Triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng

Quy định cụ thể về đối tượng “lao động tự do”

- Thứ Tư, 08/04/2020, 08:30 - Chia sẻ
Theo Báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (gọi tắt là Báo cáo của Chính phủ), một trong 6 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ là “người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và mất việc làm”. Điều này đang gây sự băn khoăn trong cách hiểu. Vậy cụ thể nhóm đối tượng này là ai? Cách nào để xác định?

Bán vé số, xe ôm… không thuộc diện hỗ trợ?!

Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB - XH) Phạm Minh Huân nhìn nhận, việc đưa nhóm đối tượng lao động tự do (không có giao kết hợp đồng lao động - lao động không chính thức) vào diện hưởng chính sách hỗ trợ lần này là rất cần thiết và kịp thời, bảo đảm “không ai bị bỏ lại phía sau”. Bởi lẽ, nhóm đối tượng này vốn dĩ đã rất khó khăn do công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh như người bán vé số, bán hàng rong, bán trà đá vỉa hè… Giờ, do tác động của dịch Covid-19, thực hiện cách ly xã hội, họ bị mất việc sẽ càng khó khăn hơn vì không có thu nhập.


Cần quy định chi tiết đối tượng lao động tự do được hưởng hỗ trợ

Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến lại tỏ ý băn khoăn với quy định về đối tượng được hỗ trợ này. Ông phân tích, đối chiếu với quy định về đối tượng được hỗ trợ trong Báo cáo của Chính phủ thì trước tiên, họ phải là “người lao động” và “không có giao kết hợp đồng lao động và mất việc làm”. Theo quy định của Bộ luật Lao động, người lao động “là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động”; việc giao kết hợp đồng lao động thể hiện dưới nhiều hình thức như bằng văn bản hoặc bằng miệng.

Như vậy, “ở đây có thể hiểu rằng, để được hưởng hỗ trợ, đối tượng phải làm việc cho một người chủ sử dụng lao động nhưng không có hợp đồng lao động bằng văn bản. Chẳng hạn, một người mở cửa hàng sửa chữa xe máy ở Hà Nội và gọi 5 - 7 anh em họ hàng vào làm cùng, không có hợp đồng bằng văn bản nhưng mỗi ngày vẫn làm khoảng 8 - 10 tiếng và nhận lương hàng tháng thì thuộc đối tượng được hỗ trợ. Còn đối với những người tự phát kinh doanh, không làm cho một chủ sử dụng lao động nào như người bán xôi, bán trà đá, bán vé số, chạy xe ôm... sẽ không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Báo cáo của Chính phủ, trong khi họ hoàn toàn xứng đáng”, ông Tiến nói.

Từ đó, vị chuyên gia này cho rằng, vấn đề kỹ thuật câu từ trong Báo cáo của Chính phủ chưa thật rõ ràng khi quy định đối tượng hỗ trợ là “người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và mất việc làm”. Do vậy, các bộ, ngành liên quan như Bộ LĐ, TB - XH, Bộ Tài chính... cần giải thích rõ, quy định chi tiết, cụ thể, liệt kê đối tượng được thụ hưởng chính sách này, tránh bỏ sót đối tượng.

Phối hợp cơ quan thuế, bảo hiểm để xác định đối tượng

Theo các chuyên gia, để xác định được đối tượng lao động tự do hưởng chính sách hỗ trợ lần này không đơn giản. Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ, TB - XH Phạm Minh Huân thừa nhận, nhóm lao động này thường di chuyển không cố định. Họ có hộ khẩu một nơi, đi làm một nơi, thậm chí không ở ngay tại chỗ làm, không đăng ký tạm trú nên rất khó xác định đối tượng để hỗ trợ. Do vậy, “hơn lúc nào hết, vai trò của chính quyền cơ sở vô cùng quan trọng”, ông Huân nhấn mạnh.

Theo ông Huân, cần xác định nhóm đối tượng này dựa trên gốc ở hộ khẩu, tức chính quyền địa phương nơi người đó đăng ký hộ khẩu sẽ làm công tác thống kê, rà soát mức sống cụ thể của họ và gia đình thế nào? Do nguồn lực có hạn, việc hỗ trợ cũng cần chọn lựa đối tượng chứ không thể cào bằng tất cả những người làm nghề tự do với nhau. Bởi có những người bán vé số, chạy xe ôm… là công việc chính, nhưng có nhiều người khác chỉ tranh thủ lúc nông nhàn ra thành phố làm công việc đó để có thêm thu nhập. “Việc xác định nhóm đối tượng này khó nhất và sẽ cần nhiều thời gian hơn. Vì thế, có thể chấp nhận hỗ trợ chậm hơn các đối tượng còn lại để bảo đảm đúng và trúng, không bỏ sót”, ông Huân lưu ý.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông Nguyễn Quang Đồng đề xuất có thể tính toán bằng phương pháp loại trừ kết hợp xác minh ở địa phương để xác định nhóm đối tượng này. Theo đó, sử dụng dữ liệu từ ngành thuế và bảo hiểm xã hội để loại trừ nhóm đối tượng các hộ gia đình có chủ hộ là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cá thể (có nộp thuế môn bài hàng năm cho hộ kinh doanh) và nhóm lao động chính thức (đã được đóng bảo hiểm xã hội). Sau đó, cơ quan chức năng xác định được nhóm phi chính thức và các hộ làm nông nghiệp. Để hỗ trợ tính chính xác hơn, khi giao về cho địa phương thực hiện, các phòng LĐ, TB - XH, thôn xóm (tổ dân phố) lập danh sách và xác minh.

Luật sư Hà Huy Từ, Giám đốc Công ty Luật Hà Huy kiến nghị nên có tiêu chí cụ thể về đối tượng lao động tự do được hưởng hỗ trợ. Bên cạnh chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt cần có những chính sách hỗ trợ kèm theo. Chẳng hạn, với nhóm đối tượng không có nơi ăn chốn ở, Nhà nước nên xem xét cho họ được tạm thời vào ở trong các trung tâm bảo trợ xã hội để tránh những vấn đề về an ninh trật tự.

Theo các chuyên gia, trong tình huống đặc biệt này nên có giải pháp đặc biệt, tức chính sách hỗ trợ cần nhanh chóng, thủ tục đơn giản. Thêm vào đó, vấn đề trách nhiệm trong việc xác minh, lập danh sách đối tượng hỗ trợ cần cụ thể hóa với người đứng đầu từ cấp xã, phường để tránh tình trạng lạm dụng, trục lợi. Nói như nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ, TB - XH Phạm Minh Huân, “các địa phương cần xác định việc hỗ trợ cho các nhóm đối tượng nói chung, nhóm lao động tự do nói riêng cũng quan trọng như việc chống dịch thì chính sách hỗ trợ mới đạt hiệu quả”.

Đan Thanh