Chính đảng trong Nghị viện

Phe đối lập tại Nghị viện

- Thứ Sáu, 16/09/2011, 07:21 - Chia sẻ
Vai trò của các đảng đối lập khác nhau đáng kể, từ những đảng đối lập đã được thể chế hóa, có tổ chức được thành lập để sẵn sàng thay thế chính phủ, cho đến những đảng đối lập ít có sự gắn kết và sự tham gia của đảng viên rời rạc và bị chia nhỏ; và những đảng đối lập nằm ở giữa hai cực này.

Ở Anh (và nhiều quốc gia trong khối thịnh vượng chung), đảng chiếm đa số sẽ thành lập chính phủ và các đảng viên đứng đầu sẽ trở thành các bộ trưởng, còn đảng chiếm thiểu số sẽ trở thành phe đối lập. Tổ chức đảng đối lập trong nghị viện được xem như một chính phủ lập sẵn (chờ lên cầm quyền). Vai trò của phe đối lập là xem xét các công việc/hoạt động của chính phủ, chỉ ra những sai lầm của chính phủ nhằm nâng cao cơ hội chiến thắng của đảng mình trong cuộc bầu cử tiếp theo.

Ở các quốc gia theo chế độ tổng thống với hai chính đảng cạnh tranh nhau như Hoa Kỳ, tổng thống và các nhà lập pháp (ở cấp liên bang) được bầu bởi những lá phiếu riêng biệt và có nhiệm kỳ khác nhau. Ngoài ra, nghị sỹ được đề cử và tái đề cử theo những cách thức mà các lãnh đạo đảng ít gây được ảnh hưởng. Vì vậy, đảng chiếm đa số thường ít có sự gắn kết và các đảng viên thường phụ thuộc vào mục tiêu của đơn vị bầu cử của mình hơn so với các mục tiêu của chính đảng. Sự cầm quyền của tổng thống đòi hỏi một quá trình thương lượng liên tục với các nghị sỹ, và đôi khi là nhường các vị trí lập pháp quan trọng, có tầm ảnh hưởng cho đảng viên của đảng thiểu số.

Ở một số nước như Pakistan và Nigeria, trái ngược với hệ thống các đảng đối lập trung thành, coi vai trò của đảng mình là đưa ra một sự thay thế toàn diện cho chính phủ hiện hành hoặc sửa đổi chính sách của chính phủ thông qua sự thương lượng và thỏa hiệp, là hệ thống các đảng đối lập coi vai trò của họ là việc hạ bệ chính phủ. Mục tiêu của đảng đối lập nói trên là giành được quyền lực nhà nước và biện pháp được lựa chọn là liên tục chỉ trích, làm gián đoạn hoặc làm chậm trễ, với hy vọng những động thái này sẽ làm mất ổn định chính phủ và tạo cơ hội cho các đảng đối lập giành được quyền lực.

Ở một số nước khác, một chính đảng kiểm soát ngành hành pháp nhưng lại không kiểm soát ngành lập pháp như ở Pháp, Liberia, Malawi. Trong hệ thống chính trị nói trên và các chế độ chính trị hỗn hợp khác, người đứng đầu chính phủ thường đại diện cho một chính đảng, trong khi cơ quan lập pháp được kiểm soát bởi các đảng đối thủ. Tuy vậy, ngành hành pháp phải có sự hợp tác với các đối thủ này để thông qua được dự toán ngân sách, phê duyệt việc bổ nhiệm các chức vụ hành pháp, và thực thi những công việc cần thiết khác để quản lý nhà nước.

Tóm lại, phe đối lập tại Nghị viện là phe thua cuộc trong cuộc bầu cử lập pháp. Vì vậy, một chức năng quan trọng của các đảng đối lập trong nghị viện là đại diện cho các quan điểm và nhu cầu của những người không có đại diện trong chính phủ. Ở một góc độ nào đó, phe đối lập giúp mở rộng khả năng tiếp cận quá trình lập pháp, giám sát và dự thảo ngân sách của nghị viện, phản ánh một cách rộng rãi hơn các mối quan tâm trong xã hội.

Nguyên Lâm