Kết nối truyền thống - đương đại

- Thứ Tư, 23/10/2019, 08:48 - Chia sẻ
Vứt bỏ những thói quen cũ, dẫn dắt thẩm mỹ theo chiều hướng khác, là cách để những họa sĩ như Nguyễn Khắc Chinh ghi dấu ấn trong làng hội họa.

“Thế giới Ma - nơ - canh”

Tốt nghiệp đại học, Nguyễn Khắc Chinh trải qua quá trình dằn vặt đi tìm phong cách, con đường đi riêng của mình. Từ năm 2006 đến mãi năm 2011, một lần tình cờ trên phố, thấy trong cửa hàng có cô gái ngồi bên cửa kính, mặc quần áo rất đẹp, vừa ngồi vừa nhắn tin điện thoại. Anh chợt nghĩ, biết đâu, chính con người cũng là một ma - nơ - canh. Hình tượng ấy từ trong suy nghĩ mở rộng thành đề tài đeo đuổi hành trình nghệ thuật của họa sĩ suốt những năm qua. “Thế giới ma - nơ - canh” đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là triển lãm lần thứ tư của Nguyễn Khắc Chinh về đề tài này, song ẩn giấu nhiều tầng lớp chiêm nghiệm sâu sắc hơn.


Tác phẩm “Tâm sự” của Nguyễn Khắc Chinh

Một con người không có tâm hồn thì chỉ là lớp vỏ, một con người chỉ hướng tới vẻ bề ngoài cũng không khác gì những con ma - nơ - canh giữa sân khấu cuộc đời. Quan niệm như vậy, thế giới tạo hình của Nguyễn Khắc Chinh đi sâu vào thể hiện những trăn trở, băn khoăn, những mâu thuẫn giữa con người riêng biệt và quan hệ với những người khác, với thực trạng xã hội hiện thời. Họa sĩ tự nhận, anh theo trường phái tượng trưng, thiên về vẽ người nhưng không đơn thuần mô tả, chép lại một hiện thực, mà là tạo ra biểu tượng, dùng biểu tượng ấy để truyền tải ý nghĩa, những ẩn dụ đa chiều hay cảm nhận thuần nhất. Đặc biệt, anh đưa vào tranh hình ảnh điện thoại di động, tạo nên sự tò mò và suy ngẫm cho người xem. “Tôi muốn đưa vào tín hiệu của cuộc sống hiện đại như phả hơi thở ngày nay vào không khí xưa, hoặc có thể là ngược lại”.

Những bức tranh của Nguyễn Khắc Chinh thuần một gam màu, thường là nóng đỏ, nhân vật một người, hai ba người, hoặc một nhóm cùng rời rạc, dàn hàng ngang rất rõ ràng, kỹ thuật vẽ “sạch sẽ”, không muốn để lại tỳ vết nào, hoặc không muốn ai thêm bớt gì. Nguyễn Khắc Chinh lý giải, màu đỏ có sức mạnh riêng, dường như sắc rực rỡ của nó đánh thức điều gì đó trong người. Nhiều họa sĩ khai thác chất chói nóng, Nguyễn Khắc Chinh làm cho nó dịu mát, đậm chất phương Đông, quen thuộc như màu cờ, màu sơn son thếp vàng. “Đấy là văn hóa truyền thống mà tôi đã có những trải nghiệm gần gũi, như lúc đi lễ chùa, nghe Phật pháp, tìm hiểu đạo Mẫu, ngắm nhìn những pho tượng, kiến trúc đền chùa... và một cách vô thức những màu sắc đó ảnh hưởng đến mình. Chính vì vậy, trong tranh tôi cố gắng tạo theo cách của mình, tôn lên nét đẹp trong đôi mắt của dân tộc mình”.

Cảm nhận và lựa chọn

Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nhận định, những họa sĩ như Nguyễn Khắc Chinh không vẽ một cách đơn thuần cho... sướng tay, mà theo đuổi triết lý, ý tưởng nào đó về cuộc đời thực tại đang hỗn loạn, con người ta cố gắng tỏ ra bình thản, ngay ngắn. “Những ý tưởng sinh ra từ xã hội hậu công nghiệp, đời sống thông tin tràn ngập và rất ảo trên các phương tiện hiện đại thu nhỏ. Ai cũng tiếp cận thế giới hàng ngày, nhưng cô độc tuyệt đối, khó khăn trong kết nối tình cảm. Những bức họa nói lên các vấn đề như vậy rất đáng xem và xem kỹ, ở đó chứa nhiều xúc cảm theo kiểu thông tin, hơn là một lời tỏ tính cổ điển”.

Trong giai đoạn giao thoa văn hóa, nhiều họa sĩ thấy rõ sự trống rỗng, trơ trụi và không biết nên làm thế nào trên con đường nghệ thuật. Bên cạnh đó, nghệ thuật đương đại cũng đặt ra những vấn đề mới cho họ. Cảm nhận và lựa chọn ra sao phụ thuộc vào mỗi cá nhân, nhưng thành công hay thất bại cũng là sức ép lớn. Nguyễn Khắc Chinh cho rằng, vấn đề là tâm thức của nghệ sĩ trước hội họa, là mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại mà nghệ sĩ là người cần ý thức để biểu hiện qua cái nhìn, cái vẽ. Có điều, giữa vô vàn những yếu tố, thế hệ bây giờ có lẽ nhìn thấy giá trị truyền thống ít hơn. Thế giới càng giao thoa, càng hiện đại thì dường như những tinh hoa ẩn tàng trong sâu thẳm càng khó được cảm nhận sâu, mặc dù tín hiệu luôn phát ra đâu đấy. “Tôi lựa chọn ứng dụng thẩm mỹ qua cách cảm nhận của riêng mình, thông qua những cái đẹp thanh tao, giản dị như áo dài, sắc đỏ nóng truyền thống hay quan niệm bao đời của người Việt về cái đẹp. Người ngoài có thể thích màu mè kỹ lưỡng, còn người Việt ta cứ dân dã, đơn giản, mộc mạc nhưng tạo ra hiệu quả thẩm mỹ rất đẹp, rất sang”.

Cái đẹp trong hội họa là một tổng thể của sự rung động. Còn hội họa là biểu hiện tinh tế bằng hình ảnh từ trong tâm thức của con người về cái đẹp. Tâm niệm như vậy để thấy những quy tắc chung, những luật định bất thành văn cho họa sĩ, mà ai càng hiểu biết thì giá trị tác phẩm càng lớn. Với Nguyễn Khắc Chinh, ấy là sự hiểu biết cái xưa - cái nay, cái bên trong - cái bên ngoài, triết lý Đông - Tây… Họa sĩ biết được bao nhiêu thì người xem có thể bước vào và cảm nhận thế giới ấy rộng lớn bấy nhiêu, đó cũng là vai trò của nghệ thuật. Như nhận xét của họa sỹ Lý Trực Sơn: “Một tác phẩm nghệ thuật tốt sẽ có khả năng tạo ra một đời sống riêng mà luôn tương tác với người xem cho đến khi trở thành một phần trong đời sống của họ. Nguyễn Khắc Chinh đã làm được điều đó, tranh anh kết nối với mọi người bởi vẻ trang trọng, tinh tế, dịu dàng và tinh thần tôn giáo kín đáo phảng phất”.

Thái Minh