Lộ trình cụ thể và yếu tố đặc thù khi tăng tuổi nghỉ hưu

- Thứ Năm, 17/10/2019, 08:16 - Chia sẻ
Việc tăng giờ làm cần thực hiện theo lộ trình cụ thể, khoa học để thực hiện cải cách tiền lương; tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình cụ thể và xem xét đến các yếu tố đặc thù; cân nhắc kỹ cấp phó tối đa và biên chế tối thiểu; bổ sung quy định việc chuyển viên chức từ đơn vị sự nghiệp này sang đơn vị sự nghệp khác… là những vấn đề được nhiều cử tri là cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Cao Bằng quan tâm tại Hội nghị TXCT chuyên đề do Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức mới đây.

Tăng giờ làm cần theo lộ trình cụ thể, khoa học

Góp ý vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hoàng Minh Khôi kiến nghị, cần giảm thời gian làm việc bình thường của người lao động từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần; tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm. Về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, đại biểu đề nghị cần quy định hàng rào pháp lý chặt chẽ đối với vấn đề cấp phép hoạt động cũng như liên kết giữa các tổ chức…


Cử tri phát biểu ý kiến tại Hội nghị Ảnh: Hải Phong

Đối với các điều kiện bảo đảm hoạt động của tổ chức công đoàn, việc thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở và nhiều nội dung khác, đại biểu đề nghị Dự thảo giữ nguyên quy định cán bộ công đoàn không chuyên trách trong nhiệm kỳ đã hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng đến hết nhiệm kỳ như trong Bộ luật Lao động 2012. Đồng thời, quy định cụ thể về việc cán bộ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở sử dụng thời gian trong giờ làm việc để làm nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động (Khoản 3, Điều 176 Dự thảo), không giao Chính phủ quy định vấn đề này. “Đây là vấn đề lớn, quan trọng để cán bộ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thực thi nhiệm vụ, đã được quy định tại Khoản 2, Điều 24 Luật Công đoàn. Song, trên thực tế chủ sử dụng lao động nhiều nơi vi phạm quy định này. Nếu giao cho Chính phủ quy định trong nghị định thì tình trạng vi phạm sẽ xảy ra nhiều hơn”, ông Khôi nhấn mạnh.

Cho rằng xu hướng tăng số giờ làm thêm từ 200-400 giờ là hợp lý trong thời điểm này, Chủ tịch UBND huyện Trà Lĩnh Trịnh Trường Huy lý giải: Hiện, tiền lương và tiền công của người lao động vẫn thấp, chỉ đáp ứng một phần tối thiểu nhu cầu cuộc sống, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tranh thủ làm thêm để tăng thêm thu nhập. Song, việc tăng giờ làm cần phải thực hiện theo lộ trình cụ thể, khoa học để thực hiện cải cách tiền lương. Đồng thời, các đơn vị, doanh nghiệp cần tăng cường áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động; tăng chế độ đãi ngộ cho người lao động…

Tán thành với việc tăng tuổi nghỉ hưu, Phó Giám đốc Sở LĐ, TB và XH tỉnh Nông Minh Huân đề nghị nên tăng theo lộ trình cụ thể và phải xem xét đến các yếu tố đặc thù như đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn; nhất là các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học và người làm trong lĩnh vực nghệ thuật… Song có ý kiến lại cho rằng: Đối với người lao động bị suy giảm sức khỏe, làm công việc nặng nhọc, trong môi trường độc hại, nguy hiểm có quyền nghỉ ngơi sớm hơn 10 năm so với quy định…

Liên quan đến vấn đề tiền lương, nhiều đại biểu kiến nghị cần có lộ trình và bước đi phù hợp, tránh gây khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp cũng như bất lợi cho người lao động. Đồng thời, đề nghị bổ sung vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định giao Chính phủ là cơ quan có trách nhiệm xác định mức sống tối thiểu và thời điểm công bố mức sống tối thiểu, làm căn cứ quan trọng để Hội đồng tiền lương quốc gia xác định mức tiền lương tối thiểu hàng năm.

Bổ sung quy định về việc chuyển viên chức

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, đồng tình quan điểm đơn vị sự nghiệp phải có biên chế tối thiểu, Giám đốc Sở Y tế Nông Tuân Phong cho rằng nên có sự chủ động, nhất là đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực y tế. Tương tự, đại diện UBND huyện Trà Lĩnh cũng đề nghị cân nhắc kỹ về số lượng cấp phó tối đa và biên chế tối thiểu. “Huyện Trà Lĩnh được giao 77 biên chế, trừ lãnh đạo chủ chốt, đội ngũ này sẽ không đạt mức tối thiểu (5 người trở lên) để chia đều cho các phòng chuyên môn” - cử tri dẫn chứng.

Ở góc nhìn khác, Giám đốc Sở GD-ĐT Vũ Văn Dương đề nghị xem xét, tăng biên chế theo chế độ hợp đồng 68 (quy định tại Nghị định 68) đối với nhân viên bảo vệ cho ngành giáo dục. Theo ông Dương, còn 12 huyện trên địa bàn tỉnh hầu như chưa có nhân viên hợp đồng 68 (từ các trường mầm non đến THCS); có trên dưới 400 trường chưa có nhân viên bảo vệ theo hợp đồng 68. “Bộ GD-ĐT quy định ngoài thu tiền học phí theo nghị quyết của HĐND thì không được thu thêm các khoản khác. Thực tế, ở các trường hiện không có tiền lương trả cho nhân viên bảo vệ; bởi nếu thu thêm sẽ phạm luật…”, ông Dương lý giải.

Liên quan đến Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức, nhiều cử tri cho rằng: Hiện, không có quy định điều động và luân chuyển đối với viên chức, mà chỉ áp dụng quy định biệt phái (đây là một trong những điểm vướng trong tổ chức, quản lý đơn vị sự nghiệp). Nếu có trường hợp chuyển viên chức từ đơn vị sự nghiệp này sang đơn vị khác, chỉ có phương án duy nhất là chấm dứt hợp đồng của đơn vị cũ và ký kết hợp đồng tại đơn vị mới; điểm này chỉ phù hợp với các đơn vị sự nghiệp bảo đảm tự chủ 100% kinh phí… Đồng quan điểm, đại diện cử tri thành phố Cao Bằng cũng khẳng định: Việc điều động viên chức sang đơn vị sự nghiệp khác rất khó, vướng bởi các trình tự, thủ tục. Đơn cử, các đơn vị trường học thì việc điều động giáo viên hầu như không có quy định cụ thể, nhất là điều tiết giáo viên giữa các trường học với nhau… Do đó, QH cần xem xét, bổ sung quy định cụ thể liên quan đến việc chuyển viên chức từ đơn vị sự nghiệp này sang đơn vị sự nghiệp khác - cử tri thành phố Cao Bằng nhấn mạnh.

DIỆP ANH - BÁCH HỢP