Kích đầu tư tư nhân để quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao

- Thứ Ba, 30/04/2024, 07:18 - Chia sẻ

TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam

Để tăng trưởng cao và bền vững, nền kinh tế rất cần nguồn vốn từ khu vực tư nhân trong nước, đặc biệt là nguồn vốn tự có của các doanh nghiệp và người dân, nguồn vốn được chuyển tải thông qua thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Do vậy, phải kích được đầu tư từ khu vực này thông qua chìa khóa là cải thiện môi trường đầu tư, và đòn bẩy từ đầu tư Nhà nước.

Tốc độ đầu tư tư nhân chậm dần

Năm 2023, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm trước; trong khi tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư thực hiện của khu vực Nhà nước tăng 14,6%, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 5,4% thì khu vực tư nhân trong nước chỉ tăng 2,7%. Quý I năm nay, tốc độ tăng của vốn đầu tư tư nhân cũng chỉ tăng 4,2%, thấp hơn nhiều so với mức 4,9% của khu vực Nhà nước và 8,9% của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Muốn gia tăng đầu tư tư nhân vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, cần có các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn thử nghiệm ý tưởng mới, mô hình kinh doanh mới, hay công nghệ mới. Quá trình đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đòi hỏi phải có một môi trường pháp lý, một văn hóa khoan dung với các ý tưởng mới, với sự thất bại của các doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp dám làm, dám chịu thất bại, và bắt đầu lại khi thất bại.

Tăng trưởng đầu tư tư nhân chậm được đánh giá là nguyên nhân chính khiến cho tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 không đạt được mục tiêu như mong muốn. Tương tự, tốc độ tăng thấp của đầu tư tư nhân của quý I năm nay cũng là điều không thuận lợi cho mục tiêu tăng trưởng của năm 2024, là dấu hiệu không tích cực cho mục tiêu quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng của đầu tư tư nhân trong nước đang thấp hơn rất nhiều so với trước đây. Trong giai đoạn từ 2014 - 2019, tốc độ tăng trưởng của đầu tư tư nhân luôn ở mức 11 - 17% mỗi năm, thực sự đóng góp mạnh mẽ hơn so với khu vực Nhà nước cho tăng trưởng. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, tăng trưởng của đầu tư tư nhân đã giảm tốc. Nhìn từ góc độ đầu tư, tăng trưởng kinh tế trong những năm vừa qua phụ thuộc nhiều hơn vào đầu tư của Nhà nước.

Tăng trưởng bền vững cần đầu tư từ tư nhân

Phụ thuộc nhiều hơn vào đầu tư của Nhà nước để giữ vững nhịp độ tăng trưởng là điều dễ hiểu và hợp lý khi nền kinh tế đang bị tác động bởi cuộc khủng hoảng hoặc sau mỗi cuộc khủng hoảng. Thực tế, suốt giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và sau đó là sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá so với nhiều nền kinh tế khác, một phần lớn là nhờ sự gia tăng từ nguồn vốn đầu tư Nhà nước. Rõ ràng, nguồn vốn này đã phải gánh vác một trọng trách lớn hơn do sự giảm tốc của đầu tư tư nhân trong nước suốt những năm gần đây, và sự suy giảm về tốc độ tăng trưởng của nguồn vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2019 - 2021. 

Tăng đầu tư Nhà nước, đặc biệt là thông qua tăng chi tiêu Chính phủ, sử dụng mạnh các công cụ về tài khóa để tăng tổng cầu là cần thiết sau mỗi một cú sốc mà nền kinh tế phải trải qua. Tuy nhiên, để tăng trưởng cao và bền vững, nền kinh tế rất cần nguồn vốn từ khu vực tư nhân trong nước, đặc biệt là nguồn vốn tự có của các doanh nghiệp và người dân, nguồn vốn được chuyển tải thông qua thị trường tiền tệ và thị trường vốn.

Bên cạnh đó, do đầu tư tư nhân trong nước chiếm tới 58% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng trưởng của đầu tư Nhà nước không thể bù đắp được những khoảng trống trong nền kinh tế do sự tăng trưởng chậm về vốn đầu tư của khu vực tư nhân trong nước. Hơn nữa, gia tăng mạnh, liên tục nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước với tốc độ tăng trưởng luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng nguồn vốn đầu tư từ các khu vực kinh tế khác cũng là điều không nên được khuyến khích, do nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước thường không thể thay thế được, cũng không nên thay thế và lấn át đầu tư từ khu vực tư nhân. 

Nền kinh tế sẽ phát triển bền vững, với cấu trúc chắc chắn, có tính tự chủ, tự cường cao hơn nếu như đầu tư tư nhân trong nước tiếp tục đóng vai trò là trụ cột trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội. Cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, gia tăng đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước sẽ góp phần đẩy mạnh tổng cầu, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất, cung ứng dịch vụ của nền kinh tế.

Đầu tư từ Nhà nước, đặc biệt là đầu tư công vào các công trình trọng điểm, sẽ kích thích đầu tư từ khu vực tư nhân. Ảnh: Báo Công thương
Đầu tư từ Nhà nước, đặc biệt là đầu tư công vào các công trình trọng điểm, sẽ kích thích đầu tư từ khu vực tư nhân. Ảnh: Báo Công thương

Chìa khóa là cải thiện môi trường đầu tư

Gia tăng đầu tư tư nhân, một dư địa lớn để nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, đòi hỏi sự đóng góp nhiệt tình của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước gồm gần 1 triệu doanh nghiệp hiện đang hoạt động và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể trên toàn quốc.

Để doanh nghiệp gia tăng đầu tư, cần có môi trường thuận lợi cho họ vững tâm thực hiện các tầm nhìn, khát khao, hoài bão của mình; cùng một khung khổ pháp luật và văn hóa khuyến khích doanh nghiệp luôn dám dấn thân, mạo hiểm, mở rộng kinh doanh, dám nghĩ lớn, làm lớn, đầu tư lớn. Họ cũng rất cần một môi trường thể chế tốt với các quy định pháp luật rõ ràng, tạo ra một môi trường kinh doanh an toàn, chi phí tuân thủ thấp, có tính tiên liệu cao.

Những áp lực gia tăng từ cạnh tranh về vốn đầu tư từ các nền kinh tế khác, hay yêu cầu phải đẩy mạnh đầu tư trong nước đòi hỏi Việt Nam nâng cấp môi trường đầu tư, xây dựng một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, chi phí thấp, có tính tiên liệu cao.

Quá trình thiết lập lại chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao như chip, chất bán dẫn, dược phẩm, cũng là cơ hội để thiết lập, khẳng định vị trí, hình ảnh Việt Nam là đối tác thân thiện, đáng tin cậy của chuỗi cung ứng. Biến các thách thức này thành cơ hội sẽ đóng góp trực tiếp để nền kinh tế tiếp tục thu hút được nguồn vốn đầu tư từ cả các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài, từ đó đạt được tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, đồng thời mở ra các cơ hội tăng trưởng mới cho doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân. 

Mặt khác, đầu tư từ Nhà nước, đặc biệt là đầu tư công vào các công trình trọng điểm, sẽ tạo ra không gian tăng trưởng mới về cả phương diện địa lý, không gian và thời gian. Nó sẽ mở đường cho các doanh nghiệp từ khu vực tư nhân đầu tư, khai thác mạnh mẽ tiềm năng của các khu vực, những ngành chưa được khai thác hiệu quả nhất, nắm bắt cơ hội của kinh tế số, kinh tế xanh, sự dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư trên toàn cầu, của sự tái cấu trúc các chuỗi cung ứng, khai thác triệt để các thị trường trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, đầu tư công thường có hiệu ứng lan tỏa và sẽ dẫn dắt, kích thích đầu tư tư nhân. Đầu tư của Nhà nước được thực hiện theo hình thức đối tác công tư cũng đóng góp trực tiếp cho gia tăng đầu tư tư nhân.

Đầu tư của Nhà nước nhằm nâng cấp và cải thiện hệ thống các cơ sở giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường cũng đóng góp cho việc cải thiện môi trường đầu tư. Các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án giao thông, kết cấu hạ tầng, điện được đưa vào khai thác sẽ góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế, giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, giảm giá thành đầu vào. Nó cũng giúp môi trường kinh doanh và đầu tư trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Việc nâng cấp các cơ sở hạ tầng viễn thông, các trường đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế số hay mở dư địa mới để đón nhận các dòng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân vào các lĩnh vực công nghệ cao như chất bán dẫn hay chip.

Hiệu quả của nguồn vốn đầu tư Nhà nước do vậy cũng cần được đánh giá từ góc độ tác động của nó đối với hỗ trợ và kích thích đầu tư tư nhân. Tác động đối với việc kích thích, thúc đẩy đầu tư tư nhân do vậy cũng cần trở thành một trong những tiêu chí để lựa chọn, phê duyệt các dự án được đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước.

#