Quản đấu giá tài sản

Không chỉ rà soát văn bản

- Thứ Năm, 20/08/2020, 05:29 - Chia sẻ
Giao cho các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát và đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định về đấu giá tài sản không còn phù hợp, mâu thuẫn; thí điểm tổ chức đấu giá trực tuyến các tài sản lớn... là đề xuất được Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản (Dự thảo) đặt ra.

Câu chuyện thông đồng, dìm giá vẫn tiếp diễn!

Quá trình thực hiện Luật Đấu giá tài sản năm 2016 cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình tổ chức triển khai luật tồn tại không ít vướng mắc, bất cập. Những vướng mắc này rất đa dạng từ việc định giá, xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá còn chưa sát; chênh lệch kết quả trúng đấu giá và giá khởi điểm còn chưa cao; lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản còn chưa khách quan; giám sát quá trình tổ chức đấu giá không thường xuyên, thậm chí là “buông lỏng”; đến chất lượng, năng lực hoạt động của đội ngũ đấu giá viên còn hạn chế.

Thí điểm đấu giá trực tuyến tài sản công

Tính đến tháng 12.2019, cả nước có 1.008 đấu giá viên đã được Sở Tư pháp cấp Thẻ đấu giá viên; hơn 460 tổ chức đấu đấu giá tài sản; trong đó, có hơn 410 doanh nghiệp đấu giá tài sản và 59 trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều đáng nói, một trong những kỳ vọng của các nhà làm luật khi ban hành Luật Đấu giá tài sản 2016 là hạn chế được tình trạng "quân xanh, quân đỏ" trong hoạt động đấu giá. Tuy nhiên, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, thông đồng dìm giá, "quân xanh quân đỏ", băng nhóm xã hội đen diễn ra phức tạp, gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng an ninh, trật tự địa phương vẫn là vấn đề nổi cộm nhất trong hoạt động đấu giá thời gian qua. Đặc biệt, tình trạng đấu giá thành công nhưng không giao được tài sản cho người trúng đấu giá, dẫn đến tâm lý e ngại tham gia đấu giá, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức, Nhà nước vẫn chưa giải quyết được.

Nguyên nhân chính của tình trạng nêu trên được các bộ, ngành, địa phương nhận định là do hoạt động đấu giá tài sản chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật, liên quan đến nhiều khâu, thuộc quyền quản lý của nhiều bộ, ngành, địa phương. Trong khi đó, việc tổ chức thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật về hoạt động đấu giá tài sản chưa nghiêm. Chính vì thế, không hiếm người có tài sản còn thiếu trách nhiệm trong việc xử lý tài sản; thậm chí có tổ chức đấu giá tài sản có hành vi vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá, vi phạm đạo đức nghề nghiệp đấu giá.

Thí điểm đấu giá trực tuyến tài sản công

Một trong những điểm nhấn của Dự thảo là giao bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát và đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định về đấu giá tài sản không còn phù hợp, mâu thuẫn. Do đặc thù của hoạt động đấu giá, Luật Đấu giá tài sản quy định thống nhất trình tự, thủ tục đấu giá các loại tài sản; còn pháp luật chuyên ngành quy định các nội dung liên quan đến đấu giá như việc định giá, xác định giá khởi điểm, phê duyệt phương án đấu giá, nộp tiền trúng đấu giá.

Do đó, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, Dự thảo giao cơ quan bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát và đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định về đấu giá tài sản không còn phù hợp, mâu thuẫn. Đồng thời, Dự thảo giao các bộ nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật chuyên ngành quy định các loại tài sản phải bán thông qua hình thức đấu giá để đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan trong việc xử lý tài sản; việc định giá, xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá bảo đảm sát với giá thị trường, hạn chế tình trạng trục lợi gây thất thoát tài sản.

Cũng từ đặc thù của hoạt động đấu giá, Luật Đấu giá tài sản đã phân định rõ giai đoạn trước, giai đoạn sau khi đấu giá thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành; giai đoạn trong khi đấu giá thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá theo Luật Đấu giá tài sản. Do đó, ngoài việc hoàn thiện pháp luật, Dự thảo giao cơ quan bộ, ngành, địa phương với tư cách là người có thẩm quyền quản lý tài sản, người có tài sản có trách nhiệm trong việc xây dựng, phê duyệt phương án đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản trước khi đưa tài sản ra đấu giá; giám sát quá trình tổ chức đấu giá, tham dự cuộc đấu giá, giao tài sản cho người trúng đấu giá, hủy hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy kết quả đấu giá theo quy định pháp luật.

Đặc biệt, để bảo đảm việc đấu giá tài sản hiệu quả, Luật Đấu giá tài sản quy định người có tài sản có các quyền như lựa chọn hình thức đấu giá, bước giá phù hợp. Do đó, Dự thảo giao cơ quan bộ, ngành, địa phương chỉ đạo người có tài sản lựa chọn hình thức đấu giá, bước giá phù hợp với từng cuộc đấu giá; đồng thời tổ chức thực hiện thí điểm việc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến đối với một số loại tài sản công do bộ, ban, ngành quản lý; quyền sử dụng đất tại địa phương có giá trị lớn, đặc thù, phức tạp.

Bên cạnh các nhiệm vụ chung đối với các bộ, ngành, địa phương nêu trên, Dự thảo quy định cụ thể trách nhiệm của một số bộ có liên quan trực tiếp đến hoạt động đấu giá tài sản và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chẳng hạn đối với Bộ Tài chính, Dự thảo giao chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật chuyên ngành về việc định giá, xác định giá khởi điểm đối với tài sản đấu giá là tài sản công, bảo đảm giá khởi điểm tài sản đấu giá sát với giá thị trường…

Bài và ảnh: Phạm Hải