Philippines

Mô hình kiểu mẫu

- Chủ Nhật, 31/05/2020, 08:45 - Chia sẻ
Theo New York Times, số lao động Philippines đang sống và làm việc ở ngoài nước chiếm tới 1/10 tổng dân số gần 100 triệu người, nghĩa là cứ 10 dân Philippines lại có một người ra nước ngoài làm việc. Đây chính là nguồn đóng góp ngoại tệ hàng đầu cho quốc gia Đông Nam Á này.

Loại hình xuất khẩu đặc biệt

Chính phủ Philippines quy định các điều kiện tối thiểu dành cho lao động đi làm việc ở nước ngoài mà bắt buộc các bên sử dụng lao động Philippines phải bảo đảm như: Tiền lương một giờ làm việc bình thường, tiền làm thêm giờ (bằng 150% tiền lương làm việc bình thường); đi lại miễn phí từ nhà ở đến nơi làm việc và ngược lại; khám chữa bệnh không mất tiền; các điều kiện hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng lao động; các điều khoản đền bù thiệt hại hợp đồng do lỗi của các bên…

Phong trào xuất khẩu lao động ở Philippines bắt đầu bùng nổ từ những năm 70 của thế kỷ trước. Nước này coi đây là biện pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng trì trệ của nền kinh tế trong nước, thiếu việc làm gây bất ổn xã hội đồng thời mang về nguồn ngoại tệ quý báu. Cho tới nay, chủ trương đưa lao động ra nước ngoài làm việc vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), số kiều hối được chuyển về nước chiếm 10% GDP của Philippines. Dữ liệu của WB cho thấy, Philippines là quốc gia nhận kiều hối lớn thứ 4 trên thế giới. Năm 2018, lượng kiều hối do người lao động Philippines gửi về nước đạt 32,2 tỷ USD trong năm 2018, mức cao nhất hàng năm cho đến nay. 

Cựu Tổng thống Philippines Gloria Arroyo khi còn đương nhiệm đã từng phát biểu: “Họ là xương sống của lực lượng lao động toàn cầu” và là “mặt hàng xuất khẩu tốt nhất” của Philippines. Trung bình hàng năm, Philippines có khoảng 1 triệu người ra nước ngoài làm việc. Thế mạnh của lao động nước này là khả năng nói tiếng Anh trôi chảy, được đào tạo nghề tốt, quen với lối sống công nghiệp nên rất dễ hòa nhập với đời sống xã hội ở nước đến làm việc, nhất là các quốc gia phương Tây.

Người lao động Philippines ra nước ngoài làm việc thông qua dàn xếp giữa Chính phủ với các quốc gia mà Philippines ký kết thỏa thuận lao động song phương. Khoảng hơn một nửa lao động được gửi sang Hàn Quốc làm công nhân tại các nhà máy theo Hệ thống cấp phép lao động (EPS). Quốc gia tiếp nhận lao động Philippines lớn thứ hai là Ảrập Xêút, nhiều người đến đây làm việc trong ngành y tế theo chủ trương của Bộ Y tế nước này. Các điểm đến khác là Đức thông qua Chương trình Chiến thắng nhân 3 (Triple Win Program) hay Nhật Bản qua Thỏa thuận Đối tác kinh tế Nhật Bản - Philippines.

Mặc dù thúc đẩy chủ trương đưa lao động ra nước ngoài làm việc nhưng Chính phủ Philippines vẫn áp đặt hạn chế đối với một số ngành nghề cụ thể để ngăn ngừa tình trạng thiếu lao động trong nước. Theo Bộ trưởng Lao động và Việc làm Silvestre Bello, Philippines rất cần công nhân lành nghề như thợ điện chính, thợ mộc tay nghề cao, thợ sửa ống nước, lao động có kinh nghiệm và lao động được đào tạo để xây dựng cầu, đường, sân bay và các cơ sở hạ tầng tương tự khác theo chủ trương đẩy mạnh xây dựng của chính quyền đương nhiệm.


Nguồn: iMoney Philippines

Khuôn khổ pháp lý tương đối hoàn thiện

Hiện nay, Philippines là một trong những quốc gia tại Đông Nam Á đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý tương đối hoàn thiện đối với hoạt động xuất khẩu lao động. Luật Lao động năm 1974 đã đặt cơ sở và tạo thuận lợi cho công tác đưa lao động ra nước ngoài làm việc. Đến năm 1995, Luật số RA 8042 hay còn gọi là Luật về Lao động di trú và công dân Philippines ở nước ngoài sửa đổi cũng đem lại bước ngoặt quan trọng. Hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến lĩnh vực trên tiếp tục được xây dựng và mở rộng, như Luật Tăng cường các biện pháp bảo vệ công dân Philippines ở nước ngoài gặp khó khăn; Luật Chống buôn bán người năm 2012; Luật về việc người Philippines kết hôn với người nước ngoài năm 2016 nhằm chống lại nạn lừa đảo, di dân thông qua kết hôn…

Ở Philippines, Cơ quan Quản lý tuyển dụng việc làm ngoài nước (POEA) chịu trách nhiệm các công việc liên quan đến đăng ký và quản lý hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài của công dân Philippines. Thực tế, có hai loại tổ chức được phép đứng ra tuyển người lao động là các công ty tư nhân được Bộ Lao động cấp phép và POEA. POEA đồng thời là cơ quan bảo đảm quyền lợi của người lao động ở nước ngoài. Các cơ quan tuyển người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm giải quyết mọi vấn đề liên quan đến người lao động, nếu không sẽ bị thu hồi giấy phép và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Với hệ thống trên, Philippines đã hạn chế được các trường hợp đáng tiếc xảy ra như chủ không thanh toán đúng hợp đồng, ngược đãi, buôn bán người hoặc lao động trốn sau khi hết hợp đồng…

Ngoài ra, Chính phủ Philippines xây dựng hệ thống đăng ký qua mạng về thông tin người đi làm việc ở nước ngoài, theo đó công dân khi đi làm việc ở nước ngoài chủ động đăng ký trực tuyến thông tin về cá nhân, số hộ chiếu, tên nước đến, địa chỉ làm việc… Các thông tin này sẽ được tổng hợp và lưu trữ để sử dụng khi cần thiết. Ngoài ra, mỗi lao động đi làm việc ở nước ngoài được cấp một mã ID, mã này là duy nhất, ấn định cho mỗi lao động. Khi họ trở về và đi làm việc ở nước khác hoặc đi theo một hợp đồng khác, các thông tin đều được tích hợp và đưa vào trong lịch sử quá trình di cư của người lao động.

Philippines có chương trình quốc gia về người lao động làm việc ở nước ngoài. Chính phủ thành lập hội đồng tư vấn liên ngành, chịu sự giám sát và phải báo cáo thường kỳ tại Quốc hội. Bộ Lao động và Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm thực thi luật. Philippines còn tổ chức bộ máy quản lý lao động và trợ giúp người lao động Philippines tại các cơ quan đại diện ở nước ngoài ở những nơi có đông lao động; bố trí biên chế tùy viên lao động làm nhiệm vụ nghiên cứu và xúc tiến thị trường lao động.

Luật pháp Philippines quy định chặt chẽ chế độ cấp giấy phép hành nghề và giấy phép thực hiện từng hợp đồng lao động. Thực tế, giấy phép thực hiện hợp đồng cung ứng lao động là căn cứ để cấp hộ chiếu đi làm việc ở nước ngoài cho người lao động. Lao động Philippines đi làm việc ở nước ngoài còn có hộ chiếu với số hộ chiếu riêng của lao động. Chính cơ chế cấp phép này giúp cho công tác thống kê, quản lý dòng di cư lao động quốc tế được đầy đủ, trong mọi trường hợp, các cơ quan hữu quan đều kiểm soát được tình hình người lao động ở nước ngoài..

Có thể nói, hệ thống luật pháp, cơ chế tổ chức và quản lý lao động di trú của Philippines được đánh giá là tương đối hoàn chỉnh và có hiệu quả nhất hiện nay.

Linh Anh