60 năm ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19.5.1959 - 19.5.2019)

Màn dạo đầu của bản trường ca

- Thứ Hai, 13/05/2019, 07:29 - Chia sẻ
Vượt qua núi cao, vực sâu hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, các chiến sĩ Đoàn 559 đã đặt chân, soi đường mở lối trên dãy Trường Sơn, hình thành con đường vận chuyển, hành quân, mang sức mạnh chi viện về người và của từ hậu phương lớn đến tiền tuyến lớn. Chính họ đã viết nên màn dạo đầu của bản trường ca hào hùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Bí mật mở đường

Đầu năm 1959, thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (Khóa II), cùng với việc đẩy mạnh công cuộc xây dựng quân đội chính quy trên miền Bắc, Bộ Chính trị, Tổng quân ủy - Bộ Tổng tư lệnh tích cực chuẩn bị lực lượng, vật chất để chi viện cho chiến trường. Đồng chí Võ Bẩm - chiến sĩ du kích Ba Tơ trong kháng chiến chống Pháp, là một trong những người đầu tiên được giao nhiệm vụ mở một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn và tổ chức lực lượng vận chuyển vật chất, súng đạn chi viện cho miền Nam tiến hành chiến tranh giải phóng. Lực lượng này được gọi là đoàn công tác quân sự đặc biệt, theo lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Bí mật, Bí mật và Bí mật”. Để bảo đảm tuyệt mật của công tác chi viện, cán bộ - chiến sĩ lấy ở những đơn vị bộ đội miền Nam tập kết và những người từng hoạt động ở miền Nam, ở khu V, thời kháng chiến 9 năm.


Những bước chân mở lối Ảnh: Tư liệu

Sau 8 năm, giữa tháng 7.1967, các phương tiện thông tin đại chúng lần đầu tiên tuyên truyền về tổ chức và hoạt động của Đoàn 559 với tên gọi “Đoàn vận tải quân sự Quang Trung”. Trong hồi ức, Thiếu tướng Võ Bẩm chia sẻ: “Một sự trùng lặp ngẫu nhiên nhưng đầy ý nghĩa: Ngày đoàn chúng tôi chính thức nhận nhiệm vụ cũng là kỷ niệm ngày sinh lần thứ 69 của Bác Hồ. Với tất cả lòng kính yêu Bác và bằng sự nhạy cảm đặc biệt, chúng tôi thống nhất đề nghị được lấy ngày 19.5.1959 làm ngày truyền thống của Đoàn và đoàn công tác quân sự đặc biệt được lấy tên là Đoàn 559. Và rồi như một sự thống nhất biện chứng - con đường Trường Sơn được Đoàn 559 khai phá sau này cũng được chiến sĩ và đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế gọi là đường Hồ Chí Minh”.

Trong hồi ức “Những nẻo đường kháng chiến”, Thiếu tướng Võ Bẩm, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 559 đầu tiên cho biết: Sau chừng nửa tháng chuẩn bị về tổ chức, ổn định về công việc, sinh hoạt, ngày 19.5.1959, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Thống nhất Trung ương) “chính thức phổ biến nhiệm vụ của Đoàn là mở đường Trường Sơn, tổ chức chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong năm 1959, tổ chức thiết lập tuyến hành lang, nối thông liên lạc, vận chuyển gấp một số hàng quân sự thiết yếu theo yêu cầu của chiến trường Khu 5: Khoảng 7.000 súng bộ binh và bảo đảm cho 500 cán bộ trung - cao cấp hành quân qua tuyến vào tăng cường cho chiến trường”.

Đoàn 559 tổ chức Tiểu đoàn vận tải bộ mang tên 301, tổ chức thành 11 đội (9 đội làm nhiệm vụ vận tải, 1 đội trinh sát bảo vệ, 1 đội làm nhiệm vụ xây dựng hậu cứ, xây dựng kho, bao gói hàng hóa, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm...). Bộ Tổng Tham mưu đã tăng cường cho Đoàn 559 3 trung đội trinh sát (từ Lữ đoàn 341) cùng với lực lượng trinh sát của D301 làm nhiệm vụ bảo vệ những cung đường trọng yếu của tuyến chi viện. Đầu tháng 6.1959, Đoàn tổ chức đội khảo sát mở tuyến vào Nam bắt đầu từ Khe Hó (nằm giữa một thung lũng ở tây nam Vĩnh Linh), điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin, gần trạm tiếp nhận của Liên khu V.

Trong tác phẩm “Trường Sơn có một thời như thế”, Đại tá Nguyễn Danh, Nguyên Chính trị viên Đoàn 301, Chính ủy E70, Phó Chính ủy Tuyến 3, Cục trưởng kiêm Chính ủy Cục Hậu cần Đoàn 559 nêu chi tiết: Đoàn 301 có 9 trạm, mỗi trạm phía bắc đường 9 cách nhau khoảng 24km, phía nam đường 9 cách nhau khoảng 10km đường rừng. Các trạm nhận hàng theo kế hoạch sâu đo (giao hàng sang vai: trong ra nhận, ngoài giao ở khoảng giữa hai trạm). Vận chuyển bằng gùi trên đôi vai với trọng lượng bình quân 45kg/người (không kể đồ dùng cá nhân).

Ngày 13.8.1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm trèo đèo, lội suối, vượt qua hệ thống đồn bốt chốt chặt của địch, ngày 20.8.1959, chuyến hàng được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên tại Tà Riệp gồm 20 khẩu tiểu liên, 20 khẩu súng trường, 10 thùng đạn tiểu liên và đạn súng trường. Tuy ít ỏi, nhưng nó đã thể hiện quyết tâm của Đảng và tình cảm của Bác Hồ, của quân, dân miền Bắc gửi tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam.

Mạng lưới vận chuyển chiến lược

Từ những bước chân đầu tiên tìm đường xuyên rừng, tuyến vận tải chiến lược ngày càng được mở rộng, đúng như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng chí Võ Bẩm vào tháng 5.1959: “Chúng ta phải tận dụng thiên thời địa lợi, nhân hòa, khẩn trương mở mới, kéo dài đường gùi thồ Đông Trường Sơn; thống nhất với bạn Lào, sớm mở đường vận tải biên giới Tây Trường Sơn, quân và dân miền Nam cũng như hai nước bạn Lào, Campuchia phải chuẩn bị cho các trận đánh lớn nên cần nhiều binh lực, vũ khí...”.

Từ năm 1964, đế quốc Mỹ dùng không quân đánh phá các đường thâm nhập từ miền Bắc vào miền Nam với cường độ ngày càng cao. Chủ động, kịp thời đối phó với chiến tranh ngăn chặn của địch, Đoàn 559 với phương châm “mở đường mà tiến, đánh địch mà đi” chuẩn bị phát triển phương thức vận tải cơ giới mở đường ô tô dã chiến kết hợp với đường sông, tăng cường dồn sức chi viện cho tiền tuyến. Ngày 9.8.1964 Trung Đoàn 98 công binh đã bổ nhát cuốc đầu tiên mở tuyến đường cơ giới. Sau 3 tháng thi công, Trung đoàn 98 đã hoàn thành được 140km đường ô tô đoạn từ Mường Noong đi Trạm Bạc... Yêu cầu chi viện cho chiến trường ngày càng lớn, những tuyến đường ngày càng mở rộng, vươn xa, lực lượng vận chuyển cơ giới cũng được phát triển không ngừng. Đến cuối thập niên 1960, đầu 1970, đường Trường Sơn đã trở thành một hệ thống đường vận tải chiến lược: Hệ thống đường bộ với 5 trục dọc và 21 trục ngang, đường thủy, đường giao liên, đường dây thông tin, đường ống xăng dầu; bộ đội Trường Sơn đã trở thành lực lượng binh chủng hợp thành…

Theo Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam: Trong điều kiện vô cùng khó khăn và gian khổ, địa hình bị chia cắt và kẻ thù ngăn chặn quyết liệt, việc hình thành tuyến giao liên, vận tải quân sự là kết quả của tinh thần yêu nước, dũng cảm kiên cường, thông minh, sáng tạo, vượt qua biết bao gian khổ, khó khăn ác liệt của bộ đội Trường Sơn. Theo những con đường rừng, hàng chục tấn vũ khí, khí tài thiết yếu và cán bộ, chiến sĩ hành quân an toàn vào chiến trường.

Thảo Nguyên