Nghệ thuật cho không gian sống

- Thứ Ba, 18/02/2020, 08:21 - Chia sẻ
Ở Việt Nam, nghệ thuật trong không gian công cộng đã xuất hiện từ lâu, tuy nhiên, đến nay, loại hình này vẫn khá nghèo nàn, ít được nghệ sĩ chú ý; và nghệ sĩ cũng còn gặp rào cản khi đưa tác phẩm ra các không gian chung này.

Đưa tác phẩm ra khỏi bảo tàng

Nghệ thuật là một yếu tố quan trọng làm nên sức sống của các không gian công cộng. Những tác phẩm nghệ thuật như điêu khắc, sắp đặt, không chỉ làm đẹp hơn cho không gian chung, mà còn mang lại những lợi ích to lớn: Đem tới cho cộng đồng cư dân ở đó một không gian giải trí, tạo điều kiện cho mọi người kết nối với nhau. Thậm chí nghệ thuật cũng có thể khiến cho một vùng đất trở nên nổi tiếng, hấp dẫn khách du lịch, mang lại đời sống mới cho điểm đến, từ đó tạo nguồn thu cho người dân làm dịch vụ, kinh doanh, cải thiện các vấn đề xã hội...


Nghệ thuật góp phần mang lại không gian sống tốt đẹp hơn
Nguồn: ITN

Tiến sĩ nghệ thuật Till Ansgar Baumhauer (Đức) cho rằng, việc đưa các tác phẩm ra khỏi bảo tàng, đến không gian công cộng, vào các tòa nhà cao tầng đã góp phần khuyến khích sự quan tâm của mọi người với nghệ thuật, đặc biệt là những người không có điều kiện đến nơi trưng bày. Nghệ thuật trong không gian công cộng cực kỳ đa dạng, có nhiều bình diện, được thiết kế phù hợp với địa điểm, đặc tính lịch sử, văn hóa, xã hội, tạo ra những trải nghiệm mới, thuận lợi cho quá trình đối thoại trong cộng đồng. Chính vì những lợi ích của nghệ thuật với không gian công cộng, nhiều quốc gia trên thế giới từ lâu đã quan tâm tới vấn đề này. Một số thành phố đưa ra yêu cầu cụ thể với các chủ đầu tư khi có kế hoạch phát triển một khu vực đô thị, dành ngân sách nhất định cho nghệ thuật công cộng.

Ở Việt Nam, theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, nghệ thuật trong không gian công cộng cũng đã xuất hiện từ lâu. Các địa phương đều có không gian công cộng, nhưng đặt cái gì ở đó mới là vấn đề, được cả chính quyền và người dân quan tâm. Nếu như cách đây 50 năm, các công trình nghệ thuật công cộng được đặt tạm thời, bằng các chất liệu như gỗ, bìa... thì sau đó, nhiều tượng đài được xây dựng bằng các chất liệu bền vững với thời gian, nội dung thể hiện đề tài chiến tranh cách mạng, truyền thống dân tộc. Gần đây, xã hội hóa nghệ thuật công cộng, các trại sáng tác điêu khắc được mở rầm rộ trên toàn quốc với chất lượng khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có quan niệm coi nghệ thuật công cộng chỉ là tượng đài.

Theo Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Phương Hòa: Các không gian có thể đa dạng từ nhà xưởng cũ, bến xe bus, cho đến không gian ở khu đô thị mới, chung cư, công viên... Nghệ thuật nơi công cộng ngày nay không chỉ bó hẹp ở tượng đài, mà có thể là điêu khắc, bích họa, sự kiện âm nhạc, festival... Rất mừng là những năm gần đây đã có sự chuyển biến đưa nghệ thuật ra không gian công cộng. Đặc biệt, ở Hà Nội có những không gian nghệ thuật như: Con đường gốm sứ, hay các buổi diễn của dàn nhạc giao hưởng tại khu vực hồ Gươm; lễ hội âm nhạc Gió mùa tại Hoàng thành Thăng Long... giúp công chúng được thụ hưởng văn hóa nghệ thuật và tương tác với thông điệp nghệ sĩ mang tới.

Cần sự cởi mở, khuyến khích

Để nghệ thuật đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có những chính sách của nhà quản lý, sự hỗ trợ, khuyến khích của chính quyền địa phương và cộng đồng để các ý tưởng, sáng tạo của nghệ sĩ có thể mang lại những biến chuyển tích cực cho không gian chung và đời sống cộng đồng.

Nghiên cứu vấn đề này, PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) nhận định: Hiện nay, việc đặt nghệ thuật vào không gian công cộng không chỉ liên quan đến khía cạnh nghệ thuật, mà là bài toán phức tạp, liên quan đến chủ thể sở hữu không gian ấy. Có thực tế là không gian công cộng ở các đô thị khá chật hẹp, nhưng nhiều nơi lại bị bỏ hoang, xuống cấp, tính tiện nghi tối thiểu không có, chưa nói đến nghệ thuật. Nhưng do chưa có quy định về quyền và lợi ích, nền tảng pháp lý để quản lý khai thác sử dụng gian công cộng, nên có sự tranh chấp giữa các đối tượng khác nhau, nhiều không gian chung bị lấn chiếm thành không gian riêng, là nơi bán hàng, đỗ xe... Các thành phố, đặc biệt là Hà Nội, nên có chương trình rà soát và cải thiện các không gian công cộng bằng nghệ thuật.

Còn rào cản khác là việc tiếp cận, xin cấp phép để đưa tác phẩm đến với công chúng. Có những dự án, quá trình xin cấp phép kéo dài, như nghệ sĩ Trần Tuấn ở Huế từng đàm phán mất 6 tháng và may mắn được chính quyền cho phép đặt tác phẩm “Mây biến thể” trên hồ Tịnh Tâm; thậm chí nhiều dự án không được cấp phép...

PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan cho rằng: Trong các chính sách công hiện nay, dường như nghệ thuật chưa được chú trọng đúng mức. Ở khía cạnh này, rất cần sự ủng hộ của chính quyền và người dân, cần sự cởi mở hơn với nghệ thuật, tạo điều kiện tài chính và sự thông thoáng cho nghệ sĩ. Cộng đồng có thể cùng tham gia với các nghệ sĩ và gìn giữ các tác phẩm nghệ thuật công cộng. Bên cạnh đó, nên có những tiêu chí cơ bản để xem xét và đánh giá tác phẩm nghệ thuật công cộng có được hiệu ứng tích cực hay tiêu cực gì cho công chúng, giúp các nhà quản lý có thể lựa chọn tác phẩm tốt phục vụ xã hội, đồng thời cũng giúp xã hội có cơ sở nhận thức tốt khi tiếp nhận, đánh giá các tác phẩm nghệ thuật.

Nghệ thuật trong không gian công cộng vẫn là một loại hình đặc thù, do đó, một số ý kiến cho rằng, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, để tránh những tác động ngược, làm xấu đi không gian công cộng, hoặc ảnh hưởng đến đời sống cư dân, môi trường tự nhiên. Nghệ sĩ tham gia làm tác phẩm cũng cần quan tâm đưa đến những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, có chiều sâu văn hóa, có thể tương tác với các bên liên quan (cộng đồng, cơ quan quản lý…) để đạt được sự đồng cảm, đối thoại qua nghệ thuật.

Thảo Nguyên