Phát triển nghề công chứng

Quản thế nào khi không còn quy hoạch?

- Thứ Hai, 17/08/2020, 08:27 - Chia sẻ
Chỉ duy trì phòng công chứng có năng lực tự chủ, hoạt động có hiệu quả, giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ công chứng, tiếp tục khuyến khích xã hội hóa hoạt động công chứng... là điểm đáng chú ý tại Dự thảo Nghị quyết chính sách phát triển nghề công chứng, đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến.

Ồ ạt chuyển trụ sở

Khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch có hiệu lực, đã bãi bỏ các quy định quy hoạch về công chứng. Điều này, lập tức đã tác động đến sự phát triển của nghề công chứng. Điển hình là tình trạng các văn phòng công chứng thành lập không căn cứ vào nhu cầu công chứng theo từng địa bàn cấp huyện, chuyển trụ sở từ ngoại thành vào các quận nội thành. Điều này đã dẫn đến sự phân bổ không hợp lý, làm mất cân đối, phá vỡ sự ổn định trong việc phát triển mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng; đặc biệt việc tiếp cận dịch vụ công chứng của người dân, doanh nghiệp tại vùng sâu, vùng xa sẽ gặp khó khăn hơn.

Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước còn thiếu công cụ hỗ trợ cần thiết khi nghề công chứng với tư cách là dịch vụ được Nhà nước ủy quyền cho tư nhân thực hiện; các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên chưa đủ mạnh do mới được hình thành, có nơi, có thời điểm chưa phát huy được trách nhiệm tự quản.

Thực tế cho thấy, hoạt động công chứng được Luật Công chứng xác định là dịch vụ công trong điều kiện tiếp tục xã hội hóa mạnh mẽ cũng chịu sự chi phối bởi cơ chế thị trường. Bởi, cơ chế thị trường là yếu tố tích cực khi tạo ra những động lực cần thiết để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình dịch vụ nói chung và các dịch vụ công nói riêng, từ đó tăng cường cơ hội tiếp cận cho người dân.

Mặt khác, đối với những dịch vụ mang tính chất công như công chứng, cần có những công cụ điều chỉnh cần thiết để bảo đảm tính chất quyền lực của hoạt động công quyền, cũng như niềm tin của người dân vào các dịch vụ công. Do đó, việc quản lý hoạt động công chứng không thể dựa hoàn toàn vào cơ chế thị trường mà cần có những biện pháp nhằm bảo đảm tính chất công của hoạt động công chứng: Chức danh công chứng viên do Nhà nước bổ nhiệm đã phản ánh tính chất của nghề công chứng là thực thi nhiệm vụ công, được Nhà nước ủy nhiệm.

Đại diện Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp cho rằng, hành nghề của công chứng viên không chỉ đem lại an toàn pháp lý đối với các bên tham gia hợp đồng, giao dịch nói riêng mà còn đối với trật tự an toàn xã hội nói chung. Do vậy, bảo đảm cho sự phát triển của nghề công chứng ổn định, bền vững với chất lượng cao; đồng thời hạn chế tối đa những bất cập và những tác động tiêu cực là một yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng trong điều kiện không còn quy hoạch công chứng.

Nhu cầu công chứng ngày càng nhiều  

Nguồn: ITN 

Không thành lập tràn lan

Hiện trên cả nước có 2.709 công chứng viên đang hành nghề tại 1.134 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 118 phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp do Nhà nước thành lập và 1.016 văn phòng công chứng được Nhà nước cho phép thành lập.

Một trong những mục tiêu được xác định tại Dự thảo Nghị quyết chính sách phát triển nghề công chứng xác định mục tiêu là bảo đảm phát triển nghề công chứng ổn định, bền vững; xác định công chứng là dịch vụ thiết yếu được Nhà nước bảo đảm; đổi mới hoạt động công chứng đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng Chính phủ điện tử và cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư. Để làm được điều này cần phát triển đội ngũ công chứng viên có chất lượng với số lượng phù hợp với nhu cầu phát triển nghề công chứng và nhu cầu xã hội.

Từ thực tiễn hành nghề công chứng, để nâng cao chất lượng dịch vụ công chứng, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, phát triển ổn định, bền vững nghề công chứng cần định hướng lâu dài là phải đầu tư nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng, cụ thể phát triển đội ngũ công chứng viên phù hợp với nhu cầu phát triển nghề công chứng, nhu cầu xã hội; bảo đảm chất lượng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên, nâng cao chất lượng đào tạo nghề công chứng.

Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng được Nhà nước ủy quyền thực hiện dịch vụ công, có nhiệm vụ công chứng hợp đồng, giao dịch, văn bản công chứng có giá trị chứng cứ. Từ đặc thù này, mà tổ chức hành nghề công chứng nói chung, các văn phòng công chứng nói riêng không thể dễ dàng chấm dứt hoạt động, “đóng cửa” như các tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp khác. Do đó, việc phát triển các Văn phòng công chứng đòi hỏi phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu công chứng theo địa bàn cấp huyện, không thể cho phép việc thành lập mới tràn lan mà cần phát triển có kiểm soát.

Đối với các phòng công chứng, Dự thảo Nghị quyết bám sát nội dung chỉ đạo của Nghị quyết số 18/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, cần duy trì phòng công chứng có năng lực tự chủ, hoạt động có hiệu quả, giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ công chứng, phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý công chứng. Hoạt động công chứng là hoạt động thiết yếu của đời sống, do đó, tại địa bàn mà văn phòng công chứng chưa đảm đương được thì cần thành lập mới hoặc duy trì các phòng công chứng.

Nguyễn Minh