Bàn về triết lý giáo dục Việt Nam

Không có triết lý, không thể phát triển

- Thứ Sáu, 09/11/2018, 08:22 - Chia sẻ
Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Minh Hạc từng viết cuốn sách “Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam”, xuất bản lần đầu năm 2011 và tái bản năm 2013. Theo ông, mặc dù đến thời điểm này, chưa có một văn kiện nào của Đảng hay chính sách nào của Chính phủ dùng cụm từ “triết lý giáo dục”, song thực tế, triết lý này đã có và luôn là sợi chỉ xuyên suốt trong quá trình phát triển của nền giáo dục nước nhà.

- Ông từng thực hiện đề tài nghiên cứu cấp bộ về triết lý giáo dục trên thế giới và Việt Nam, đồng thời đã xuất bản cuốn sách về vấn đề này. Vậy triết lý giáo dục là gì và nó có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển của một nền giáo dục, thưa ông?


LTS: Sau khi Báo Đại biểu Nhân dân đăng bài “Mạn đàm về triết lý giáo dục” của tác giả Phùng Văn (số 311, ra ngày 7.11.2018), chúng tôi nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề này, trong bối cảnh chúng ta đang sửa đổi Luật Giáo dục và chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Từ số báo này, Báo Đại biểu Nhân dân mở Diễn đàn “Bàn về triết lý giáo dục Việt Nam” với mong muốn nhận được nhiều ý kiến tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục, thầy cô giáo… để làm rõ triết lý giáo dục Việt Nam, từ đó phát triển nền giáo dục nước nhà.

- Trước hết, phải khẳng định triết lý giáo dục là vấn đề lớn của xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng, vì nó có ý nghĩa quan trọng để phát triển sự nghiệp giáo dục. Triết lý giáo dục nêu lên tư tưởng tổng quát, để xác định chủ trương, đường lối xây dựng và phát triển giáo dục. Nói cách khác, muốn phát triển giáo dục thì phải có triết lý giáo dục.

- Lý do nào để ông làm nghiên cứu cũng như ra sách về triết lý giáo dục?

- Khi đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận có cuộc họp với các Bộ trưởng và Thứ trưởng của Bộ đã nghỉ hưu. Sau cuộc họp đó, Bộ trưởng nói với tôi là nên có tuyên bố về triết lý giáo dục. Tôi đề xuất cần có đề tài, Bộ đồng ý đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ về vấn đề này. Tôi cũng đồng thời viết cuốn sách “Triết lý giáo dục của thế giới và Việt Nam”, sau khoảng 6 tháng thì hoàn thiện.

- Vậy khi đó, ông xác định triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?

- Khi đó, tôi xác định triết lý giáo dục là phải giáo dục cho mỗi người có “giá trị bản thân”, tức là dạy và học phải giúp người học hình thành hệ giá trị của từng người, có hiểu biết, có thái độ đúng, có năng lực. Mỗi người học phải làm cho mình thực sự có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu của xã hội, bảo đảm cuộc sống cũng như trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. “Giá trị bản thân” mà tôi đề xuất đã được ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Giáo dục công dân tiếp thu, dự kiến thực hiện từ năm học 2019 - 2020. Theo đó, “giá trị bản thân” hay “phẩm chất chủ yếu” của mỗi người sẽ gồm 5 giá trị: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm.


- Nhưng không phải đến năm 2011, chúng ta mới có triết lý giáo dục, thưa ông?

- Thực ra, sau Cách mạng tháng Tám, xuất phát điểm của nước ta rất thấp, chỉ 5% người dân biết chữ. Do vậy, khoảng một tuần sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945, Chính phủ đã ban hành 3 chỉ thị để chống nạn thất học. Theo triết lý giáo dục mà Bác Hồ đề ra khi đó, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Như vậy, để trở thành dân tộc mạnh, đủ sức bảo vệ mình và phát triển là phải phát triển giáo dục, muốn vậy phải có triết lý giáo dục. Đây là triết lý mở đầu của giáo dục ở nước ta từ sau Cách mạng tháng Tám, với mục tiêu giáo dục những công dân hữu ích, phục vụ đắc lực cho công cuộc bảo vệ, phát triển đất nước.

Triết lý đó được phát triển khi Bác về thăm trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) năm 1949, khi Bác nói “giáo dục đầu tiên là giáo dục làm người”. Năm 1968, trong bức thư gửi ngành giáo dục, Bác nêu lên khẩu hiệu, đường lối giáo dục là “Dạy tốt, học tốt”. Trong các bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tư tưởng phát triển giáo dục là “học đi đôi với hành”, có ý nghĩa đến tận hôm nay.

- Vậy theo ông, vì sao đã có triết lý giáo dục nhưng gần đây chúng ta vẫn đặt ra vấn đề đi tìm triết lý giáo dục của Việt Nam, và năm 2011 bản thân ông cũng nghiên cứu về vấn đề này?

- Đúng là từ năm 1945 đến nay, không có văn kiện nào của Đảng cũng như chính sách nào của Chính phủ đề cập đến cụm từ “triết lý giáo dục”. Khi tôi làm ở Viện Khoa học giáo dục và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không dùng cụm từ này. Chính vì thế, người ta có nhu cầu đi tìm triết lý giáo dục mang tính thống nhất.

Ngôn ngữ là sản phẩm của cuộc sống, do vậy khi cuộc sống đặt ra “triết lý giáo dục” thì chúng ta gọi như thế, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta không có triết lý giáo dục. Triết lý giáo dục luôn là sợi chỉ xuyên suốt trong quá trình phát triển giáo dục của nước nhà. Bởi nếu không có triết lý giáo dục, chúng ta sẽ không thể từ 5% người dân biết chữ hiện đã lên hơn 90% người dân; đạt vị trí cao trong các kỳ thi quốc tế, thậm chí có những năm lọt được vào nhóm 10 nước dẫn đầu thế giới…

- Xin cảm ơn ông!

 (Còn nữa)

Vũ Thủy thực hiện