Tăng cường và đa dạng hóa nguồn dự trữ

- Chủ Nhật, 18/02/2024, 09:23 - Chia sẻ

Mục tiêu lớn nhất của Trung Quốc là tăng nguồn cung lương thực trong nước, thông qua tăng cường dự trữ, đa dạng hóa nguồn cung cũng như bảo vệ đất nông nghiệp. Chính phủ Trung Quốc tìm cách đạt được điều này bằng nhiều chính sách và đạo luật khác nhau.

Tăng cường dự trữ quốc gia và địa phương

Năm 1990, Trung Quốc thành lập các kho dự trữ ngũ cốc quốc gia nhằm “điều phối các kho dự trữ quốc gia trung ương và địa phương, đồng thời bổ sung cho các kho dự trữ của Chính phủ và doanh nghiệp”. Kể từ đó, Trung Quốc tiếp tục thực hiện nhiều chính sách khác nhau để bảo vệ an ninh lương thực. Ví dụ, từ năm 2015, tất cả các thống đốc tỉnh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về an ninh lương thực.

Tháng 12.2020, an ninh lương thực cũng được liệt kê là ưu tiên hàng đầu tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, trong đó đề cập đến an ninh lương thực như “vấn đề hạt giống và đất canh tác”, cuộc họp nhấn mạnh rằng chìa khóa để bảo đảm an ninh lương thực nằm ở việc dự trữ ngũ cốc.

Nguồn: Liu Jian Ming/Redlink/Corbis
Nguồn: Liu Jian Ming/Redlink/Corbis

Ngày 29.12.2023, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã thông qua Luật An ninh lương thực mới. Chính thức có hiệu lực 1.6.2024, đạo luật trên nhấn mạnh Trung Quốc cần “bảo đảm an ninh tuyệt đối đối với lương thực thiết yếu và khả năng tự cung cấp cơ bản về ngũ cốc”.

Để tăng năng suất ngũ cốc, luật nhấn mạnh việc thành lập ngân hàng nguồn gen nông nghiệp quốc gia, cũng như cải thiện hệ thống quốc gia về trồng các giống cây ưu việt. Ngoài ra, luật còn kêu gọi thúc đẩy công nghệ cơ giới hóa và xây dựng năng lực phòng ngừa, giảm nhẹ và cứu trợ thiên tai trong sản xuất ngũ cốc. Chưa hết, các quy định liên quan đến dự trữ ngũ cốc, phân phối, chế biến và ứng phó khẩn cấp cũng được đề cập… Để khuyến khích nông dân trồng trọt, luật thậm chí quy định, Nhà nước phải đưa ra các biện pháp nhằm tăng thu nhập cho họ…

Thiết lập “lằn ranh đỏ” bảo vệ đất nông nghiệp

Bên cạnh việc thừa nhận sự cần thiết phải bảo vệ nguồn cung ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác cũng như sự cần thiết phải bảo vệ cái gọi là “ranh giới đỏ” của Trung Quốc đối với 1,8 tỷ mu đất trồng trọt (đơn vị đo của Trung Quốc, tương đương 120 triệu ha), Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương năm 2020 cũng nhắc lại tầm quan trọng của ngăn chặn tình trạng “phi nông nghiệp hóa” đất canh tác trong quản lý dự trữ ngũ cốc. Hội nghị cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc tạo ra an ninh lương thực quốc gia và vành đai công nghiệp để bảo vệ an ninh lương thực quốc gia.

Kết quả của Hội nghị này được cụ thể hóa bởi Tuyên bố chính sách của Hội đồng Nhà nước và Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra vào tháng 2.2021, yêu cầu chính quyền cấp tỉnh duy trì “ranh giới đỏ” tối thiểu cấp quốc gia là 120 triệu ha đất nông nghiệp canh tác để bảo vệ nguồn tài nguyên đất đai hạn chế bằng cách tránh suy thoái đất thêm nữa.

Ngoài ra, Bắc Kinh đã thiết lập Kế hoạch xây dựng đất nông nghiệp tiêu chuẩn cao quốc gia (2021 - 2030) để tăng diện tích đất canh tác và tăng năng suất cây trồng. Kế hoạch này nhằm đạt được mục tiêu quốc gia là 71,75 triệu ha đất nông nghiệp tiêu chuẩn cao vào năm 2025 và 80 triệu ha vào năm 2030.

Luật An ninh lương thực mới của Trung Quốc cũng xác định và duy trì các giới hạn đỏ để bảo vệ đất nông nghiệp, đất trồng trọt cơ bản và hệ sinh thái lâu dài cũng như ranh giới phát triển đô thị. Theo luật, Nhà nước sẽ hạn chế việc chiếm đất nông nghiệp và chuyển đổi đất nông nghiệp sang các hình thức sử dụng đất khác, như rừng và đồng cỏ.

Đa dạng hóa nguồn cung

Bên cạnh việc tăng nguồn cung thực phẩm, Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hóa thị trường cung cấp thực phẩm để tránh phụ thuộc vào một hoặc một số quốc gia. Đáng chú ý, “Con đường tơ lụa thực phẩm” mới nổi của Chính phủ Trung Quốc nhằm mục đích đa dạng hóa nhập khẩu thực phẩm từ nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm châu Phi và Mỹ Latin. Đến nay, Trung Quốc đã ký hơn 100 thỏa thuận hợp tác nông nghiệp với các nước thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường. Là một phần của Con đường Tơ lụa thực phẩm, Trung Quốc cũng đang cố gắng tái xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do ở nước ngoài, đầu tư cơ sở hạ tầng và mua lại đất nông nghiệp ở nước ngoài, thể hiện qua các thỏa thuận gần đây với các nước như Ai Cập, Campuchia và Pakistan. Trung Quốc muốn tiếp tục tìm kiếm thị trường thay thế cho nhập khẩu thực phẩm.

Trung Quốc cũng đang thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng đối với công nghệ nông nghiệp và công nghệ sinh học. Ví dụ, cải thiện chất lượng hạt giống, chỉnh sửa gene và công nghệ biến đổi gene cho động vật và thực vật có thể đưa ra giải pháp hoặc giải pháp từng phần cho mối lo ngại về mất an ninh lương thực.

Quốc Đạt
#