tìm tòi, sáng tạo. “Phải làm gì để đổi mới, đó là điều tôi luôn trăn trở. Khi kết hợp hai loại hình, chúng tôi muốn tạo ngỡ ngàng cho người xem, với cải lương là tình cảm, nội tâm; và xiếc mang sắc thái hành động. Hai loại hình đều phải chuyển mình để khắc phục nhược điểm và phát huy ưu điểm. Với tác phẩm này, nghệ thuật xiếc không đơn lẻ, không diễn trò khéo mà nghệ sĩ sẽ hóa thân vào các nhân vật”.

Còn Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng cho rằng, ê kíp đã phải lựa chọn, nghiên cứu rất nhiều để đóng góp ý tưởng cho tác phẩm. “Tạo ra một tác phẩm sử dụng ngôn ngữ của 2 loại hình nghệ thuật, chúng tôi phải tính toán chọn những gì tinh nhất của từng loại hình để tạo nên trường cảm xúc mang tính giải trí cao cho khán giả. Phải tạo ra tiết tấu riêng, trong đó có sự hài hòa giữa tiết tấu chậm của cải lương và tiết tấu nhanh của xiếc”.

Các đạo diễn tính toán, có những lúc nghệ sĩ cải lương đổ vọng cổ, thì khi rơi khỏi điểm cao trào đó sẽ là hành động của xiếc. Các nghệ sĩ xiếc sẽ không thoại mà bằng hành động phi ngựa, đu dây, ảo thuật, nhào lộn... phối hợp với cải lương tạo thành câu chuyện kể thực sự. Cũng sẽ có những không gian thực cảnh, như cảnh Tiên Dung tắm với bãi cát ước lệ, màn hư cấu có tính chất huyền thoại với cây gậy có phép màu, cảnh Tiên Dung bay trên không trung đến gặp Chử Đồng Tử thể hiện mơ ước về tình yêu và cuộc sống lứa đôi… 

Theo tác giả Lê Thế Song, vở diễn sẽ được thể hiện với phong cách mới bằng nhiệt huyết mới, cốt truyện cải lương vẫn giữ nguyên nhưng lược bớt chi tiết. “Chúng tôi nghĩ, trong cái khác đã có cái mới, sân khấu cải lương có thể dùng lời ca để thể hiện nội dung cần nhấn mạnh trong vở diễn, song với tác phẩm kết hợp này các đạo diễn phải tiết chế lời hát để nhường sân cho nghệ thuật xiếc với những trò diễn hấp dẫn và không gian thú vị. Thời lượng văn học kịch vì thế sẽ giảm 1/2 bản gốc. Khoảng thời gian dự định một tiếng rưỡi của vở diễn được hứa hẹn sẽ đầy ắp cao trào, tiết tấu, chứ không quá nặng nề”, tác giả Lê Thế Song nói.

Thách thức khá lớn

Các đạo diễn cho biết, tác phẩm "Cây gậy thần", sau khi chuyển thể kịch bản cải lương sẽ chuyển sang kịch bản xiếc để 2 kịch bản phối hợp, gần như từng cảnh, từng diễn biến có sự kết hợp nhuần nhuyễn. Sẽ có 2 cặp Chử Đồng Tử và Tiên Dung đến từ 2 nhà hát tham gia diễn xuất, mỗi cảnh cũng có ít nhất 2 phút có trò diễn bổ trợ, bên cạnh yếu tố quan trọng là nội dung xuyên suốt. Khi khán giả thưởng thức, họ được mắt thấy, tai nghe các hành động để hiểu nội dung. Cách thể hiện này sẽ phục vụ nhiều tầng lớp khán giả theo ngôn ngữ dễ hiểu nhất.

“Những người làm nghệ thuật đã rất tâm huyết trong việc tìm kiếm giải pháp bằng những dự án hợp tác. Sự phối hợp này khởi đầu cho những tác phẩm có sự kết nối giữa các loại hình nghệ thuật. Về phương diện cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ xây dựng chính sách để các đơn vị nghệ thuật có cơ sở triển khai các dự án, chương trình ngay từ khi xây dựng kịch bản. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu trong thời gian tới, tạo điều kiện giải quyết những khó khăn của ngành nghệ thuật biểu diễn khi dịch Covid-19 được kiểm soát”.

Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn

“Thực ra đây là thách thức khá lớn vì lần đầu tiên chúng tôi táo bạo phối hợp như vậy. Song, với đam mê, khát khao đưa ra sản phẩm mới, chúng tôi tin rằng tác phẩm đầu tiên mở ra hướng đi mới cho cả hai nhà hát trong việc tìm kiếm các giải pháp biểu diễn phục vụ công chúng”, NSND Tống Toàn Thắng bày tỏ.

Các đạo diễn cho hay, đây thực ra là nghệ thuật của điện ảnh. Cải lương có nhân vật Chử Đồng Tử, bên xiếc cũng đồng thời xây dựng nhân vật này. Theo đó, đạo diễn sẽ có cách xử lý giống như màn đóng thế trong điện ảnh. Nghệ thuật xiếc sẽ xử lý nhân vật đóng thế trong các màn diễn nhào lộn, bay lượn. NSND Tống Toàn Thắng tiết lộ, chi tiết khi Chử Đồng Tử nấp trong bãi cát, trên mình chỉ đóng khố, đòi hỏi diễn viên phải hóa trang, khán giả sẽ không phát hiện về màn đổi người mà hai đơn vị thực hiện trong quá trình sử dụng kỹ xảo ánh sáng, đạo cụ thành trò diễn…

“Nếu chúng ta biết đầu tư, tìm cách đưa công nghệ vào sân khấu sẽ hoàn toàn tạo sự khác lạ, biến sân khấu xiếc không đơn thuần phô diễn truyền thống mà là sản phẩm nghệ thuật mang tính giải trí cao, phục vụ nhu cầu của đông đảo công chúng đương đại. Với khoảng 100 diễn viên của cả 2 nhà hát, biểu diễn trong không gian sân khấu 4 chiều, chúng tôi cũng tính đến phương án thu gọn tác phẩm, từ số lượng diễn viên đến thời lượng diễn xuất, để có thể mang đi lưu diễn phục vụ khán giả trong nước và quốc tế”, NSND Triệu Trung Kiên kỳ vọng.

Hương Sen