Sổ tay:

Không nên vội vàng, qua loa

- Thứ Sáu, 28/08/2020, 05:34 - Chia sẻ
Trước phản ứng gay gắt của dư luận về đề xuất rút ngắn thời hạn giấy phép lái xe từ 10 năm xuống 5 năm, đại diện Bộ Công an đã chính thức có ý kiến về vấn đề này. Theo đó, thay vì đề xuất giảm thời hạn bằng lái xe từ 10 năm xuống 5 năm, Bộ Công an cho biết sẽ phối hợp với các bộ ngành quản lý tài xế bằng công nghệ... Dẫu vậy, các luật gia cũng như chuyên gia giao thông vận tải cho rằng: Cơ quan soạn thảo phải hết sức rút kinh nghiệm, không nên qua loa, vội vàng để rồi dẫn đến câu chuyện luật “vênh”, không sát với thực tiễn.

Việc cơ quan được giao chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đưa ra những đề xuất gây tranh cãi, vốn không phải là điều hiếm gặp trong thời gian qua. Đơn cử, tháng 5.2020, đề xuất yêu cầu phương tiện phải dừng khi có đèn xanh nếu nút giao ùn tắc và yêu cầu xe máy phải bật đèn ban ngày là hai đề xuất trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) gây khá nhiều tranh cãi bởi nó không phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Mới đây nhất, Bộ Công an đặc biệt giành được sự chú ý của dư luận bởi các đề xuất về cấp thẻ căn cước công dân gắn chip thay vì mã vạch (Dự án xây dựng căn cước công dân mới) và đề xuất rút ngắn thời hạn giấy phép lái xe hạng B từ 10 năm xuống còn 5 năm (tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông của Bộ Công an vừa trình Chính phủ).

Chắc chắn không phải ngẫu nhiên dư luận lại phản ứng với những đề xuất nêu trên. Hầu hết chuyên gia luật cũng như giao thông vận tải khi được hỏi về vấn đề này đều cho rằng: Các đề xuất gây “bão” dư luận phần lớn là những đề xuất, quy định không phù hợp thực tiễn, thậm chí đi ngược lại chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, gây phiền hà, tốn kém thêm chi phí cho cả người dân và cơ quan quản lý. Cụ thể, liên quan đến việc cấp thẻ căn cước công dân gắn chip, các chuyên gia cho rằng, chắc chắn vấn đề này sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như nó không xuất hiện giữa lúc chương trình đổi từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân có mã vạch (loại thẻ được kỳ vọng về một loại giấy tờ hiện đại, có thể tích hợp nhiều tính năng), vừa được triển khai tại 16 tỉnh, thành trên toàn quốc chưa được bao lâu. Cứ cho là loại thẻ căn cước công dân mới có gắn chip sẽ hiện đại và tiện ích hơn so với thẻ mã vạch, thì việc liên tiếp thay đổi sẽ gây tâm lý lo lắng, không an tâm cho hàng triệu công dân đã được cấp thẻ mã vạch vì nó sẽ trở nên lạc hậu nếu như thẻ gắn chip được triển khai...

Còn đối với đề xuất rút ngắn thời hạn giấy phép lái xe xuống 5 năm, thay vì 10 năm như quy định cũ cũng vô hình trung phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây khó khăn đối với người dân hơn. Bởi đáng ra trong 10 năm chỉ phải đổi lại giấy phép lái xe 1 lần, nay phải đổi hai lần, như vậy những người được cấp giấy phép lái xe sẽ tăng gấp đôi số lần và số tiền để đi làm thủ tục đổi bằng so với trước đây... Trong khi đó, chủ trương và mục tiêu hướng tới của Chính phủ là cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí tối đa cho người dân, doanh nghiệp... thì rõ ràng đề xuất này đã thể hiện lối tư duy “ngược” hoặc có thể là có chút “vội vàng” của cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản.

Từ những sự việc nêu trên, thiết nghĩ nếu không muốn các quy định của luật xa rời thực tiễn, tránh tình trạng vừa đề xuất xong lại mau chóng xin rút, trước khi trình các cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo cần hết sức kỹ lưỡng, cân nhắc thấu đáo, nên tham vấn ý kiến của các chuyên gia, người dân về các vấn đề đưa ra. Không nên vì sự chủ quan duy ý chí, hoặc thấy các nước văn minh thực hiện được quy định nào đó thì cũng “vội” đưa quy định đó vào đề xuất, áp dụng, mà quên đi mất thực tiễn điều kiện của nước ta có phù hợp để áp dụng được không. Bởi xét cho cùng luật phát sinh ra cũng là để xây dựng một xã hội có trật tự, kỷ cương và trở nên tốt đẹp hơn. Theo đó, việc xây dựng các văn bản luật phải dựa trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của đông đảo người dân.

Hải Thanh