Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

Quy định rõ để tránh cảm tính khi thực hiện

- Thứ Sáu, 12/06/2020, 10:36 - Chia sẻ
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện rất nhiều trong thời gian qua, song một số nội dung liên quan đến loại hình thiên tai mới, Quỹ Phòng, chống thiên tai... theo đánh giá của các ĐBQH vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Các đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể và chặt chẽ các nội dung này nhằm bảo đảm hiệu quả, tránh cảm tính khi thực hiện.

Sạt lở, sụt lún đất do hạn hán là hiện tượng thiên tai

Từ thực tế của địa phương, ĐBQH Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cho rằng, việc bổ sung hiện tượng thiên tai là sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy là đúng nhưng chưa đủ. Thực tế được chỉ ra là trong mùa khô năm 2015 - 2016 hiện tượng sạt lở, sụt lún đất diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng tại các vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau. Hiện tượng này còn diễn biến phức tạp hơn trong mùa khô năm 2019 - 2020 và các vị trí sạt lở, sụt lún đất hầu như là sụt lún tan nát, gây chia cắt các vùng, ảnh hưởng đến giao thông đi lại, cũng như đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sụt lún do hạn hán gây ra cũng là một nguy cơ đe dọa đến tính mạng những người dân sinh sống ở đây. Nhấn mạnh điều này, ĐB Trương Thị Yến Linh kiến nghị cần bổ sung quy định sạt lở, sụt lún đất do hạn hán là một hiện tượng thiên tai.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) phát biểu tại hội trường.
Ảnh: Quang Khánh

Dẫn nhận định của các chuyên gia, ĐB Trương Thị Yến Linh cho biết, tại các khu vực sản xuất theo hình thức nước ngọt, tình trạng hạn hán khiến nước trên sông, hồ, kênh, rạch bị khô cạn, làm mất phản áp nước, thiếu nước, đất sẽ bị co ngót, tạo độ rỗng trong đất là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sạt lở, sụt lún đất. Các bộ, ngành liên quan cũng đều đã có ý kiến xác nhận tình trạng sạt lở, sụt lún đất xảy ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau là hệ quả của thiên tai, hạn hán. Với việc bổ sung hiện tượng sụt lún do hạn hán vào các loại hình thiên tai, ĐB Trương Thị Yến Linh cho biết, tỉnh Cà Mau sẽ sớm có các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai trong thời gian tới, đồng thời tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, khắc phục do thiên tai gây ra.

Bên cạnh việc cần tiếp tục phải rà soát kỹ lưỡng để kịp thời bổ sung các hiện tượng thiên tai mới, đáp ứng đòi hỏi của thực tế, một số ĐBQH cũng  chưa đồng tình với một số hiện tượng được bổ sung vào dự thảo Luật lần này. Theo ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), cử tri miền núi rất băn khoăn khi dự thảo Luật bổ sung sương mù là một loại hình thiên tai, vì đây là hiện tượng thời tiết bình thường ở miền núi. Tại các vùng miền núi, vùng cao, người dân sống quen với loại hình này nên nếu quy định như vậy có thể sẽ không phù hợp với một số vùng. Sương mù chỉ là chuyện đột biến đối với đồng bằng và đô thị còn với miền núi là chuyện bình thường. ĐB Nguyễn Lâm Thành cũng chỉ rõ, các quy định về biện pháp phòng, chống sương mù trong dự thảo Luật, chưa rõ và khó khả thi. Theo ông, biện pháp thực hiện có chăng chỉ đưa ra những thông tin cảnh báo giao thông liên quan.

Đã bổ sung nhưng chưa chặt chẽ

Quy định về Quỹ phòng, chống thiên tai cũng nhận được sự quan tâm của các ĐBQH trong phiên thảo luận. Theo ĐBQH Trần Văn Huynh (Kiên Giang), dự thảo Luật đã có những sửa đổi, bổ sung liên quan đến Quỹ này nhưng vẫn chưa chặt chẽ. Thực tế đang có hiện tượng thu, sử dụng quỹ còn mang tính cục bộ, phiến diện và chưa có cơ chế nào để kiểm soát chặt chẽ vấn đề này. Do chưa có chế tài nào áp dụng bắt buộc phải thu quỹ, khiến tình trạng các doanh nghiệp nhìn nhau mà nộp, có những doanh nghiệp không nộp quỹ cũng không bị xử lý.

Vừa qua, việc sử dụng Quỹ không khả thi, mức độ hiệu quả chưa cao khiến doanh nghiệp và người dân hoài nghi và đặt câu hỏi số tiền này như thế nào. Các địa phương cũng chưa thực hiện tốt việc công khai thông tin sử dụng quỹ theo Nghị định số 94 năm 2014 của Chính phủ. Hiện nay, số địa phương công khai việc sử dụng quỹ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy dự thảo Luật đã bổ sung các nguyên tắc sử dụng quỹ nhưng cũng chưa làm rõ cơ chế quản lý và hình thức xử lý đối với các trường hợp sử dụng quỹ không đúng với các nguyên tắc và mục tiêu đã đề ra. Nếu quy định không rõ ràng sẽ dễ dẫn đến chồng chéo trong việc áp dụng. Nhấn mạnh điều này, ĐB Trần Văn Huynh cũng nêu dẫn chứng, dự thảo Luật chưa quy định rõ về nguồn thu và cơ chế sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương để tránh trùng lặp với các nguồn tài trợ, hỗ trợ quốc tế quy định trong Luật Ngân sách nhà nước. Cùng với đó là vấn đề điều chuyển giữa quỹ Trung ương và địa phương cũng cần phải được minh bạch bằng việc bổ sung cơ chế điều chuyển định kỳ và đột xuất để bảo đảm phù hợp, tránh thực hiện cảm tính.

ĐBQH Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) cũng chỉ ra tình trạng sử dụng nguồn lực của quỹ hiện còn bất cập, tồn dư quỹ nhiều. Quỹ thu được nhưng nhiều nơi không chi, có nơi chi rất ít hoặc do mức chi giới hạn nên chỉ chi được một phần nhỏ, trong khi đó ngân sách nhà nước bố trí cho công tác phòng, chống thiên tai tương đối thấp so với yêu cầu. Nói cách khác, so với chức năng của Quỹ, việc sử dụng chưa hiệu quả, không mang lại tác dụng như kỳ vọng. Những vấn đề này, theo ĐB Huỳnh Cao Nhất, cần khắc phục tại văn bản hướng dẫn của Chính phủ, nhất là trong quy định về quy chế thu, chi để bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời và hiệu quả.

Lê Bình