Pháp thiết lập “hạn ngạch năm” cho lao động nhập cư

- Thứ Năm, 07/11/2019, 07:42 - Chia sẻ
Pháp sẽ đưa ra hạn ngạch hàng năm cho lao động nước ngoài ngoài EU. Động thái này được coi là một phần nỗ lực của Tổng thống Emmanuel Macron nhằm củng cố lập trường về vấn đề nhập cư, khác hoàn toàn với quan điểm của cánh hữu.

Theo Bộ trưởng Lao động Muriel Pedicaud, từ năm tới, nhà chức trách và giới chủ lao động sẽ tập trung vào các ngành công nghiệp đang “khát” nhân công có trình độ, tạo thuận lợi hơn cho việc thuê lao động nước ngoài. Kế hoạch của Pháp là nhằm tuyển dụng dựa trên nhu cầu. Đây là cách tiếp cận mới, tương tự như Canada hoặc Australia đã làm.

Gần đây, Tổng thống Pháp Macron đã cảnh báo các cộng sự theo phái trung dung của mình rằng, không nên né tránh việc giải quyết vấn đề nhập cư, vì đây là chủ đề mà cử tri quan tâm. Ban đầu ông bác bỏ ý tưởng về hạn ngạch, nhưng đã nêu lại ý tưởng này để bàn bạc trong một cuộc tranh luận quốc gia hồi tháng 1, sau khi xảy ra các cuộc biểu tình “Áo vàng”. Ước tính, tới 40% số người biểu tình ủng hộ đảng chống nhập cư của bà Marine Le Pen thuộc cánh hữu.

Động thái mới của Tổng thống Pháp được đưa ra sau khi các cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy, đối thủ chính trị chính của ông Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2022 vẫn là bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Tập hợp quốc gia cực hữu. Theo kết quả một cuộc khảo sát trong tuần này, 45% cử tri có ý định bỏ phiếu cho bà Marine Le Pen trong trường hợp diễn ra bầu cử phụ với ông Macron. Tỷ lệ đó tăng khá nhiều so với mức 34% năm 2017.

Trong khi tỷ lệ thất nghiệp của Pháp vẫn ở mức 8,5%, nhưng nước này lại đang thiếu hụt nhân công sẵn sàng chấp nhận công việc được trả lương thấp trong các lĩnh vực như xây dựng, khách sạn, nhà hàng hay một số khu vực bán lẻ. Ở những lĩnh vực “cao cấp” hơn như IT, kỹ thuật hay thú y cũng rất thiếu ứng cử viên trong nước.

Nhiều người theo trường phái bảo thủ của Pháp tỏ ra hoan nghênh kế hoạch hạn ngạch. Chẳng hạn ông Aurélien Pradié, thành viên đảng Cộng hòa nhận xét, “đây không phải là ý tưởng tồi”, nhưng ông cho rằng để biện pháp này được thực hiện nghiêm túc, cần được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội để các nghị sĩ ấn định mức hạn ngạch.

Thực ra, cựu Tổng thống cánh hữu Nicolas Sarkozy từng tuyên bố ý tưởng tương tự vào năm 2007, nhưng ông đã lặng lẽ gác lại sau khi một báo cáo cảnh báo rằng các biện pháp đó “không thể thực hiện được và không mang lại lợi ích gì”. Nay các nhà phê bình cũng cho rằng, hệ thống hạn ngạch chuyên nghiệp là vô nghĩa khi người di cư vì kinh tế chỉ đại diện cho một phần rất nhỏ trong số 256.000 người được trao giấy phép lưu trú hợp pháp vào năm ngoái ở Pháp.

Ngọc Minh