RCEP thêm một lần lỗi hẹn

- Thứ Ba, 05/11/2019, 12:26 - Chia sẻ
Không ngoài dự đoán, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), vốn được Trung Quốc kỳ vọng sẽ bù đắp cho những ảnh hưởng từ thương chiến với Mỹ, thêm một lần lỗi hẹn trong Năm Chủ tịch ASEAN của Thái Lan sau khi Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 35 kết thúc mà các bên chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Theo Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo ASEAN, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ được lùi sang năm 2020, năm Việt Nam đảm đương chiếc ghế Chủ tịch luân phiên. “Nhiều cuộc đàm phán tiếp cận thị trường đã hoàn thành. Chỉ còn một số vấn đề song phương sẽ được giải quyết trước tháng 2.2020”, Tuyên bố chung cho biết. Tuyên bố khẳng định các nội dung của 20 chương RCEP đã được các nước tham gia đàm phán thống nhất, ngoại trừ Ấn Độ.

Trong khuôn khổ các hội nghị cấp cao tại Bangkok, phái đoàn Ấn Độ đã phản đối một số nội dung thỏa thuận qua đó chấm dứt hy vọng RCEP được ký kết trong năm nay. Chính quyền New Delhi lo ngại các doanh nghiệp nhỏ tại nước này sẽ bị bóp nghẹt bởi hàng giá rẻ từ Trung Quốc. Thủ tướng Narendra Modi cũng lặp lại mối lo ngại trong các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo ASEAN ngày 3.11.


Toàn cảnh Hội nghị Cấp bộ trưởng về RCEP tại Trung tâm Hội nghị IMPACT Muangthong Thani, tỉnh Nontha Buri, Thái Lan

Lợi ích cho các thị trường mới nổi

Được khởi động năm 2012, RCEP hướng tới mục tiêu hình thành quan hệ đối tác toàn diện giữa 10 thành viên ASEAN và 6 đối tác đối thoại, gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP (hiện được đổi tên là CPTPP), RCEP được cho là giải pháp thay thế tốt nhất nhằm mang lại sự liên kết về thương mại giữa các quốc gia trong khu vực. Nếu các cuộc đàm phán diễn ra thành công, RCEP sẽ bao trùm khối thương mại chiếm 50% dân số thế giới và 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, hứa hẹn mang lại những cơ hội lớn cho các thành viên, nhất là những thị trường mới nổi như Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam.

Đầu tiên, các nền kinh tế này phụ thuộc lớn vào các ngành chi phí sản xuất thấp, đặc biệt là dệt may. Khi tham gia RCEP, các doanh nghiệp xuất khẩu ở những nước này có thể tiếp cận sâu rộng hơn các thị trường tiêu dùng giàu có Australia, New Zealand và Trung Quốc.

Lợi ích thứ hai đến từ sự linh hoạt trong RCEP. Hiệp định này được thiết kế theo cách bảo vệ các quốc gia kém phát triển, cho phép các nước này không phải giảm thuế đối với hàng hóa có đăng ký sở hữu trí tuệ, bản quyền và bằng sáng chế và các hàng hóa khác nhiều như các nước phát triển hơn trong Hiệp định. Khác với CPTPP, RCEP cũng không yêu cầu các nước thành viên tuân thủ các điều khoản về bảo vệ quyền lao động, nâng cao tiêu chí về môi trường. Đây là một chi tiết rất có lợi cho các nước chưa phát triển.

Lợi ích thứ ba là củng cố mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Họ có thể thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nhà đầu tư giàu có đang chờ đợi cơ hội mới ở nước ngoài mà chưa được khai thác, đặc biệt sau khi Mỹ rời khỏi vị trí dẫn dắt CPTPP.

Sự do dự của Ấn Độ

Tuy nhiên, cũng giống như CPTPP, đàm phán RCEP gặp phải nhiều trở ngại, trong đó bất đồng lớn nhất là vấn đề thuế quan. Các nước phát triển như Nhật Bản, Australia và New Zealand hướng tới mức độ tự do hóa thị trường cao gần với mức CPTPP dự kiến đạt được, tức là giảm thuế xuống gần mức 0%. Tuy nhiên, những quốc gia có nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ phải đối mặt với sự phản đối từ trong nước. Vì nếu thuế nhập khẩu thấp, các doanh nghiệp sản xuất khó cạnh tranh được với những đối thủ mạnh, có bề dầy hoạt động ở các nước phát triển. Do đó, New Dehli cho rằng, việc hướng tới mức độ tự do hóa cao như CPTPP là không thực tế.

Những khác biệt trong đàm phán về sở hữu trí tuệ cũng đang tạo ra rào cản lớn để RCEP có thể đến đích. Theo quan điểm của Nhật Bản và Hàn Quốc, phải có thời gian 8 năm bảo hộ để phát triển dữ liệu dược phẩm như CPTPP đề ra. Thế nhưng, đa số dược phẩm bán ở các nước mới nổi, trong đó có Ấn Độ, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn, nhờ đó thường có giá rẻ. Nếu thời gian bảo hộ dược phẩm lâu như vậy thì có thể khiến việc phát triển thuốc chậm trễ, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tổ chức Bác sĩ không biên giới cho rằng, Ấn Độ nên từ chối tất cả đề xuất dự thảo điều khoản sở hữu trí tuệ làm giảm khả năng tiếp cận thuốc của người bệnh và cố gắng đàm phán để quy định cuối cùng về bản quyền phù hợp với các cam kết y tế công cộng toàn cầu có liên quan, đặc biệt là Tuyên bố Doha về Y tế công cộng.

Ngoài ra, giới quan sát cho rằng, những quan điểm trái ngược trong đàm phán đã dẫn tới cuộc ganh đua giữa một bên là Nhật Bản, Australia và bên kia là Trung Quốc trong việc tạo ra một thỏa thuận có khả năng kiến tạo khuôn mẫu thương mại toàn cầu, hội nhập kinh tế tại khu vực đông dân nhất thế giới.

Theo các nhà quan sát, mặc dù đứng về phương diện chính trị, RCEP dường như là nơi tụ hội tốt nhất cho tự do thương mại, nhưng trên thực tế điều này rất khó đạt được vì thành phần, mục đích tham gia của các nước quá khác nhau. Đó là những lý do mà 6 năm trôi qua kể từ khi bắt đầu đàm phán RCEP, trải qua 9 cuộc họp cấp bộ trưởng và gần 30 vòng đàm phán, RCEP một lần nữa bị lỡ hẹn.

Quỳnh Vũ