Khoảng trống pháp luật?

- Thứ Tư, 15/07/2020, 06:15 - Chia sẻ
Ngày 10.7.2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp tố tụng: ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và Lệnh khám xét về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.

Tuy nhiên, theo kết luận điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cho biết: đến nay bị can Hồ Thị Kim Thoa bỏ trốn, thời hạn điều tra vụ án đã hết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can và quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa, khi nào bắt được bị can sẽ tiến hành phục hồi điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra trường hợp bị can bỏ trốn. Tuy nhiên, với trường hợp bà Thoa bỏ trốn được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, từ khi chịu hình thức kỷ luật về mặt Đảng, chính quyền cho đến khi có quyết định khởi tố bị can là một khoảng thời gian dài.

Câu hỏi đặt ra là, liệu đang có khoảng trống pháp lý dẫn đến các đối tượng có hành vi phạm tội và nắm trước được tình hình đã tìm cách “cao chạy xa bay”? Nếu có thì cần bịt “khoảng trống” đó bằng cách nào?

Trước đó, với những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng, Ban Bí thư quyết định miễn nhiệm chức vụ ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Công thương và đề nghị Thủ tướng miễn nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa. Ngày 16.8.2017, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công thương đối với bà Thoa. Tính từ thời điểm bà Thoa được xác định có vi phạm, bị kỷ luật và miễn chức vụ Thứ trưởng Bộ Công thương cho đến thời điểm có quyết định khởi tố bị can là một khoảng thời gian khá dài. Có ý kiến cho rằng, chính khoảng thời gian xử lý kéo dài là điều kiện thuận lợi để những kẻ phạm tội tìm cách lẩn trốn.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra trường hợp người có hành vi phạm pháp luật bỏ trốn. Trước đó cũng từng xảy ra nhiều trường hợp bỏ trốn như: Vũ Đình Duy, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ, Giám đốc Nhật Cường Mobile… Thực tế này, khiến dư luận lo ngại về tình trạng người phạm tội tìm cách bỏ trốn ra nước ngoài nhằm trốn trách trách nhiệm hình sự sau khi thực hiện hành vi phạm tội. 

Khi đối tượng phạm tội đã trốn ra nước ngoài thì cơ quan tiến hành tố tụng phải truy tìm và dẫn độ đối tượng về nước. Thực tế quá trình xử lý tội phạm cho thấy, đối tượng phạm tội tại Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài thường sử dụng hộ chiếu giả. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho Cảnh sát Việt Nam khi yêu cầu cảnh sát nước ngoài phối hợp tìm kiếm đối tượng. Theo luật pháp quốc tế, dẫn độ là việc một quốc gia chuyển, trao người phạm tội hoặc người bị kết án cho một quốc gia khác (thường là quốc gia nơi tội phạm gây ra hoặc là quốc gia đã kết án người đó) để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành bản án đã có hiệu lực. Tuy nhiên, nếu hai quốc gia chưa có hiệp định tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm giữa 2 nước sẽ khó thực hiện, trừ trường hợp luật pháp quốc tế có quy định khác.

Khi chưa có hiệp định về dẫn độ ở dạng song phương hay đa phương, vẫn có thể thực hiện việc dẫn độ theo nguyên tắc “có đi, có lại” giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, để dẫn độ tội phạm từ một quốc gia không tham gia ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam thì quá trình đàm phán về dẫn độ rất phức tạp.

Hiện nay Việt Nam chưa có văn bản quy phạm điều chỉnh riêng vấn đề dẫn độ tội phạm. Do đó, đã đến lúc Việt Nam cần phải xây dựng một đạo luật về dẫn độ để có công cụ pháp lý vững chắc hơn trong việc xử lý những đối tượng phạm tội bỏ trốn. Ngoài ra, Việt Nam cần tích cực hợp tác tương trợ tư pháp với các nước châu Âu, Mỹ. Bởi như ĐBQH Trương Trọng Nghĩa từng lo lắng: Khi chúng ta “đốt lò” thì có người “nóng” quá nhảy sang những nơi đó. Thậm chí, họ còn chuẩn bị tiền bạc, tài sản, con cái, hồ sơ pháp lý tị nạn... từ 5 - 10 năm trước. Nếu không có các hiệp định tương trợ tư pháp, tội phạm sẽ thoát ra nước ngoài, gây bất công lớn.

Chúng ta không thể để kẻ phạm tội nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật chỉ vì những khoảng trống pháp luật. 

Lê Hùng