Kon Tum tập trung kiểm soát, ngăn chặn dịch bạch hầu

- Thứ Năm, 09/07/2020, 11:42 - Chia sẻ
Cũng giống các địa phương khác trên địa bàn Tây Nguyên, tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện tại diễn biến khá phức tạp. Để ngăn chặn lây lan, ngành y tế cùng với chính quyền địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp cách ly, điều trị, khoanh vùng, xử lý ổ dịch, kiểm soát tốt tình hình...

Theo số liệu thống kê của ngành y tế Kon Tom, tính đến hết ngày 8.7, toàn tỉnh có 16 ca dương tính với bệnh bạch hầu; trong đó, 5 người bệnh ở huyện Đăk Tô, 2 ở huyện Sa Thầy và 9 người lành mang trùng. Hiện, tất cả các ca dương tính với bạch hầu đang được cách ly và điều trị tại Trung tâm Y tế hai huyện trên.

Các bệnh nhân khi nhập viện đều có triệu chứng sốt, ho và đau họng, khám thấy amiđan sưng đỏ và có giả mạc. Khoa truyền nhiễm tiến hành cách ly và điều trị các bệnh nhân trên bằng thuốc kháng sinh cùng với các loại thuốc hỗ trợ khác. Hiện tại, sức khỏe của 7 bệnh nhân đã ổn định, không sốt, không khó thở và không đau ngực.

Khám loại trừ bạch hầu ở Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy
Khám loại trừ bạch hầu ở Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy

Phó giám đốc Sở Y tế Kon Tum Võ Văn Thanh cho biết, những năm gần đây, bệnh bạch hầu trên địa bàn huyện Đăk Tô liên tục xảy ra và có những diễn biến phức tạp. Như năm 2018, huyện ghi nhận 7 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 1 trường hợp tử vong; năm 2019 có 1 trường hợp và 6 tháng đầu năm 2020 ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh. Nguyên nhân chính được xác định là trước đây người dân chưa được tiêm chủng, hoặc đã được tiêm chủng nhưng vắc xin không đảm bảo, nên không có miễn dịch trong cộng đồng.

Trước tình hình bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp, ngành t tế Kon Tum đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: Lập danh sách cách ly đối các trường hợp tiếp xúc gần ca bệnh để cho uống thuốc dự phòng, cách ly tại nhà; thực hiện xử lý vệ sinh môi trường, phun hóa chất khử khuẩn tại khu vực có dịch. Đồng thời, các trung tâm t tế tuyến huyện tiến hành rà soát những người chưa được tiêm vắc xin đủ 3 mũi thuốc Td (vắc xin uốn ván - bạch hầu) để triển khai tiêm bổ sung; xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc xin trên diện rộng cho người dân. Khó khăn nhất là những đối tượng người lành mang trùng hiện tại trong địa bàn rất khó xác định bởi đều tồn tại ngoài cộng đồng và có khả năng lây lan lớn. Địa bàn có ổ dịch bạch hầu đều là các vùng đồng bào DTTS, nhận thức về việc phòng chống dịch bệnh còn hạn chế; tập quán sinh hoạt tập trung, cộng đồng là môi trường thuận lợi lây lan, phát tán mầm bệnh, cũng như việc xử lý ổ dịch gặp nhiều khó khăn.

Nhằm kiểm soát tốt bệnh bạch hầu, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh, các địa phương đang có dịch xác định một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện như: Tiếp tục khoanh vùng, giám sát chặt chẽ ổ dịch, triển khai khám sàng lọc để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh hoặc người lành mang trùng để cách ly và điều trị kịp thời; tổ chức cho người dân trong vùng ổ dịch uống thuốc điều trị dự phòng, tổ chức tốt công tác vệ sinh môi trường, phun xử lý ổ dịch bằng Chloramin B ngày 2 lần. Ngành Y tế sẽ tổ chức triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Td cho các đối tượng 7 - 25 tuổi tại các xã có ca bệnh để tạo miễn dịch bền vững trong cộng đồng; đồng thời thực hiện tốt hoạt động tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, vì đây là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa dịch bệnh. Bên cạnh đó, công tác truyền thông phòng, chống dịch bạch hầu cho cộng đồng, tuyên truyền cho người dân tác dụng, lợi ích của tiêm chủng, đối tượng và lịch tiêm để người dân biết, chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ.

Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do trực khuẩn bạch hầu gây nên và lây qua đường hô hấp. Vì vậy, để ngăn chặn, dập tắt bệnh bạch hầu, cùng với sự nỗ lực của ngành chức năng và chính quyền các cấp cần có sự hợp tác, chung tay của người dân.

Nam Anh