Bạn đọc viết

Mềm dẻo và linh hoạt hơn

- Thứ Hai, 19/08/2019, 07:59 - Chia sẻ
Bỏ quy trình lập đề nghị xây dựng đối với một số nghị định là đề xuất của nhiều bộ, ngành, địa phương sau 3 năm thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng việc bỏ quy trình lập đề nghị xây dựng nghị định quy định tại Khoản 2 Điều 19 có thể chưa hợp lý, nếu các nghị định đó có chứa các chính sách, nhất là các nghị định ban hành để quy định những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của từ hai bộ, cơ quan ngang bộ trở lên. Đây cũng là một trong các vấn đề phải xin ý kiến của Chính phủ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 19, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, Chính phủ có thẩm quyền ban hành 3 loại nghị định, bao gồm: Nghị định để quy định chi tiết luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH, lệnh, quyết định của Chủ tịch Nước; Nghị định để thực hiện chức năng hành pháp và hành chính nhà nước cao nhất của Chính phủ; Nghị định để quy định những vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của QH, UBTVQH nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Quá trình ban hành các văn bản này, cơ quan dược giao chuẩn bị phải thực hiện các bước: Xây dựng chính sách, đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến về đề nghị, lập hồ sơ đề nghị, thẩm định đề nghị, đưa ra phiên họp của Chính phủ để xem xét, thông qua đề nghị xây dựng nghị định.

Kết quả 3 năm thực hiện Luật cho thấy, phạm vi văn bản quy phạm pháp luật cần phải lập đề nghị theo quy trình chính sách là quá rộng. Nhiều văn bản chỉ quy định về biện pháp tổ chức thi hành văn bản của cấp trên, không quy định chính sách mới, nhưng vẫn phải lập đề nghị xây dựng văn bản, làm hạn chế khả năng phản ứng nhanh của Chính phủ đối với vấn đề cấp bách. Ngoài ra, nhiều nghị định của Chính phủ chỉ quy định cụ thể biện pháp tổ chức thi hành luật, pháp lệnh, mà không quy định chính sách mới, nếu vẫn phải lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như quy định hiện hành thì sẽ kéo dài thời gian ban hành nghị định, ảnh hưởng đến yêu cầu chỉ đạo, điều hành kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước những thay đổi, biến động nhanh chóng của kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay.

Trong khi đó, quy trình của 2 giai đoạn lập đề nghị xây dựng nghị định và tổ chức soạn thảo nghị định là giống nhau. Các chính sách và nội dung dự thảo đều thực hiện lấy ý kiến bộ, ngành, Bộ Tư pháp đã thẩm định và đã được Chính phủ thông qua tại giai đoạn lập đề nghị. Quá trình soạn thảo lặp lại các nội dung như nhau, gây mất thời gian cho cơ quan chủ trì soạn thảo. Chính vì những vướng mắc, sự không phù hợp nêu trên, nên đây cũng là một trong những quy định chưa hiệu quả, không tránh được hình thức trong quá trình tổ chức triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Từ thực tiễn xây dựng, áp dụng pháp luật cho thấy, cần có quy định mềm dẻo, linh hoạt hơn. Cụ thể, đối với những nghị định có chứa đựng các chính sách, nhất là các nghị định ban hành để quy định những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của từ hai bộ, cơ quan ngang bộ trở lên, thì cần lập đề nghị; còn đối với những nghị định đơn thuần là hướng dẫn tổ chức triển khai thì bỏ qua bước này, đẩy nhanh quy trình lập pháp, đáp ứng vấn đề cần giải quyết sớm.

Phạm Hải