Góp ý sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức chính quyền địa phương

Nên quy định “cứng” Trưởng ban hoạt động chuyên trách

- Thứ Năm, 09/05/2019, 08:27 - Chia sẻ
Thực tế, việc quy định mở Trưởng ban HĐND có thể là đại biểu chuyên trách chỉ tạo thuận lợi cho các địa phương trong công tác bố trí cán bộ. Song nếu lấy mục tiêu vì hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND làm trọng và tạo sự thống nhất trong cả nước thì nên quy định “cứng” Trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách. Có như vậy, việc quy định giảm số lượng Phó Trưởng ban HĐND chuyên trách mới có cơ sở bảo đảm và có tính thuyết phục cao.

Trước hết, phải khẳng định Luật Tổ chức chính quyền địa phương là sản phẩm được cụ thể hóa từ Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) - là trí tuệ của toàn dân nước Việt, kết quả của quá trình tổng kết cương lĩnh, tổng kết quá trình đổi mới, tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992. Do vậy, tinh thần lập quy đó cần phải được ứng xử phù hợp, như một đấng “thiêng liêng”.

Trở lại với câu chuyện “cắt” đi cho “gọn”, hay “cắt” làm sao để các Ban của HĐND hoạt động hiệu lực, hiệu quả mà Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Dự thảo Luật) đang trình xin ý kiến, bài viết xin góp thêm tiếng nói từ thực tiễn.


HĐND TP Hà Nội kiện toàn các chức danh Trưởng, Phó Trưởng ban chuyên trách các Ban

Phát huy trách nhiệm người đứng đầu

Dự thảo Luật quy định Ban của HĐND tỉnh gồm có Trưởng ban, một Phó Trưởng ban và các ủy viên. Trưởng ban của HĐND tỉnh có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Trưởng ban của HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. So với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành (luật hiện hành), Dự thảo Luật quy định “cứng” một Phó Trưởng ban HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách.

Việc quy định “cứng” một Phó Trưởng ban HĐND tỉnh chỉ phù hợp và cần thiết trong điều kiện khi Trưởng Ban HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách bởi những lẽ sau đây:

Trưởng ban hoạt động kiêm nhiệm sẽ khó bảo đảm cho hoạt động của Ban được thuận lợi. Về phần mình, Trưởng ban không có thời gian nghiên cứu đề án, tài liệu và không thể tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban. Do vậy, vai trò cá nhân của Trưởng ban trong việc tham gia vào các báo cáo, đề án do Ban phụ trách sẽ dừng ở mức độ nhất định. Việc xây dựng đề cương, kế hoạch giám sát, khảo sát đến việc xác định thời gian họp ban để thông qua các báo cáo thẩm tra phải điện thoại xin ý kiến Trưởng ban nên thường bị động, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ của Ban, nhất là vào thời gian cận kề các kỳ họp.

Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm quý về phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Ban của HĐND là cơ quan duy nhất có quyền thẩm tra các đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp và chịu trách nhiệm trước HĐND về toàn bộ hoạt động của mình. Như đã phân tích ở trên, Trưởng ban hoạt động kiêm nhiệm khó có điều kiện để thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Trong khi đó, hoạt động thẩm tra, giám sát cần có tư duy phản biện khách quan, độc lập. Do vậy, nếu vai trò, trách nhiệm của Trưởng ban không được phát huy và không “tròn vai” thì cho dù có ba hay bốn Phó Trưởng ban chuyên trách chăng nữa vẫn khó bảo đảm hiệu quả hoạt động.

Trưởng ban hoạt động kiêm nhiệm ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của tập thể Thường trực HĐND tỉnh. Luật hiện hành quy định Thường trực HĐND tỉnh gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban và Chánh Văn phòng HĐND tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh phải thường xuyên tổ chức các hoạt động giao ban, giải trình, khảo sát trước khi cho ý kiến xử lý các công việc phát sinh... Do đó, để phát huy trí tuệ và chế độ làm việc tập thể của cơ quan thường trực này đòi hỏi các thành viên phải có thời gian nghiên cứu và tham gia đầy đủ vào hoạt động của Thường trực HĐND và Ban mình phụ trách.

Và cuối cùng là câu chuyện về động lực. Phó Trưởng ban nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ thì được xem xét phát triển lên vị trí Trưởng ban. Lẽ thường tình là vậy nhưng thực ra không đơn giản chút nào khi cơ cấu Trưởng Ban kiêm nhiệm. Bởi lẽ, để được làm Trưởng ban thì trước hết phải trúng cấp ủy rồi vào Ban Thường vụ - một quá trình cam go và thuộc dạng “xưa nay hiếm” đối với công tác cán bộ ở các cơ quan dân cử. Như vậy, đã cam go và hiếm có thì còn đâu động lực để các Phó Trưởng ban chuyên trách nỗ lực phấn đấu lên vị trí Trưởng ban? Đây là điều tế nhị song phải nói và nhìn thẳng vào sự thật. Bởi suy cho cùng, động lực là yếu tố cực kỳ quan trọng bảo đảm cho mỗi người làm tốt công việc của mình.

Hướng đến chuyên trách, chuyên nghiệp

Thực tế, một số người khi trúng cử đại biểu HĐND thì vui mừng khôn xiết, nhưng khi được phân công làm đại biểu HĐND chuyên trách thì lòng buồn rười rượi (!) Do vậy, việc quy định Trưởng ban kiêm nhiệm lại vô tình tạo điều kiện cho một số người vốn chờ “cơ hội chính trị” để tham gia vào HĐND mà không tìm được người thực sự có tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử, lại vừa không khuyến khích, tạo động lực cho những người luôn phấn đấu vì sự nghiệp dân cử.

Bên cạnh đó, một trong các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động HĐND là bảo đảm số lượng đại biểu chuyên trách ở một tỷ lệ hợp lý. Đây là cơ sở bảo đảm cho hoạt động của HĐND khi thực hiện việc giảm số lượng đại biểu. Hay nói cách khác, việc giảm số lượng đại biểu HĐND không chỉ có “nhằm vào” đại biểu chuyên trách. Nếu không sẽ đi ngược lại với tinh thần xây dựng thiết chế đại diện cho quyền lực của nhân dân hướng đến chuyên trách, chuyên nghiệp.

Một thể chế tốt là phát huy được nguồn lực trên cơ sở xác định đúng mục tiêu thể chế. Việc quy định mở Trưởng ban HĐND có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách chỉ tạo thuận lợi cho các địa phương trong công tác bố trí cán bộ. Song nếu lấy mục tiêu vì hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND làm trọng và tạo sự thống nhất trong cả nước thì nên quy định “cứng” Trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách. Có như vậy, việc quy định giảm số lượng Phó Trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách mới có cơ sở bảo đảm và có tính thuyết phục cao.

HỮU HẢI