Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV:

Không nên phó mặc cho ngành tư pháp

- Thứ Hai, 04/11/2019, 19:53 - Chia sẻ
Đây là ý kiến của ĐBQH nêu ra tại phiên thảo luận chiều nay, 4.11. Theo ĐBQH, thực trạng đáng lo ngại liên quan đến tình hình tội phạm với nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng, tinh vi, phức tạp. Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành tư pháp, mà cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành và đoàn thể trong xã hội, đặc biệt là vai trò của giáo dục.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đã chỉ ra ba thực trạng đáng báo động trong tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật thời gian qua. Trong đó, nổi lên nhiều vụ án mạng nghiêm trọng, dã man. Qua theo dõi các vụ án gần đây, ĐB nhận thấy, có những điểm bất thường so với giai đoạn trước. Cụ thể, gần đây xảy ra nhiều vụ án do người thân gây ra.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu  Ảnh: Quang Khánh

Theo thống kê, số lượng các vụ án mạng xảy ra trong gia đình chiếm 18 - 20%, tương đương khoảng 200 vụ/năm. Đây là con số rất lớn, nhiều vụ mang tính chất "thảm sát" vì lý do liên quan đến kinh tế, như vụ án gây chấn động dư luận xảy ra ở Đan Phượng (Hà Nội) mới đây, chỉ vì tranh chấp đất đai mà người anh trai ra tay sát hại gần như cả gia đình người em. Bên cạnh đó, gần đây xuất hiện nhiều vụ án do mâu thuẫn bộc phát nhất thời, trong đó có nhiều vụ án xuất phát từ va chạm giao thông, xích mích trong lúc uống rượu bia...

Một thực trạng đáng quan ngại khác nổi lên gần đây là xu hướng trẻ hóa tội phạm phạm tội giết người. Theo thống kê, 60% số đối tượng phạm tội giết người ở độ tuổi dưới 30, trong khi tỷ lệ này chỉ chiếm 30% trong giai đoạn trước đây. ĐB Nguyễn Thị Thủy cho rằng, ở đây có vấn đề liên quan đến sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, về cách ứng xử giữa con người với con người mà nguyên nhân trước hết đến từ giáo dục trong gia đình, nhà trường. "Trong một chừng mực nhất định, chúng ta chưa thành công trong giáo dục nhân cách", ĐB Nguyễn Thị Thủy nói. Những vụ án này đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng về nhân cách.

ĐBQH Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) cũng cho rằng, tình trạng các vụ tội phạm giết người, cố ý gây thương tích tuy đã giảm về số vụ nhưng tính chất và mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp không chỉ là các vụ việc vi phạm pháp luật mà còn cho thấy đạo đức của một bộ phận gia đình, xã hội xuống cấp nghiêm trọng. ĐB cho rằng, nguyên nhân chủ yếu tập trung ở một số vấn đề cơ bản, trong đó, trước hết là gia đình không lành mạnh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của tội phạm trong nước ở lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng tăng.

ĐBQH Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) phát biểu  Ảnh: Quang Khánh

Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao cho thấy, các vụ án hôn nhân và gia đình phải thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là hơn 285 nghìn vụ, trong đó ly hôn do mâu thuẫn gia đình chiếm 84% tổng số các vụ án ly hôn mà Tòa án giải quyết. Trong một nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, có hơn 60% số người phạm tội giết người xuất thân từ những gia đình phức tạp, có vấn đề như người thân, anh chị em có tiền án tiền sự, bố mẹ ly hôn phải sống với ông bà, anh chị em từ nhỏ. Điều này cho thấy việc gìn giữ hạnh phúc gia đình cần phải được quan tâm hơn.

ĐB cũng cho biết, sự thiếu hiểu biết, ý thức chấp hành và tôn trọng pháp luật của một bộ phận thanh niên hiện nay rất đáng báo động. Nguyên nhân là do trình độ học vấn hạn chế, thích đua đòi thụ hưởng, dễ kích động nên động cơ phạm tội bắt nguồn từ mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt. Bên cạnh đó, mặt trái của công nghệ thông tin, đặc biệt là thông tin ngoài luồng xuất phát từ mạng xã hội, blog cá nhân, ảnh hưởng của trò chơi trực tuyến, phim ảnh có yếu tố bạo lực, đồi trụy... đã làm gia tăng tội phạm. Rất nhiều vụ đối tượng thực hiện hành vi phạm tội giết người do ám ảnh bởi những trò chơi giết người trên game hay phim bạo lực.  

Để phòng ngừa loại tội phạm này, đại biểu nhấn mạnh, không thể phó mặc cho các cơ quan tư pháp, mà cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể. Trong đó, cần có giải pháp căn cơ đến từ ngành giáo dục mới có thể tạo chuyển biến tích cực, ổn định. Bộ Công an cần tổng kết tình hình tội phạm giết người trong thời gian qua và tham mưu cho chính phủ có những giải pháp phù hợp với tình hình mới, đặc biệt cần chú trọng vào những biện pháp phòng ngừa xã hội. Chính phủ cần phân công cụ thể trách nhiệm cho các cấp, ngành thực hiện.

ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) phát biểu  Ảnh: Quang Khánh

Đề cập đến tội phạm dâm ô với trẻ em dưới 16 tuổi, theo ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), báo cáo của các cơ quan chức năng đã chỉ ra có không ít vụ dâm ô trẻ em khiến dư luận phẫn nộ. Tuy vậy, hoạt động điều tra truy tố xét xử gặp không ít khó khăn. Thực tiễn chỉ ra đây là loại tội phạm mà người bị hại là trẻ em, thậm chí là trẻ em nhỏ, kẻ phạm tội tinh vi, hành vi xâm hại nhiều khi không để lại bằng chứng, công tác thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn. ĐB Nguyễn Văn Hiển đề nghị, các cơ quan tư pháp nghiên cứu trình QH cho phép áp dụng điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với tội phạm này.

Thanh Chi