Người giúp bản nghèo hồi sinh sau lũ

- Thứ Năm, 01/10/2020, 09:08 - Chia sẻ
Đó là ông Ngô Văn Minh - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, Yên Bái. Nhắc đến ông Minh, người dân Bản Lùng luôn thể hiện sự kính trọng, lòng biết ơn và tình cảm yêu mến. Bởi, ông Minh luôn hết lòng vì người khác, luôn đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân. Ông chính là tấm gương sáng để lớp trẻ ở Bản Lùng học tập, noi theo.

“Lá lành đùm lá rách”

Có lẽ đến bây giờ, người dân Bản Lùng vẫn chưa thể quên được trận lũ kinh hoàng xảy ra vào cuối tháng 7.2018. Chỉ trong chớp mắt, người dân lâm vào cảnh trắng tay khi toàn bộ nhà cửa, hoa màu, vật nuôi bị nước lũ cuốn trôi, tính mạng lâm vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong cơn bĩ cực đó, hình ảnh Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn đội mưa, vượt lũ, không ngại hiểm nguy đến từng nhà vận động, hỗ trợ bà con chạy lũ đã hằn in trong trí nhớ của từng người dân Bản Lùng.

Khi cơn lũ qua đi cũng là lúc cuộc sống người dân gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhất là những gia đình bị lũ cuốn trôi nhà. Lúc này, ông Minh đã huy động các hộ dân trong thôn ủng hộ thóc, gạo theo phương châm “ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”, nhờ đó, tất cả hộ dân ở Bản Lùng đều có gạo ăn trong những ngày mưa lũ. Bản thân ông Minh đã xay 3 tải thóc của gia đình rồi mang gạo phân phát cho bà con; hỗ trợ 12 kiện mỳ tôm cho gia đình thiếu lương thực, thực phẩm; đồng thời, hỗ trợ thuốc men để người dân điều trị những vết thương ban đầu trong quá trình chạy lũ.

Nói về người hàng xóm mẫu mực của mình, bà Triệu Thị Chiên chia sẻ: Những ngày bão lũ, nhờ có bác mà thôn chúng tôi chỉ bị thiệt hại về tải sản, không có thiệt hại về người. Tôi còn nhớ, trong những ngày mưa bão, cả bản bị cô lập, may nhờ bác Minh vận động quyên góp được khoảng 60kg gạo và 25 tải thóc và cả quần áo nên chúng tôi mới có đủ lương thực và đồ dùng để cùng nhau vượt qua khó khăn. Khu tái định cư chúng tôi đang sống cũng là nhờ bác Minh và một số người dân tự nguyện hiến đất để xây dựng. Có chỗ ở ổn định và khôi phục được kinh tế như bây giờ, dân Bản Lùng ai cũng nhớ ơn bác Minh.

Qua câu chuyện của bà Chiên, chúng tôi được biết, để giúp bà con sớm ổn định chỗ ở và tái sản xuất, ông Minh đã tự nguyện hiến trên 2.000m2 đất canh tác của gia đình và vận động một số gia đình khác cùng hiến đất để xây dựng khu tái định cư cho nhân dân. Ông còn huy động lực lượng thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh và toàn thể nhân dân cùng dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, sửa chữa các đoạn đường bị hư hỏng để việc đi lại được thuận tiện, an toàn.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Minh khiêm nhường: Thiên tai đến không ai mong muốn, lúc đó tôi chỉ nghĩ làm sao để bà con cùng hợp sức vượt lũ. Còn việc đóng góp, không chỉ tôi mà bà con trong thôn cũng rất nhiệt tình, có nhiều thì góp nhiều, có ít thì góp ít để san sẻ bớt khó khăn với nhau. Qua cơn lũ, không chỉ tôi mà mọi người trong thôn cũng cảm thấy gắn bó, yêu thương nhau hơn. Đó là điều khiến tôi cảm thấy vui và tự hào nhất.

Bí thư Chi bộ thôn Ngô Văn Minh vận động bà con yên tâm phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đường, nhà thôn bản sạch đẹp

Khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế

Sau lũ dữ, một Bản Lùng những tưởng bị xóa sổ đã trở thành một khu tái định cư khang trang với 54 hộ dân cùng sinh sống. Nỗ lực của người dân cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái đã giúp người dân Bản Lùng xây dựng được những căn nhà cấp 4, nhà sàn kiên cố. Tất cả những hộ có nhà bị lũ cuốn trôi hay sập đổ hoàn toàn nay đã có nơi ở an toàn.

Khi đã có nơi ở ổn định, ông Ngô Văn Minh cùng người dân Bản Lùng quyết tâm khắc phục khó khăn, bắt tay vào khôi phục sản xuất. Nhờ sự động viên của ông Minh, bà con thôn Bản Lùng đã biến sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, của cộng đồng, của các tổ chức cá nhân thành đòn bẩy để nỗ lực khắc phục khó khăn, thi đua lao động sản xuất. Mỗi hộ dân ở Bản Lùng đã chủ động sửa chữa, san gạt, thu dọn đất đá, cây que vùi lấp, làm lại từng thửa ruộng, từng nương ngô để có đất gieo trồng, canh tác. Đến nay, người dân đã đưa vào canh tác hàng năm 31ha lúa nước 2 vụ, 40ha ngô; hình thành được 2 mô hình chăn nuôi trâu bò từ 10 con trở lên.  Toàn thôn đã bên tông hóa được trên 3km đường giao thông và làm được 500m đường đặc thù.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phong Dụ Thượng Lò Thị Lân phấn khởi chia sẻ: Sự hồi sinh và phát triển của Bản Lùng hôm nay là nhờ quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo tỉnh Yên Bái và huyện Văn Yên, sự chung sức của cả cộng đồng và đặc biệt là năng động, nhiệt tình, trách nhiệm của Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ngô Văn Minh. Bà con Bản Lùng giờ đây yên tâm sinh sống ở những ngôi nhà đủ 3 cứng “cứng mái, cứng nền, cứng tường” với đầy đủ công trình vệ sinh là nhà tắm, nhà tiêu, hố xử lý rác thải. Con đường vào Bản Lùng nay cũng thuận tiện hơn giúp người dân trong sản xuất, buôn bán, giao thương. Đến nay, thu nhập bình quân ở Bản Lùng đạt 29 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 14,8%”.

Có thể thấy, bằng  ý thức trách nhiệm nêu gương của một đảng viên và hơn hết là vận dụng sáng tạo, linh hoạt lời dạy của Bác trong thực tiễn, ông Ngô Văn Minh giống như “cánh tay nối dài” góp phần đưa chính sách thiết thực của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái đi vào cuộc sống, đạt được hiệu quả thiết thực.  

Từ một khu đất ngổn ngang, hoang tàn, Bản Lùng hôm nay đã trở thành khu dân cư đông đúc, với những ngôi nhà mới khang trang ẩn hiện giữa núi rừng trùng điệp. Các công trình điện, đường, nước sinh hoạt đang dần được đầu tư đồng bộ đem đến cho bà con một cuộc sống mới đủ đầy hơn. Người dân nơi đây cũng đang từng ngày thích nghi, thay đổi phương thức canh tác để từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Trên những cánh đồng đất mấp mô đã hiện lên mầm xanh của lúa, ngô, hoa màu vươn mình đón nắng. Trong khung cảnh bình yên ấy, người dân Bản Lùng không thể nào quên công lao to lớn của Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ngô Văn Minh.  

THU NHÀI - MỸ VÂN