Siết chặt cơ chế chia sẻ rủi ro

- Thứ Ba, 12/11/2019, 07:44 - Chia sẻ
Cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu trong dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là nội dung được các ĐBQH dành sự quan tâm đặc biệt trong phiên thảo luận tổ sáng 11.11. Liệu quy định của dự luật có phải là “thắng thì nhà đầu tư có lợi ích, thua thì Nhà nước sẽ chia sẻ rủi ro”? Và nếu như vậy, liệu có tái diễn câu chuyện nở rộ dự án? Nếu doanh nghiệp vay của tổ chức tín dụng để đầu tư theo hình thức PPP mà không thu được lợi nhuận thì nợ đó sẽ lại thành nợ xấu. Cho nên, cần siết thật chặt cơ chế chia sẻ rủi ro, để nhà đầu tư và Nhà nước đều phải cân nhắc kỹ khi đầu tư và tiến hành ký kết hợp đồng PPP.

ĐBQH Giàng A Chu (Yên Bái): Bảo đảm thông thoáng trong quá trình thực hiện


Ảnh: Q. Khánh

Về nguồn vốn đầu tư, cơ quan soạn thảo đưa ra hai phương án: một là để ở quỹ và phương án thứ hai là không để ở quỹ mà thành lập dòng ngân sách riêng, nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn. Tôi đồng tình với Báo cáo thẩm tra là nguồn vốn đầu tư cho các dự án PPP không để ở quỹ, vì hiện nay chúng ta có nhiều quỹ rồi mà không kiểm soát được. Nếu dự án Luật Đầu tư theo hình thức PPP được thông qua thì dự kiến các dự án PPP sẽ có quy mô rất lớn. Nguồn vốn lớn thì để quỹ cũng không phù hợp. Vì vậy, tôi nhất trí với phương án không để ở quỹ mà sẽ hình thành một dòng ngân sách và theo dõi theo kế hoạch đầu tư trung hạn. Tuy nhiên, chúng ta cũng có Luật Đầu tư công quy định kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn. Do đó, dự luật cần quy định rõ nhằm bảo đảm theo hướng mở và thông thoáng hơn với các dự án PPP, nếu không sẽ xảy ra tình trạng thủ tục đầy đủ hết rồi, nguồn vốn đã rõ rồi, nhà đầu tư và các bên đã thỏa thuận xong hết rồi nhưng lại vướng quy định pháp luật về đầu tư trung hạn mà không triển khai được.

Việc ban hành Luật PPP cũng sẽ mở ra xu thế mới trong lĩnh vực đầu tư công là tạo sự thông thoáng, độc lập hơn, hạn chế quy mô, mức đầu tư của các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền do QH quyết định, đồng thời cũng tăng cường trách nhiệm của Chính phủ, các bộ trưởng, chủ tịch UBND các địa phương... Vì vậy, dự luật cần quy định thẩm quyền đầu tư, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định nhằm bảo đảm một mặt nâng cao trách nhiệm của cấp quyết định, một mặt bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật quốc gia như các Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước...

ĐBQH Trần Hồng Hà (Bà Rịa - Vũng Tàu): Hoàn thiện cơ chế giám sát của cơ quan quản lý nhà nước


Ảnh: Quang Khánh

Dự luật PPP đáp ứng đòi hỏi của thực tế khi nguồn lực Nhà nước khó khăn và phải dựa vào nguồn lực đất đai để thu hút vốn của tư nhân tham gia. Nếu đóng góp của Nhà nước chủ yếu dựa vào đất đai sẽ phải xây dựng một chương riêng về tổ chức thực hiện dự án dựa trên sử dụng quỹ đất sẽ tạo nguồn lực để trả cho doanh nghiệp như thế nào. Thực tế đầu tư theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng đang phát sinh một số vấn đề.

Nếu để doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, sau đó chúng ta đấu giá mặt bằng, hạ tầng sạch chắc chắn không thể có đấu thầu công khai. Vì khi đó họ sẽ chỉ định thiết kế, tính toán để đưa vào nhiều điều kiện có lợi cho mình. Do vậy, với dự án đầu tư theo phương thức PPP, cơ quan Nhà nước phải chuẩn bị dự án, vì khi đó mới biết công trình này sử dụng công nghệ nào phù hợp, tiêu chí nào với công trình này. Chỉ khi nào Nhà nước đưa công trình vào quy hoạch để hỗ trợ nhà đầu tư, chuẩn bị đầu tư, khi đó mới thực hiện tốt quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tư nhân tham gia. Nếu nhà nước không muốn đầu tư gì, chỉ hưởng hiệu quả, sẽ khó thu hút nhà đầu tư tư nhân, cũng khó giám sát quá trình khai thác.

Giám sát của cơ quan nhà nước với chủ đầu tư cũng là câu chuyện cần đặt ra. Khi qua thăm và làm việc với Ba Lan, tôi thấy cơ quan quản lý Nhà nước lựa chọn một nhà thầu. Nhưng sau một năm thi công, cơ quan quản lý tổ chức khoan kiểm tra chất lượng công trình, và khi thấy độ bền, vật liệu… không đáp ứng yêu cầu, họ đã đuổi ngay nhà thầu. Tức là giám sát mới có vai trò quyết định. Song, chúng ta lại chú trọng thực hiện quy trình đầu tư, lựa chọn nhà thầu. Công trình của họ phải trên 20 năm mới có hỏng hóc thì ở nước ta chỉ sau 3 năm đã hỏng. Do vậy, bên cạnh vai trò giám sát của chủ đầu tư tư nhân, cần chú trọng hoàn thiện quy định về giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước. 

ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình): Không để xảy ra tình trạng xin - cho


Ảnh: Q.Khánh
Việc ban hành Luật PPP là cần thiết, nhằm khai thác nguồn lực tư nhân trong phát triển KT - XH khi mà điều kiện và khả năng ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Tuy nhiên, chúng ta cần tránh sa vào câu chuyện như đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Trước đây, chúng ta làm các dự án BOT nhưng không công khai, minh bạch; lẫn lộn giữa công trình mới và công trình đã hiện hữu; làm đường một chỗ nhưng đặt trạm thu tiền một chỗ khác… Từ đó dẫn đến giai đoạn 2011 - 2016, nước ta nở rộ dự án BOT. Đến khi UBTVQH ban hành Nghị quyết, thì các dự án BOT không còn nở rộ nữa. Vậy vấn đề là gì? Tôi nhớ, Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21.10.2017 của UBTVQH về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT đã khắc phục tình trạng nêu trên, tức là không làm BOT trên đường hiện hữu mà phải làm trên đường mới song song với đoạn đường cũ; không làm đường một đằng, thu phí một nẻo và phải công khai, minh bạch dự án. Qua đó có thể thấy, việc doanh nghiệp quyết định đầu tư và khai thác công trình giao thông thì phải đánh giá kỹ tình hình giao thông, mật độ giao thông và hạ tầng hiện có, để đưa ra quyết định có làm hay không làm; tức là đánh giá hiệu quả và khả năng thu hồi vốn, chứ đầu tư không đem lại hiệu quả, không anh doanh nghiệp nào dám làm cả. Như vậy, Nghị quyết của UBTVQH đã có tác động mạnh đến việc đầu tư các dự án BOT, tránh tình trạng lợi dụng chính sách và hình thành nhóm lợi ích.

Áp dụng bài học BOT sang dự luật PPP, tôi cho rằng, đầu tiên phải bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch. Và quan trọng là quy định rõ về cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu. Theo quy định dự luật, thắng thì nhà đầu tư có lợi ích, thua thì Nhà nước chia sẻ rủi ro. Với cách làm này sẽ tái diễn câu chuyện nở rộ dự án, vì chúng ta quá dễ dãi khi làm dự án. Nếu doanh nghiệp vay của tổ chức tín dụng đầu tư theo hình thức PPP mà không thu được lợi nhuận thì nợ đó sẽ lại thành nợ xấu. Cho nên, cần tính toán cơ chế chia sẻ rủi ro thật chặt chẽ, để nhà đầu tư và Nhà nước đều phải cân nhắc kỹ khi quyết định đầu tư theo phương thức. Đừng để sa đà mãi câu chuyện cứ làm dự án, kiếm lời khi xây dựng dự án rồi hạ hồi lại là câu chuyện khác.

Về hợp đồng PPP, Điều 45 dự luật quy định: Việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng PPP được các bên xem xét trong các trường hợp như dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các sự kiện bất khả kháng, song quy định về thời hạn hợp đồng PPP tại Điều 46, dự luật lại mở thêm một lối ra là: Được điều chỉnh thời hạn hợp đồng nhưng không quá 50 năm trong các trường hợp như doanh thu của doanh nghiệp dự án PPP vượt quá hoặc thấp hơn mức doanh thu trong phương án tài chính quy định tại hợp đồng. Vậy thu không được như dự tính ban đầu có phải là bất khả kháng không? Chúng ta cần phân biệt thật rõ vấn đề này, không để xảy ra tình trạng xin - cho.  

P. Thủy - H. Ngọc - N. An ghi