Nghị viện Moldova: Vai trò của các nhóm đảng

- Thứ Sáu, 22/02/2008, 00:00 - Chia sẻ
Nhóm đảng là tập hợp một nhóm các nghị sỹ thuộc một đảng hoặc nhiều đảng có cùng mục tiêu chính trị. Các đảng phái chính trị thông qua nhóm đảng của mình để gây ảnh hưởng đến hoạt động của Nghị viện và làm cho hoạt động của Nghị viện thêm sôi nổi, hiệu quả. Trong quá trình xây dựng các chính sách nhà nước, các nhóm đảng đóng vai trò cầu nối giữa nhân dân và Nghị viện, giữa Nghị viện và các đảng phái chính trị.

      Ở Moldova, mỗi nhóm đảng phải có ít nhất 5 người, được thành lập trong vòng 10 ngày sau khi Nghị viện bắt đầu nhiệm kỳ. Các nghị sỹ riêng lẻ không đủ để thành lập nhóm đảng có thể gia nhập nhóm đảng nào mà mình chọn, hoặc không theo nhóm đảng nào (nghị sỹ độc lập). Nghị viện khóa XVI được bầu năm 2005 gồm 101 nghị sỹ hợp thành 4 nhóm đảng: Nhóm Đảng cộng sản gồm 55 nghị sỹ, nhóm Đảng Liên minh Moldova Noastra gồm 13 nghị sỹ, nhóm Đảng Nhân dân Dân chủ Thiên chúa giáo có 7 nghị sỹ, nhóm Đảng Dân chủ Moldova có 11 nghị sỹ, còn lại là 14 nghị sỹ độc lập. Trong một nhiệm kỳ, các nghị sỹ không được thành lập nhóm đảng mới. 
      Mỗi nghị sỹ chỉ được chọn một nhóm đảng, có thể rút khỏi nhóm đảng hoặc bị khai trừ khỏi nhóm đảng. Sáu tháng sau khi ra khỏi nhóm đảng, nghị sỹ có thể gia nhập bất kỳ nhóm đảng nào khác. Nhóm đảng hoặc liên minh nhóm đảng nào chiếm hơn một nửa số ghế trong Nghị viện được coi là nhóm đảng hoặc liên minh đa số, chẳng hạn như nhóm Đảng cộng sản trong khóa XVI hiện nay có 55/101 nghị sỹ. Còn nhóm đảng thiểu số có thể tự tuyên bố là nhóm đảng đối lập. Mặc dù trong Nghị viện Moldova hiện nay có 3 nhóm đảng thiểu số, nhưng chỉ có Liên minh Moldova Noastra tuyên bố mình là nhóm đảng đối lập và thường chỉ trích nhóm đảng đa số, thậm chí kêu gọi Chủ tịch Nghị viện là người của nhóm đảng đa số từ chức vì không bảo vệ được quyền lợi cử tri. Các nhóm đảng sẽ chấm dứt hoạt động nếu còn ít hơn 5 người hoặc trong trường hợp nhóm ra nghị quyết về điều này. 
      Các nhóm đảng trong Nghị viện Moldova có quyền đề cử hoặc triệu hồi người của mình ở Đoàn Chủ tịch, các ủy ban thường trực; Có quyền đề xuất chương trình nghị sự của Nghị viện và Đoàn chủ tịch; Đề xuất thành lập các ủy ban đặc biệt và ủy ban điều tra; Đề xuất liên quan đến các dự thảo nghị quyết của Nghị viện về chương trình hành động của Chính phủ, các dự luật của Nghị viện; Đề xuất thành lập các nhóm làm việc và nhóm chuyên gia theo các lĩnh vực; Khởi xướng các cuộc điều trần... Trong trường hợp có sự thay đổi về số lượng thành viên của các nhóm, sau đó ít nhất một năm, các nhóm đảng có quyền yêu cầu thay đổi tỷ lệ thành viên của Đoàn Chủ tịch và các ủy ban. 
      Mỗi nhóm đảng đều có chỗ làm việc, trang thiết bị, cung cấp dịch vụ cần thiết để đảm bảo hoạt động, cộng với bộ máy giúp việc với số lượng nhân viên tùy thuộc vào số lượng thành viên của nhóm. Việc tuyển chọn và sa thải nhân viên giúp việc của các nhóm đảng do Chủ tịch Nghị viện quyết định theo đề nghị của các nhóm. Mỗi nhóm đảng được nhận một khoản ngân sách hàng năm tùy thuộc vào số lượng thành viên của nhóm do Nghị viện phê chuẩn và tự quyết định chi tiêu.

Hoài Thu