Hội thảo Giáo dục năm 2019: Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập Quốc tế

Rõ bức tranh tổng thể, tìm giải pháp đột phá

- Thứ Bảy, 21/09/2019, 09:12 - Chia sẻ
Qua 4 phiên thảo luận, các diễn giả và đại biểu tham dự Hội thảo Giáo dục 2019 đã tranh luận, phản biện thẳng thắn, đầy tâm huyết và trách nhiệm, đóng góp những ý tưởng, giải pháp thiết thực nhằm phát triển, nâng cao chất lượng GDNN nước ta trong tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế hiện nay.

Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh: Phải tự mình thay đổi thay vì ngồi chờ chính sách

Các nội dung đưa ra thảo luận tại VEC 2019 cho cả hệ thống giáo dục nói chung, và hệ thống GDNN nói riêng: về thể chế chính sách - soi đường cho tất cả các hoạt động của giáo dục; bảo đảm chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu của xã hội, doanh nghiệp; mối quan hệ với doanh nghiệp - những người sử dụng lao động. Đây là các chủ đề rất nóng. Có thể nói, hội thảo đã làm rõ bức tranh tổng thể, từ đó định hướng GDNN. Một hội thảo lớn về giáo dục đưa ra các vấn đề như vậy rất có ý nghĩa cho phát triển giáo dục và GDNN trong thời gian tới.

Qua các ý kiến được đưa ra, đúng là hoạt động GDNN còn có nhiều vướng mắc, nhưng tôi cũng thấy phụ thuộc vào chủ trương, cách làm của từng trường. Như Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội hiện nay 100% sinh viên có việc làm, nhiều doanh nghiệp đặt hàng độc quyền do bảo đảm được chất lượng đào tạo. Chính sách chưa hoàn thiện thì trường phải từng bước thay đổi mình cho phù hợp, không thể ngồi chờ; để tăng cường mối quan hệ với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo phải chủ động, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thì doanh nghiệp tự tìm đến, đặt hàng. Các nội dung này đều có sự ràng buộc, gắn bó với nhau.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, đào tạo nghề hiện nay đang gặp nhiều khó khăn về công tác tuyển sinh. Không chỉ thiếu về số lượng mà còn bất cập về chất lượng đầu vào do hầu hết các em vào học nghề là sự lựa chọn cuối, trong khi yêu cầu đầu ra yêu cầu cao đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ. Do đó, điều chỉnh cơ cấu trình độ hợp lý trong lực lượng lao động, tạo cơ hội học tập, cơ hội việc làm, cơ hội thăng tiến trong tương lai để tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về tầm quan trọng của GDNN đối với toàn xã hội. Đồng thời, thành lập các Trung tâm STEM, trải nghiệm sáng tạo và định hướng nghề nghiệp trong các cơ sở đào tạo nghề để cho học sinh THPT được học thử nghề, trải nghiệm thực tế các ngành nghề khác nhau trước khi quyết định lựa chọn nghề nghiệp - giải pháp phân luồng có hiệu quả nhất hiện nay.

Bà Vi Thị Hồng Minh, Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam: Cần chính sách để nhà trường “gặp” doanh nghiệp

Thời gian qua, cơ quan nhà nước đã xây dựng nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Tuy nhiên, một số chính sách chưa đến với doanh nghiệp, có thể là doanh nghiệp chưa nắm được chính sách, hoặc chính sách chưa đi vào thực tế... Nhưng khó khăn không chỉ từ chính sách, bản thân doanh nghiệp cũng chưa nhận thức đầy đủ là họ cần lao động thì phải chia sẻ trách nhiệm với cơ sở GDNN.

Trước thực tế ấy, hội thảo đã chọn bàn luận về gắn kết doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề, coi đây là 1 trong 3 trụ cột để đổi mới GDNN hiện nay. Qua thảo luận, tôi rất chia sẻ với các ý kiến từ phía nhà trường - đơn vị đào tạo ra lao động với mong muốn học sinh ra trường đáp ứng được nhu cầu, được doanh nghiệp tuyển dụng. Nhưng bất cập là giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa “gặp” nhau. Trong đó, doanh nghiệp còn ngại ngùng gắn kết với cơ sở giáo dục, bởi trong quá khứ có chuyện xảy ra, là khi nghĩ đến học sinh trường nghề, nhiều doanh nghiệp cho rằng các em chưa đáp ứng nhu cầu, và nếu cần thì họ tuyển dụng lao động rồi tự đào tạo. Vì vậy, câu chuyện lại quay trở về là cần có chính sách cụ thể, có thể thực thi để nhà trường và doanh nghiệp đến gần nhau hơn.

Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Hồng Minh: Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp mới

Chúng tôi phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tổ chức hội thảo với mong muốn tìm kiếm những ý tưởng, giải pháp mới để phát triển GDNN. Vì thời gian có hạn, hội nghị tập trung vào 3 điểm chính. Về thể chế chính sách, có nhiều ý kiến, như phải có chính sách với nhà giáo, với người học, với doanh nghiệp; đổi mới trong tự chủ với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có tự chủ về tài chính, nhân sự, tổ chức bộ máy, học thuật và chuyên môn nghiệp vụ...

Gắn đào tạo với doanh nghiệp là vấn đề quan trọng nâng cao chất lượng GDNN. Hiện nay, chương trình Mục tiêu quốc gia, nguồn vốn ODA cũng như đầu tư xã hội vào các trường vẫn rất hạn chế. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế đầu tư cho hệ thống GDNN, và trước mắt cần phải làm ngay là có cơ chế chính sách làm sao gắn cơ sở đào tạo với doanh nghiệp. Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, cũng như công tác kiểm định đánh giá...

Thời gian vừa qua, chúng tôi đã tìm kiếm nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó có một bộ phận, giải pháp tạo sự đột phá, mang tính dẫn dắt cho các cơ sở GDNN nâng cao chất lượng đào tạo, đó là chuyển giao bộ chương trình từ nước ngoài một cách đồng bộ từ chuẩn đầu ra, kiến thức kỹ năng, phương pháp, chương trình, giáo trình đào tạo và chuẩn cơ sở vật chất thiết bị, chuẩn giáo viên... Từ đó, đào tạo thành công công nghệ, tiếp cận chuẩn và cấp văn bằng chứng chỉ theo chuẩn của các nước tiên tiến... tạo thành động lực áp dụng trong toàn hệ thống, nâng cao chất lượng trong GDNN. 

Ngọc Phương ghi