Chỉ thị 40-CT/TW - Điểm tựa vững chắc trong hệ thống chính sách giảm nghèo

Không chỉ giảm nghèo mà phải thoát nghèo bền vững

- Thứ Tư, 06/11/2019, 07:42 - Chia sẻ
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành hệ thống chính sách đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng, trở thành nguồn lực quan trọng nhằm hỗ trợ đa chiều cho người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững. Đây là nhận định của các đại biểu tại Tọa đàm “Chỉ thị 40-CT/TW - Điểm tựa vững chắc trong hệ thống chính sách giảm nghèo” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 5.11.

Ảnh: Duy Thông

Từ “điểm sáng” tín dụng chính sách từ Chỉ thị 40, tôi cho rằng cần xem xét ban hành Luật Tín dụng chính sách xã hội nhằm góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách về giảm nghèo; triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát cũng như nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người dân để điều chỉnh, bổ sung cơ chế cho phù hợp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội BÙI SỸ LỢI

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, đến nay tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình, đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Từ thực tế địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai Vũ Xuân Cường cho rằng, chính sách này rất phù hợp với nhu cầu và nhận thức của người dân, trở thành nguồn lực quan trọng, ổn định, bền vững và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nguồn lực đầu tư trong xóa đói, giảm nghèo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá, các chương trình tín dụng chính sách xã hội thể hiện sự đột phá trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tạo sự chuyển biến nhận thức mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị, đó là chuyển cách làm từ “cho con cá” sang “đưa cần câu” cho người nghèo. Trong đó, kết quả đáng ghi nhận nhất chính là tín dụng chính sách “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, giúp 1,8 triệu hộ thoát  nghèo. “Đặc biệt, mô hình tổ chức quản trị đặc thù của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hoàn toàn phù hợp với điều kiện tình hình kinh tế - xã hội của chúng ta” - Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi khẳng định.

Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Văn Lý nhấn mạnh, thực tế tại các địa phương, nơi nào triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 tốt thì ở đó, tín dụng chính sách được tập trung nguồn lực tốt hơn, hiệu quả hơn và góp phần tích cực vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia của địa phương như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới… Qua 5 năm thực hiện, nguồn vốn ngân sách tăng 1,6 lần so với trước. Trong đó, nhiều tỉnh nguồn vốn ngân sách còn khó khăn nhưng vẫn dành tỷ lệ ủy thác cho NHCSXH như Đắk Lắk là 220 tỷ đồng, Quảng Ngãi 160 tỷ đồng, Lào Cai 90 tỷ đồng...


Các đại biểu dự tọa đàm Ảnh: Duy Thông

Tối ưu nguồn vốn vay

Nhiều đại biểu nhận định, hiện nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho xóa đói, giảm nghèo là rất lớn nhưng đầu tư bằng cách nào để nguồn vốn được sử dụng hiệu quả mới là vấn đề cần quan tâm. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai Vũ Xuân Cường cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa phương thức hỗ trợ người dân thực hiện các chương trình mục tiêu từ “cho không” sang “cho vay” để nâng cao tính chủ động của người dân trong việc vươn lên thoát nghèo, làm giàu và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tư duy sản xuất hàng hóa, tư duy kinh tế thị trường, chủ động trong phát triển kinh tế gia đình.

Cũng theo ông Cường, NHCSXH cần mở rộng hình thức huy động nguồn vốn nhàn rỗi của nhân dân thông qua tổ tiết kiệm, vay vốn ở cơ sở, từ đó có thể mở rộng đối tượng cho vay. NHCSXH cũng cần chủ động thay đổi phương thức cho vay để tăng tốc độ luân chuyển của đồng vốn vay bằng cách phối hợp với các đoàn thể, cơ quan chuyên môn trên địa bàn để hướng dẫn người dân sử dụng vốn vay có hiệu quả nhất, tạo điều kiện cho các hộ dân thực hiện vay vốn theo chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước.

Từ đặc thù tại địa phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Y Khút Niê cho rằng, để làm tốt việc cho vay, Đắk Lắk lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khác để thực hiện có hiệu quả; bảo đảm các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện, có nhu cầu đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. “Tôi cho rằng, nếu không có sự dẫn dắt, sẵn sàng cầm tay chỉ việc cho đồng bào thì sẽ không thể sử dụng tối ưu nguồn vốn được vay”.

Cùng chung ý kiến, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ cho biết thêm: người nghèo, vùng nghèo mỗi nơi có đặc thù riêng vì vậy cần có những khảo sát những đề án cụ thể cho từng vùng miền, từng làng xã; có những hướng dẫn cụ thể để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp. Trên cơ sở chính sách chung của vùng miền, của từng địa phương, các tín dụng viên, các hội viên giúp người dân sử dụng vốn vay vào các chương trình sản xuất, kinh doanh nhằm phát triển nguồn vốn được vay.

Chi An