Nâng cao chất lượng xây dựng luật

- Thứ Sáu, 15/11/2019, 18:29 - Chia sẻ
Tại Phiên họp tổ chiều nay, 15.11, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các ĐBQH cho rằng, cần đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dự án luật, khắc phục căn cơ tình trạng chậm ban hành văn bản chi tiết để thực hiện luật và tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Đối với dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), ĐBQH đề nghị nên chuyển cơ quan quản lý nhà nước về công tác thanh niên từ Bộ Nội vụ sang Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Tránh xáo trộn trong tổ chức thực hiện

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều ĐBQH băn khoăn về trách nhiệm chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Trong dự luật trình QH, Chính phủ đang trình 2 phương án: Phương án 1 sửa đổi theo hướng giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; Phương án 2 cơ bản như hiện nay là giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.

Tán thành với phương án 2, ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) nêu rõ, việc quy định như vậy sẽ tránh xáo trộn trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, nếu theo phương án này thì cần có cơ chế, giải pháp cụ thể để phát huy tối đa vai trò của ĐBQH chuyên trách, các cơ quan của QH trong thực hiện quy trình thẩm tra, tham gia ý kiến ngay từ đầu đối với tất cả các dự án luật. Đặc biệt, ngay sau khi dự án luật được các ĐBQH cho ý kiến thì việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật phải thực hiện công phu, chi tiết, thường xuyên. “Viện Nghiên cứu Lập pháp có tham gia vào quy trình này không? Các ĐBQH sẽ tham gia như thế nào giữa hai kỳ họp? Nếu tình trạng kỳ họp sắp đến mới tổ chức lấy ý kiến một cách vội vàng, sau đó đưa ra QH rồi thông qua thì sẽ không khắc phục được tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng luật thời gian qua”, ĐB Đỗ Thị Lan nói.

Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, nhiều ĐBQH cũng cho rằng, phương án 1 cũng có cái hay vì cơ quan trình nên chịu trách nhiệm về chất lượng dự thảo luật. ĐBQH Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) nêu quan điểm “cơ quan trình tiếp thu và chỉnh lý thì sẽ dễ dàng hơn và QH chỉ giám sát lại việc cơ quan trình đã thực hiện được chưa, như thế tính phản biện sẽ rất cao”.

Một số ĐBQH đề nghị dự thảo Luật cần đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm giải quyết căn cơ những bất cập trong công tác xây dựng luật vừa qua. Ví dụ, tình trạng nhiều văn bản, quy định còn vướng mắc, chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu khả thi nhưng chậm được sửa đổi làm ảnh hưởng đến quá trình thực thi pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, môi trường... Việc chậm ban hành các văn bản chi tiết để thực hiện luật vẫn chưa được khắc phục. Chất lượng dự án luật, pháp lệnh còn hạn chế. Vẫn có tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh...

Phân tích nguyên nhân của các tình trạng này, ĐB Đỗ Thị Lan dẫn chứng, mặc dù Chính phủ đã có nghị định quy định rõ các cơ quan, ban ngành, địa phương hàng năm phải tự rà soát việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực của mình, sau đó Bộ Tư pháp tổng hợp lại để báo cáo Chính phủ nhưng việc thực hiện chưa nghiêm. Ngoài ra, chưa có quy định để tận dụng tối đa lực lượng tham gia trong quá trình lập pháp từ khâu xây dựng, thẩm tra...; tỷ lệ ĐBQH tham gia toàn diện các khâu của dự án luật là rất ít. Quy trình thực hiện luật còn nhiều bất cập. "Có nhiều dự án luật đến gần kỳ họp mới gửi cho các Đoàn ĐBQH khiến các Đoàn không thể lấy ý kiến người dân hay đối tượng điều chỉnh”. Nêu thực tế này, ĐB Đỗ Thị Lan nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng công tác xây dựng luật thì phải khắc phục cho được tình trạng này.

Chưa phản ánh đầy đủ quyền của thanh niên

Nhất trí cần thiết sửa đổi Luật Thanh niên với những lý do được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhiều ĐBQH nhấn mạnh, sau hơn 10 năm thực hiện Luật, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội đã có nhiều thay đổi, đặt ra nhiều vấn đề mới đối với công tác thanh niên. Việc sửa đổi Luật Thanh niên là yêu cầu tất yếu khách quan, một mặt đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đề ra, mặt khác nhằm thể chế hóa các quan điểm, Nghị quyết của Đảng về công tác thanh niên; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013; khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành.


Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, ĐBQH Đặng Xuân Phương (Đắk Lắk) lưu ý, dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) chưa phản ánh đầy đủ quyền của thanh niên trong Hiến pháp năm 2013. Đó là quyền của thanh niên trong việc tham gia quản lý nhà nước, giám sát, phản biện xã hội; các quyền chính trị và nhân thân cơ bản như bầu cử, ứng cử do luật định, quyền tiếp cận thông tin, quyền được pháp luật bảo hộ về danh dự, nhân phẩm… Thực tiễn cho thấy, các sự việc diễn ra trong xã hội gần đây như hành vi lệch chuẩn của thanh niên trên mạng xã hội hay sự việc gây phản ứng trái chiều như một học sinh ở TP Hồ Chí Minh bị nhà trường cho phát tán video clip trên mạng phải đọc bản kiểm điểm trước toàn trường vì có hành vi không đúng đắn, xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc… đều liên quan đến các quyền cơ bản của thanh niên. Do đó, việc sửa đổi Luật vừa phải bảo đảm quyền cơ bản vừa phải có tính định hướng, tuyên truyền giáo dục kịp thời cho thanh niên.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước về công tác thanh niên, Chính phủ đang giao Bộ Nội vụ thực hiện chức năng này. Theo ĐB Đặng Xuân Phương, phạm vi, chức năng của Bộ Nội vụ rất ít liên quan đến thanh niên. Ông cho rằng, thanh niên là đối tượng công chức không nhiều, mối quan tâm hàng đầu đối với thanh niên liên quan đến Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhiều hơn, đó là việc làm, giáo dục nghề nghiệp, phòng chống tệ nạn xã hội. Vì vậy, nên chuyển chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh niên từ Bộ Nội vụ sang Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là Thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên.

Hoàng Ngọc