Phát triển doanh nghiệp công nghệ vì một Việt Nam hùng cường

Quan trọng nhất là tạo thị trường

- Thứ Sáu, 10/05/2019, 08:07 - Chia sẻ
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” và khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam” do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT - TT) tổ chức sáng qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, để phát triển doanh nghiệp công nghệ, quan trọng nhất là tạo thị trường. Trong đó, điều kiện then chốt nhất là phải hoàn thiện kinh tế thị trường.

“Công nghệ giải quyết hiệu quả bài toán Việt Nam”

Giám đốc miền Bắc, Công ty Haravan Phạm Hải Văn nhìn nhận, trong bối cảnh Việt Nam có khoảng 70% dân số dùng internet, số giờ online bình quân mỗi tuần là 28 giờ/người, thương mại điện tử tăng trưởng 30% trong năm 2018, việc doanh nghiệp phải chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong phát triển sản phẩm, dịch vụ là đòi hỏi mang tính tất yếu. Điều này cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận. Ông Văn dẫn chứng: Sự hợp tác về công nghệ với Haravan đã mang lại 10% doanh thu mảng bán hàng online cho Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk)…


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn Ảnh: Vũ Thủy

Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ tạo nhiều cơ hội có một không hai cho Việt Nam. Bất kỳ công ty nào, dù cung cấp sản phẩm hay dịch vụ, đều liên quan đến công nghệ. Trong bối cảnh ấy, Bộ trưởng Bộ TT - TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, “nếu chúng ta tiếp tục chỉ lắp ráp thì sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và thoát bẫy thu nhập trung bình”. Đồng thời, ông tỏ ý tin tưởng “công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả”.

Thực tế đã chứng minh điều này! Chủ tịch HĐQT Công ty CP Misa Lữ Thành Long cho hay, cách đây 25 năm, các doanh nghiệp Việt Nam chưa sử dụng các phần mềm kế toán. Từ khi thành lập đến nay, Công ty Misa đã triển khai thành công ứng dụng kế toán cho 75% đơn vị hành chính sự nghiệp, 47% doanh nghiệp vừa và nhỏ, hơn 1,5 triệu khách hàng cá nhân. Misa cũng tham gia chuyển đổi hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử, tiết kiệm hơn 10 nghìn tỷ đồng/năm. “Chúng tôi tự tin là doanh nghiệp phần mềm của Việt Nam có thể giải quyết được bài toán Việt Nam”, ông Long nói.

Chính phủ nên hướng mua sắm vào sản phẩm công nghệ

Song song với cơ hội không nhỏ là các quỹ đầu tư mạo hiểm đang tìm kiếm đầu tư tại Việt Nam, sự phát triển nhanh của các công ty khởi nghiệp trong khu vực và quốc tế đang là mối đe dọa với các doanh nghiệp công nghệ trong nước. “Nếu chúng ta không nhanh sẽ bị họ chiếm hết thị trường”, Chủ tịch Công ty GotIt Trần Việt Hùng cảnh báo.

Để phát triển doanh nghiệp công nghệ, theo các đại biểu, trước tiên, Chính phủ cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Về phía doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng tới chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế, vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa nâng cao sức cạnh tranh và xuất khẩu. Tổng giám đốc Công ty CP Be Group Trần Thanh Hải đề xuất, các doanh nghiệp nên tập trung đầu tư bài bản, nghiêm túc, có chiều sâu, tránh phụ thuộc vào nước ngoài.

Cho rằng muốn có các doanh nghiệp công nghệ thì việc tạo ra thị trường có lẽ là quan trọng nhất, Bộ trưởng Bộ TT - TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Chính phủ là “hộ chi tiêu lớn nhất” của một quốc gia, nếu Chính phủ mua sắm hướng vào các sản phẩm công nghệ sẽ góp phần đáng kể, nhất là cho giai đoạn đầu, để sinh ra các công ty công nghệ. Bên cạnh đó, chuyển đổi số quốc gia diễn ra nhanh và trên phạm vi toàn quốc, trong mọi lĩnh vực cũng sẽ tạo ra thị trường vô cùng lớn cho các doanh nghiệp công nghệ.

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công nghệ là nhân tố chính để tăng trưởng, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển. Việt Nam có những lợi thế như lượng người sử dụng internet cao, xuất hiện nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm, nhiều doanh nghiệp phát triển công nghệ thông tin lớn... Sau 30 năm lắp ráp, gia công, đã đến lúc Việt Nam có đủ điều kiện để chuyển sang sáng tạo làm ra các sản phẩm công nghệ Việt. Việt Nam cần xây dựng và tuyên bố dứt khoát chiến lược để phát triển doanh nghiệp công nghệ. “Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ, chủ động trong sản xuất. Đó chính là tuyên bố của chúng ta hôm nay”, Thủ tướng nêu rõ.

Từ tinh thần đó, Thủ tướng đưa ra các giải pháp: Trước hết, doanh nghiệp đóng vai trò quyết định. Doanh nghiệp cần nhận thức đúng về Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 không đơn thuần là thay đổi những gì đang làm mà thay đổi chính chúng ta. Cần khuyến khích doanh nghiệp lớn đã thành công thể hiện tinh thần trách nghiệm dẫn dắt các doanh nghiệp Việt Nam, đặt sứ mệnh doanh nghiệp gắn liền với sứ mệnh quốc gia. Về phía Chính phủ cùng các bộ liên quan sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ. Thủ tướng nhấn mạnh, muốn có doanh nghiệp công nghệ, việc tạo thị trường là quan trọng nhất. Vấn đề then chốt nhất là hoàn thiện nền kinh tế thị trường, trong đó đặc biệt coi trọng đổi mới sáng tạo. Đi liền với đó là hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Tại diễn đàn, Thủ tướng cũng giao Bộ TT - TT làm chỉ thị, chiến lược về phát triển doanh nghiệp công nghệ để trình Chính phủ trong tháng 6 tới, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội NGUYỄN ĐỨC CHUNG: Công nghệ phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn


Với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ, thời gian qua, thành phố đặc biệt quan tâm chú trọng ứng dụng dịch vụ trực tuyến thông qua các trang web, các kênh số hóa để mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.

Thành phố hướng tới mục tiêu đưa dịch vụ số đến với mọi người, ở bất kỳ đâu qua nhiều cách như: Chuyển toàn bộ đầu tư công sang thuê dịch vụ số, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp trên địa bàn, xây dựng hệ thống phần mềm quản lý nghiệp vụ, tích hợp và khai thác các dịch vụ số, ứng dụng tối đa các văn bản điện tử… Cho đến nay, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng và hoàn thành xong cơ sở dữ liệu dân cư cho 7,9 triệu người dân; tuyển sinh trực tuyến đầu cấp đạt 78% năm 2018… Thành phố hiện có 3.530 doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh thu năm 2018 hơn 244 nghìn tỷ đồng. Thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh cải cách để làm thông thoáng môi trường kinh doanh; chủ động rà soát, bãi bỏ điều kiện không phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty Vinfast LÊ THỊ THU THỦY: Nếu làm đúng không ngại xuất phát muộn

Hơn 10 năm trước đây, trong số 10 công ty lớn nhất thế giới chỉ có 1 công ty duy nhất chuyên về công nghệ là Microsoft, nhưng hiện tại có tới 9/10 công ty top đầu thế giới là công ty công nghệ. Điều đó cho thấy, công nghệ là con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất và thậm chí là duy nhất tạo nên sự phát triển đột phá cho bất kỳ nền kinh tế nào.


Chúng tôi tin rằng nếu làm đúng thì không ngại xuất phát muộn. Chỉ sau 8 tháng công bố chuyển đổi, Tập đoàn Vingroup đã có một số bước tiến đáng kể trong việc phát triển công nghệ và ứng dụng công nghệ trong hầu hết các mảng hoạt động. Cụ thể, chúng tôi đã tiếp cận vào lĩnh vực công nghệ bằng 4 hướng. Một là, lập bộ phận nghiên cứu, đầu tư công nghệ mới, có tính ứng dụng cao và áp dụng luôn vào sản phẩm của mình. Hai là, hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới để học hỏi và tiếp cận công nghệ lõi, rút ngắn thời gian. Ba là, góp sức đào tạo nhân lực tinh hoa và thu hút nhân tài công nghệ về làm việc. Bốn là, mở rộng mạng lưới tại các nước có công nghệ phát triển. Với cách tiếp cận như trên nên chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã làm chủ được các công nghệ phức tạp và đưa 3 mẫu ô tô cũng như 2 mẫu xe máy điện ra thị trường. 

Nguyên thành viên Ban cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc GS. YOUNGRAK CHOI: Đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển


Điểm mạnh cốt lõi của Hàn Quốc là chuyển mình thành công từ nước nhập khẩu công nghệ thành nước đi đầu về công nghệ, sở hữu nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh và có năng lực chế tạo, nắm bắt công nghệ. Hàn Quốc cũng tiến hành tái cấu trúc sản xuất. Để phát triển mạnh về công nghệ, Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra nhiều chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển (R & D), phát triển nguồn nhân lực, đi đầu trong việc chuyển đổi cấu trúc hệ thống đổi mới...

Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, Việt Nam cần tích hợp khoa học công nghệ một cách hệ thống vào nền kinh tế và sản xuất công nghiệp. Việc đầu tư mạnh cho R & D, phát triển nguồn nhân lực cũng là những yếu tố góp phần thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, cần có quyết tâm cao độ, đã lên kế hoạch là phải thực hiện. Chính phủ cần kết hợp tốt với các doanh nghiệp, theo đuổi động lực tăng trưởng lâu dài thay vì lợi ích trong ngắn hạn. Đối với ngành kinh doanh mang tính mạo hiểm cao, Chính phủ cần có khoản bảo lãnh tốt để khuyến khích.

Đan Thanh ghi

Vũ Thủy