Người bạn đồng hành trí tuệ, bản lĩnh

- Thứ Hai, 21/10/2019, 08:07 - Chia sẻ
Tôi là một độc giả thường xuyên của Báo Đại biểu Nhân dân. Do điều kiện công tác (tôi được tham gia ứng cử và được bầu là đại biểu HĐND tỉnh Thái Nguyên 2 nhiệm kỳ 1994 - 1999 và 2004 - 2011) nên tôi sớm được tiếp cận với Báo Người Đại biểu Nhân dân và sau này là Báo Đại biểu Nhân dân, nhưng chỉ từ khi được bầu là ĐBQH (2007 - 2011 và 2011 - 2016), tôi mới thường xuyên được đọc và cũng tích cực tham gia trả lời phỏng vấn, có lúc viết bài cho Báo. Đến nay, tuy đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn được VPQH gửi Báo, vẫn giữ được thói quen đọc Báo Đại biểu Nhân dân của mình.

Cũng như rất nhiều đại biểu dân cử cùng hoạt động trong lĩnh vực này, tôi càng hiểu rằng, báo chí rất quan trọng, rất cần thiết theo yêu cầu chung của cuộc sống, nhưng lại càng quan trọng hơn, càng cần thiết hơn cho cơ quan dân cử, cho đại biểu dân cử đại diện cho nhân dân, do nhân dân bầu ra, và báo chí chính là cầu nối quan trọng nhất giữa người dân và đại biểu. Đương nhiên trên thực tế, người đại biểu có thể có nhiều cách thức để giữ mối liên hệ với cử tri như tiếp xúc cử tri trực tiếp, qua công việc, qua tiếp nhận và giải quyết đơn thư, nhưng dù có cố gắng đến đâu thì số lượng các cuộc tiếp xúc, những cử tri và nội dung mà đại biểu có thể gặp gỡ, trao đổi trực tiếp cũng chỉ là một con số khiêm tốn so với yêu cầu. Chính vì vậy, qua kênh báo chí, mối liên hệ giữa cử tri và đại biểu được lan tỏa rộng lớn, được hỗ trợ có hiệu quả hơn rất nhiều. Từ suy nghĩ như vậy, tôi càng chú ý đọc Báo Đại biểu Nhân dân, vì đó là tờ báo duy nhất có vị trí là “Tiếng nói của QH, diễn đàn của ĐBQH, HĐND và cử tri”. Không chỉ đọc báo, mỗi khi anh chị phóng viên có yêu cầu cộng tác (phỏng vấn, viết bài…) tôi đều cố gắng ưu tiên thực hiện.

Tôi nhớ, bài phỏng vấn đầu tiên, tôi trả lời một cách độc lập đã được Báo Đại biểu Nhân dân đăng ngày 7.10.2009, cách đây đúng 10 năm, cũng vào dịp Báo được nâng cấp và đổi tên từ Báo Người đại biểu Nhân dân thành Báo Đại biểu Nhân dân. Khi ấy, phóng viên có hỏi tôi là “dự kiến nội dung nào sẽ là nóng nhất của Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XII sắp diễn ra. Tôi nói rằng, “đó là lĩnh vực kinh tế”, vì thực sự lúc đó có rất nhiều vấn đề trong tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, xấp xỉ 7%, nhưng đời sống người dân chưa được cải thiện nhiều, hệ số ICOR ở vào nhóm cao của thế giới, nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ tái lạm phát, hoạt động và hiệu quả của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước không cao… Bài báo phát hành được nhiều ĐBQH đọc và tỏ thái độ đồng tình, ủng hộ.

Đối với những lần phỏng vấn sau đó, tôi có cảm giác, “độ khó” ở nhiều bài đã tăng lên, những vấn đề như đổi mới hoạt động chất vấn tại QH, vấn đề phòng, chống tham nhũng, vấn đề va chạm lợi ích, đặc biệt là quá trình thảo luận và thông qua Hiến pháp năm 2013… đều được các phóng viên của Báo đặt câu hỏi phỏng vấn nhiều đại biểu, trong đó có tôi. Tôi nhớ mãi về việc thảo luận có nên tổ chức HĐND theo mô hình một số cấp thì có, một số cấp thì không. Tôi và nhiều ĐBQH khác có quan điểm: “Ở đâu có quyền lực, ở đó có cơ chế giám sát quyền lực”; cụ thể, trong vấn đề này, thì quan điểm đó là: “Ở đâu có UBND, ở đó phải có HĐND”. Trong bài trả lời phỏng vấn trên Báo ngày 3.6.2013, khi phóng viên đặt câu hỏi “dường như ĐBQH còn có ý kiến khác nhau về tổ chức chính quyền địa phương thể hiện trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tôi đã trả lời: “Chính vì bản chất của dân, do dân, vì dân nên khi đã khẳng định mô hình tổ chức chính quyền địa phương thì chính quyền địa phương phải đầy đủ, bao gồm HĐND và UBND. Đã là chính quyền của dân, thì bộ máy chính quyền đó phải do dân bầu, dân quyết định, dân giám sát bằng việc tự mình lựa chọn người đại diện, lựa chọn người đảm đương các công việc thực thi pháp luật, giám sát, đánh giá được hoạt động của bộ máy đó, con người đó nếu xứng đáng thì tiếp tục tín nhiệm, không xứng đáng thì có thể bị thay thế. Do dân là những định hướng, hoạt động của bộ máy nhà nước phải thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Vì dân là tất cả hoạt động của bộ máy nhà nước phải hướng tới ưu tiên, mang lại lợi ích cho nhân dân. Quá trình thảo luận, tranh luận đó, chúng tôi thực sự cảm thấy Báo Đại biểu Nhân dân không chỉ là diễn đàn, mà còn là người bạn đồng hành rất trí tuệ, bản lĩnh nhưng cũng rất công bằng, khách quan.

QH và HĐND các cấp của chúng ta đang đổi mới mạnh mẽ. Cử tri đang gửi gắm tình cảm, niềm tin vào sự đổi mới đó. Chính vì lẽ đó, Báo Đại biểu Nhân dân càng đứng trước yêu cầu rất cao để tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình. Trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành, Báo đã có được một đội ngũ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên rất trí tuệ, bản lĩnh và nếu dựa vào trí tuệ của đại biểu, trí tuệ của cử tri, thì nội dung của Báo sẽ còn ngày càng hay, càng trí tuệ hơn nữa.

Đỗ Mạnh Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Hoàng Ngọc ghi