Đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, Nhân dân lên trên hết, trước hết

Đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, Nhân dân lên trên hết, trước hết -0

Đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, Nhân dân lên trên hết, trước hết
*****

Theo kế hoạch, dự kiến tháng 1.2026, Đảng ta sẽ tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV. Để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này, liên tiếp trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua, 2 trong số 5 Tiểu ban của Đại hội XIV là Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự đã tiến hành họp phiên đầu tiên. Việc thảo luận, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng (thông qua các văn kiện) và bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Đảng (công tác nhân sự) cũng chính là hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ Đại hội Đảng.
 Với ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt như vậy, tại phiên họp đầu tiên của hai Tiểu ban, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Tiểu ban Văn kiện và Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, đã có những phát biểu mang tính định hướng, gợi mở về phương pháp luận. Trong đó, một trong những nội dung được Người đứng đầu Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh, đó là phải kiên định hệ quan điểm chỉ đạo mang tính nguyên tắc và có cách làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của Nhân dân lên trên hết, trước hết. 
Đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, Nhân dân lên trên hết, trước hết -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng ngày 23.2.2024. Ảnh: Trí Dũng

Đổi mới trong cách làm, phản ánh đầy đủ thực tiễn mới của đất nước
~~~~~

Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng có nhiệm vụ chuẩn bị Báo cáo chính trị và Báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới trình Đại hội. Với công việc này, Tổng Bí thư lưu ý: việc chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội XIV, đặc biệt là Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, có vai trò định hướng cho các văn kiện khác của Đại hội phải được tiến hành một cách khoa học, nghiêm túc, có đổi mới trong cách làm, phải bảo đảm thật sự có chất lượng, phản ánh đầy đủ thực tiễn mới của đất nước. Đây là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm sự thành công của Đại hội.

Để bảo đảm chất lượng, Tổng Bí thư đề nghị, cần quán triệt sâu sắc và thống nhất cao một số vấn đề về phương châm, phương pháp tư tưởng, hệ quan điểm chỉ đạo và cách làm cụ thể. Trong đó, đặc biệt lưu ý kiên định hệ quan điểm chỉ đạo mang tính nguyên tắc, đó là: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Cốt lõi của hệ quan điểm này, như nhấn mạnh của Người đứng đầu Đảng ta, đó là “kết hợp một cách khoa học giữa nền tảng tư tưởng, mục tiêu lý tưởng, đường lối của Đảng với tinh thần không ngừng đổi mới, sáng tạo, tuân theo quy luật khách quan”. Điều đó cũng có nghĩa là “kiên định phải đi đôi với đổi mới nhưng là sự đổi mới có nguyên tắc, không tùy tiện, nóng vội. Phải nắm vững và xử lý tốt "bốn kiên định", đặc biệt là kiên định một cách sáng tạo và sáng tạo một cách kiên định, theo phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh, vì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là lâu dài và chưa có tiền lệ, còn rất nhiều khó khăn, thách thức”, Tổng Bí thư lưu ý.

Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần này phải là một công trình khoa học kết tinh trình độ lý luận, tầm cao trí tuệ của toàn Đảng, niềm tin và khát vọng của cả dân tộc, phản ánh những quy luật khách quan của thực tiễn, xu thế vận động mới của thực tiễn. Coi trọng tổng kết thực tiễn và nắm chắc lý luận khoa học; kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn với định hướng chính sách để phát hiện, tìm tòi những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đang xuất hiện có sức sống từ trong thực tiễn, từ những nhân tố mới của thực tiễn, những mâu thuẫn chín muồi trong thực tiễn. Chú ý làm rõ những chủ trương, chính sách nào đã được thực tế khẳng định là đúng đắn, phù hợp, và cái gì cần tiếp tục đổi mới, bổ sung, phát triển.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cùng với đó, cần “gắn kết nhuần nhuyễn giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn; giữa nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn với định hướng chính sách”. Nhấn mạnh điều này, Tổng Bí thư chỉ rõ, sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn là nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thực tiễn không có lý luận là thực tiễn mù quáng; lý luận không có thực tiễn là lý luận suông. Căn nguyên của bệnh chủ quan là do kém lý luận, coi thường lý luận và lý luận suông; nguyên nhân của bệnh giáo điều là do xa rời thực tiễn, không sâu sát thực tiễn, không gắn bó với quần chúng nhân dân, thiếu quan điểm lịch sử cụ thể và quan điểm phát triển khi đề ra chủ trương, đường lối và nhiệm vụ, giải pháp giải quyết vấn đề.

Theo TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, thì hơn bao giờ hết, càng đổi mới càng phải giữ vững nguyên tắc, càng phải tôn trọng quy luật khách quan, càng phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, chủ động giải quyết đồng bộ, thống nhất và hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận từ thực tiễn Việt Nam và phù hợp xu thế phát triển của thế giới. “Đây là vấn đề có tính nguyên tắc trong công cuộc đổi mới. Nó đòi hỏi giữ vững ý chí, không ngả nghiêng trong bất kỳ hoàn cảnh nào; đồng thời, không sa vào bảo thủ, cứng nhắc, giáo điều, cơ hội, càng không cực đoan, chủ quan, duy ý chí”, TS. Nhị Lê nói.

Cũng theo TS. Nhị Lê, trong khi kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc, mang ý nghĩa sống còn, nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đường lối đổi mới; những nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng phải luôn luôn đổi mới, phát triển sáng tạo một cách phù hợp với thực tiễn. Đó là phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Kiên định mà không phát triển sáng tạo thì không thể thành công, vô hình trung cô lập hóa sự kiên định, tước đi sức sống vốn có của sự kiên định. Nếu rơi vào vô nguyên tắc càng rất dễ rơi vào chủ nghĩa xét lại, “đổi màu”, thậm chí chệch hướng và không thể cứu vãn được. Vì vậy, kiên định phải gắn liền và song hành với vận dụng, phát triển sáng tạo; vận dụng và phát triển sáng tạo phải gắn chặt và đứng vững trên nền móng kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thế giới. 

Do đó, để nắm lấy tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhất định càng phải nắm vững thực tiễn cách mạng và thực tiễn phát triển khoa học, phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sức mạnh của Nhân dân. Đó chính là kiên định và phát triển sáng tạo. Điều hết sức quan trọng này cũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định, đó là “phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin; đồng thời, cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, mang hơi thở của thời đại”, TS. Nhị Lê cho biết.

Mục đích của chúng ta, trách nhiệm của chúng ta là phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương mạnh, một Bộ Chính trị mạnh, một Ban Bí thư mạnh, thật sự đoàn kết, thống nhất cao xung quanh người đứng đầu để đủ sức gánh vác trọng trách vinh quang nhưng rất nặng nề của mình là lãnh đạo hoàn thành sứ mạng lịch sử, nhiệm vụ chính trị của mình, tổ chức toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ra sức phấn đấu, vượt mọi khó khăn, gian khổ, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; đất nước ta ngày càng phát triển; Nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với niềm tin yêu và sự mong đợi của toàn Đảng, toàn dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

“Vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc”
~~~~~

Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới và sau hơn 25 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 Khóa VIII về chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp ở nước ta đã có bước trưởng thành, phát triển nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Như đúc kết của Người đứng đầu Đảng ta, đó là: Sự trưởng thành, lớn mạnh và phát triển của đội ngũ cán bộ trong mấy chục năm qua là nhân tố hàng đầu quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Song, những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Vì thế, để giải quyết những vấn đề trọng đại của đất nước trong thời gian tới, một trong những công việc vô cùng quan trọng, là Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương phải chuẩn bị thật tốt để trình Đại hội thảo luận và quyết định nhân sự Trung ương Khóa XIV, bảo đảm thành công của Đại hội và thắng lợi trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội. Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm sâu sắc, chính đáng của toàn Đảng, toàn dân.

Đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, Nhân dân lên trên hết, trước hết
Nguồn: Báo Lao động

“Gần như đi đến đâu, ở chỗ nào, cũng thấy cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỏ ra quan tâm theo dõi và có phần băn khoăn, lo lắng, đặt câu hỏi: Đảng ta sắp tới dự định lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo (Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là cán bộ chủ chốt) thế nào để đủ sức gánh vác nhiệm vụ cách mạng to lớn mà lịch sử giao phó? Các phần tử xấu, cơ hội, thù địch cũng nhân dịp này tìm mọi cách xuyên tạc, tung tin, tác động, chia rẽ nội bộ ta hòng phá hoại công tác nhân sự nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung của chúng ta, rất thâm độc và nguy hiểm”.

Chỉ rõ bối cảnh tình hình nêu trên, Tổng Bí thư lưu ý: Công tác nhân sự Đại hội là vô cùng quan trọng nhưng cũng hết sức phức tạp, khó khăn, nặng nề, đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả hệ thống chính trị phải làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, với quyết tâm, nỗ lực rất lớn, có cách làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của Nhân dân lên trên hết, trước hết.

Để chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng, theo Tổng Bí thư, vấn đề quan trọng hàng đầu là “phải xác định đúng yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương mà hạt nhân là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng”. Trong đó, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh: Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIV phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất cao ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có tầm nhìn chiến lược; có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với Nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIV cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tăng cường số lượng Ủy viên Trung ương Đảng ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác trọng yếu. Bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển liên tục. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIV phải thật sự là những đồng chí tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ. Nói cách khác, đây phải là những đồng chí “vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc”, Tổng Bí thư chỉ rõ.

Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ban Chấp hành Trung ương mà là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị và các địa phương. Khẳng định điều này, Tổng Bí thư đề nghị: Phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp để góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu và ở những nơi có cán bộ tham gia quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIV phải chịu trách nhiệm trước Tiểu ban Nhân sự, trước Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về nhân sự do mình đề xuất, giới thiệu. Các cơ quan, tổ chức có liên quan, mà trước hết là Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, phải dày công chuẩn bị, phải xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ "then chốt" của "then chốt", có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ, sự phát triển, vững mạnh của đất nước. Từng cơ quan, địa phương, từng cán bộ trực tiếp tham gia vào công tác chuẩn bị phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của mình, toàn tâm, toàn ý lo cho công việc chung, phải đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của Nhân dân lên trên hết, trước hết...

Đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, Nhân dân lên trên hết, trước hết -0
Ảnh minh họa

Thông qua các văn kiện và công tác nhân sự là hai nội dung có liên quan chặt chẽ với nhau, đều đòi hỏi phải được chuẩn bị thật tốt, đặc biệt là việc chuẩn bị nhân sự Đại hội có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm cho thành công của Đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đại hội. 

Những định hướng, yêu cầu, phương châm, nội dung, hệ quan điểm chỉ đạo, phương pháp, cách thức tiến hành sáng rõ mà Người đứng đầu Đảng ta lưu ý trong các phát biểu chỉ đạo tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV chính là cơ sở, "kim chỉ nam" để các Tiểu ban nghiên cứu, tiếp tục triển khai các công việc theo chương trình, kế hoạch đã đề ra.  

Bám sát và thực hiện đầy đủ các định hướng, yêu cầu đó là tiền đề và nhân tố bảo đảm chắc chắn rằng, Đại hội XIV sẽ tiếp tục là một dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của đất nước và dân tộc, có ý nghĩa định hướng tương lai; khích lệ, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định đây là sự lựa chọn đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xây dựng một nước Việt Nam "giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc", vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Lam Giang
Duy Thông trình bày