Tản mạn

Quyền sống

- Thứ Bảy, 20/04/2019, 08:39 - Chia sẻ

Trong danh sách “100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới” của Time năm nay, bên cạnh các nghệ sĩ hay chính khách nổi tiếng, tôi chú ý đến một phụ nữ. Trước hết bởi người viết về bà là Leonardo DiCaprio, một ngôi sao hàng đầu Hollywood, đồng thời cũng là một nhà hoạt động vì môi trường rất tích cực trong nhiều năm qua; sau đó là vì gương mặt phúc hậu của bà từng xuất hiện trong vài bộ phim tài liệu về môi trường mà tôi đã xem. 

Jane Goodall năm nay đã 85 tuổi và được Time xếp trong nhóm “Leader” - tức những chính khách hoặc nhà lãnh đạo có nhiều ảnh hưởng hoặc để lại di sản quan trọng hoặc làm thay đổi nhận thức cho nhiều người khác. Người phụ nữ nhỏ bé gốc London này đã dành tới 60 năm cuộc đời mình sống trong những cánh rừng ở Tanzania để nghiên cứu và bảo vệ loài tinh tinh. Bà cũng là tác giả của những cuốn sách, đạo diễn, biên kịch hay nhân vật của các bộ phim tài liệu, trong đó nổi bật là bộ phim tài liệu chân dung Jane nói về những nghiên cứu khoa học của bà về loài tinh tinh. Bộ phim này đã đoạt 2 giải Emmy và hàng loạt giải thưởng khác.

Và đây là phần Leonardo DiCaprio viết về bà trên Time: “Tôi ngưỡng mộ Jane Goodall từ lâu (...), một trong những nhà lãnh đạo quan trọng và có ảnh hưởng nhất trên hành tinh. Jane đã chọn đến Tanzania ở tuổi 26 để nghiên cứu về tinh tinh, và nghiên cứu mà bà thực hiện ở đó, trong khu rừng rậm ở bờ đông hồ Tanganyika, cuối cùng đã thay đổi khoa học hành vi. Kể từ đó, bà đã cam kết bảo vệ môi trường của mình. Ngay cả bây giờ, ở tuổi 85, Jane dành gần như mỗi ngày để truyền bá sự lạc quan và nâng cao nhận thức trên toàn thế giới. Đây là một thông điệp mạnh mẽ để bảo vệ các quyền vốn có của mọi sinh vật sống, mang lại hy vọng cho các thế hệ tương lai và đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp chống lại mối đe dọa môi trường lớn nhất của biến đổi khí hậu. Bất cứ ai đã nghe bà nói, hoặc nghe câu chuyện của Jane, đều bị mê hoặc bởi cuộc sống và những di sản từ thiện của bà...”.

Đọc bài giới thiệu của Leo về Jane, tự nhiên nhớ đến ông Tây Tilo ở rừng Cúc Phương mà tôi từng gặp trong chuyến đi học lớp nghiệp vụ bảo vệ môi trường do WWF tổ chức hơn 16 năm trước. Tilo là chuyên gia về động vật hoang dã người Đức, làm việc ở vườn thú Frankfurt. Sang Việt Nam từ năm 1991 để thăm một người bạn Ba Lan làm việc ở rừng Cúc Phương, Tilo đã khám phá ra loại vượn mông trắng (hay còn gọi dân dã là Vooc quần đùi trắng), một trong những loài linh trưởng quý hiếm nhất thế giới và chỉ phát hiện ở Việt Nam. Nhưng tại Việt Nam, chúng bị săn bắn một cách dã man. Hai con vượn mông trắng đầu tiên mà Tilo tìm thấy là ở... chợ bán động vật hoang dã với đôi chân bị dập nát do dính bẫy. Tilo đã lập tức bỏ tiền mua chúng và mang về vườn thú cứu hộ. Ông cũng xây dựng đề án Trung tâm cứu hộ vượn mông trắng ở Cúc Phương.

Tilo đến Việt Nam năm 1991, thời điểm tôi đến Cúc Phương là năm 2003, Trung tâm cứu hộ của ông đã có vài chục cá thể voọc mông trắng cùng một số loài linh trưởng khác. Hàng ngày, Tilo cùng một phụ nữ Việt Nam tên Hiền vừa chăm lo bữa ăn cho chúng, vừa tiếp tục tìm kiếm và cho nhân giống đàn voọc mông trắng. Đấy là câu chuyện của vài năm trước, thời chúng tôi đến đây, Tilo và Hiền đã là cặp vợ chồng dù tuổi đời của họ cách nhau tới 31 năm. Dự án của Tilo ban đầu chỉ dự định 15 năm, nhưng nghe nói ông đã đề xuất kéo dài 50 năm để bảo vệ và phát triển đàn linh trưởng này. Đã 16 năm trôi qua từ ngày tôi đến ở trong rừng Cúc Phương, không biết giờ đàn linh trưởng mông trắng của Tilo và Hiền đã lên đến bao nhiêu con rồi.

Những người dành cả cuộc đời để nghiên cứu, bảo vệ và nâng cao nhận thức về môi trường và động vật hoang dã như Jane Goodwall, như Tilo thật đáng trân trọng. Bởi với họ, hơn cả việc nghiên cứu hay bảo vệ động vật hoang dã trước nguy cơ bị tuyệt chủng, mà đó còn là những hành động để “bảo vệ các quyền vốn có của mọi sinh vật sống”.

Lê Hồng Lâm