Nỗi lo từ “đầu vào” của một dự luật

- Thứ Năm, 13/02/2020, 08:20 - Chia sẻ
Là dự án luật đầu tiên được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính bị Ủy ban Pháp luật - cơ quan chủ trì thẩm tra - phê thẳng: “Nội dung của các tài liệu trong hồ sơ còn khá sơ sài”.

Mặc dù cơ quan soạn thảo đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tham khảo ý kiến góp ý của các cơ quan có liên quan trong quá trình xây dựng dự luật; hồ sơ dự luật cũng được gửi đúng thời hạn và “chỉ” thiếu dự thảo văn bản quy định chi tiết những nội dung được giao trong dự thảo Luật, nhưng chất lượng các tài liệu lại mắc những lỗi rất cơ bản.

Tờ trình và tài liệu trong hồ sơ chưa phân tích, làm rõ được lý do, căn cứ và sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung của dự luật. Nhiều nội dung lớn được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật nhưng không phải là bất cập được xác định trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và cũng không được đánh giá tác động cụ thể. Ví dụ các quy định về quản lý thống nhất biểu mẫu, quyết định trong xử lý vi phạm hành chính; nâng mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực; thẩm quyền của cấp trưởng sau khi đã giao quyền cho cấp phó; việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện hành vi vi phạm hành chính; việc lập, gửi biên bản vi phạm hành chính bằng phương thức điện tử; các quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nhất là việc mở rộng đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính…

Trong khi đó, nhiều nội dung được xác định trong Báo cáo tổng kết là có vướng mắc, bất cập thì lại không được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật như: Mức phạt tiền đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa tương xứng với tính chất, mức độ hậu quả vi phạm; việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nhẹ hơn mức phạt tiền, dẫn đến tình trạng người vi phạm bỏ tài sản, không chấp hành quyết định xử phạt, việc trông giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính gặp khó khăn do thiếu nhà kho, bến bãi trong lĩnh vực giao thông; công tác kiểm tra, theo dõi thi hành biện pháp khắc phục hậu quả chưa được thực hiện đầy đủ, chưa thực sự hiệu quả...

Báo cáo đánh giá tác động dự án Luật cũng chỉ đánh giá tác động chung của 3 nhóm chính sách gồm: (1) Hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, (2) hoàn thiện các quy định pháp luật về đối tượng, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính và (3) hoàn thiện pháp luật quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà chưa đánh giá tác động của từng chính sách cụ thể. Chưa kể, về bản chất, theo Ủy ban Pháp luật, đây thậm chí không phải 3 nhóm chính sách mà là 3 nhóm vấn đề. Hệ quả, việc đánh giá tác động, phân tích lý do lựa chọn giải pháp được nêu trong Báo cáo còn chung chung, chưa chi tiết, toàn diện. Các đánh giá về chi phí lợi ích mới chỉ đề cập đến một phần chi phí của Nhà nước mà chưa đánh giá được chi phí người dân, xã hội sẽ phải bỏ ra như thế nào. Một số đánh giá chỉ “áng chừng” như: Sửa đổi thẩm quyền tịch thu tang vật, giao quyền xử phạt vi phạm hành chính, trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính sẽ “tránh thất thu ngân sách hàng chục tỷ đồng” hay “phần nào ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước”…

Với những đánh giá tác động như vậy thì cũng không khó lý giải khi nhiều đề xuất lựa chọn giải pháp đưa ra chưa thực sự thuyết phục, thậm chí rất khó hiểu như: Khi đánh giá tác động của chính sách (1) hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính thì giải pháp 1C được đánh giá là sẽ giải quyết triệt để bất cập, vướng mắc, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật và chỉ mất chi phí cho việc thi hành, ban hành văn bản để quy định nhưng khi lựa chọn để quy định vào dự luật thì lại chọn giải pháp 1B...
Nhiều sai sót cơ bản khác cũng được cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật chỉ ra như, theo Khoản 55, Điều 1 của dự luật thì Khoản 2, Điều 92, Luật hiện hành được sửa đổi, bổ sung, nhưng theo Khoản 5, Điều 3 của dự luật thì Khoản 2, Điều 92, Luật hiện hành lại bị bãi bỏ; hay giải trình của cơ quan soạn thảo về đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa của lĩnh vực giáo dục trong Bảng tổng hợp ý kiến các cơ quan và dự thảo Luật cũng trái ngược nhau...

Những tài liệu được quy định trong hồ sơ dự án luật không chỉ là “thông tin đầu vào” mà với quy trình lập pháp hiện nay, đây chính là cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học quan trọng bậc nhất để Quốc hội xem xét, đánh giá sự cần thiết, tính hợp lý, tính khả thi của các điều khoản cụ thể và tính thống nhất của dự luật với hệ thống pháp luật. Một hồ sơ dự luật sơ sài, mắc những lỗi cơ bản như kể trên đã là điều khó chấp nhận với bất kỳ cơ quan chủ trì soạn thảo nào và càng không thể chấp nhận được khi cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tư pháp - cơ quan giữ vai trò “gác cổng” cho Chính phủ về xây dựng pháp luật.

Một ví dụ điển hình như vậy để thấy rằng, trong vô số đề xuất liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung quy trình xây dựng luật thì đề xuất cần xem xét nhất và sẽ mang lại hiệu quả rõ nét nhất chính là siết chặt trách nhiệm của các cơ quan ngay ở công đoạn chuẩn bị “đầu vào” của dự luật.    

Lam Anh