Sửa lỗi quốc ngữ nơi công cộng

- Thứ Năm, 01/01/2015, 09:32 - Chia sẻ
Bức xúc vì nhan nhản những biển báo viết sai quy tắc chính tả trong di tích lịch sử, biển hiệu, quảng cáo… trưng ở nơi công cộng, những sinh viên tình nguyện đã hình thành tại Nga một đội ngũ bảo vệ quốc ngữ, ở dạng cảnh sát mật.
 
Minh họa của Đinh Mão

Nếu xét theo quân số, đơn vị đặc nhiệm này có thể coi là trung đoàn, vì ngay từ buổi đầu thành lập, Mật vụ Bảo vệ Quốc ngữ đã có suýt soát 2.500 tình nguyện viên gia nhập. Họ không cần tiết lộ danh tính để khỏi bị gò bó trong thực thi trách nhiệm của mình, cho nên trong danh xưng chính thức của đơn vị mới có chữ “mật”. Đứng ra tổ chức đơn vị Mật vụ Bảo vệ Quốc ngữ là các sinh viên khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov (MGU) với “Bộ Tổng tham mưu” đặt tại mạng xã hội “Đang kết nối” (BKontake).

Các sinh viên MGU đã thấy cần phải mở cuộc đấu tranh chống loại “tội phạm” phổ biến khi phải chứng kiến tình trạng sai chính tả nhan nhản trong các văn bản ở nơi công cộng. Ở đài kỷ niệm hai anh em Thánh Kyril và Mephodi - “cha đẻ” của hệ thống chữ viết Slavo - mà có tới ba chục lỗi chính tả. Tại Trung tâm triển lãm toàn Liên bang Nga có một quả địa cầu với thái dương hệ được ghi chú bằng Latin ngữ: chòm sao Thiên Thố (con Thỏ) đúng phải là “Lepus”, còn chòm sao Sài Lang (con Sói) đúng phải là “Lupus”, nhưng họ ghi cả hai đều là “Lupus” thành ra Thỏ hóa… Sói.

Còn danh từ riêng nữa, những tên đất tên người được ghi ở nghĩa trang liệt sĩ, di tích lịch sử, biển báo đường phố… bị sai nhiều vô kể.

Tại một khu tưởng niệm các liệt sĩ mất tích hoặc mất mộ, vậy mà tấm bia bằng đồng đúc những câu chữ diễn đạt ý… sai toét: “Không có mộ cho những người lính mất tích”. Một câu văn cẩu thả đến mức tức không chịu được, khiến cánh sinh viên phải nhờ cậy các nhà ngôn ngữ học làm văn bản kiến nghị lên cơ quan phụ trách khu tưởng niệm thuộc đủ các cấp: lãnh đạo khu tưởng niệm, Bộ Văn hóa, chính quyền Moscow, nhưng đáp lại chỉ là… bức tường im lặng. Sinh viên đến đấu tranh trực tiếp với Cục Di sản và nhận được lời hứa “sẽ thay bia nhưng không sớm hơn năm… 2015”. Họ bèn tìm đến Hội Lịch sử Quân sự, đề nghị có biện pháp thay bia sớm hơn, càng nhanh càng tốt và phối hợp vận động các quỹ xã hội khác quyên góp 70kg đồng để thay tấm bia sai.

Mới chỉ đôi ba tháng tồn tại, Mật vụ Bảo vệ Quốc ngữ đã phát hiện được 269 lỗi và đã làm việc hiệu quả: hơn một nửa số lỗi đã được sửa. Lỗi về ký tự đơn lẻ, lỗi thiếu dấu phẩy hoặc sai chỗ xuống dòng v.v…

Phong trào được hưởng ứng nhiệt tình nên Mật vụ Bảo vệ Quốc ngữ đang được mở rộng địa lý hoạt động - sau Moscow, hiện đã có những “đơn vị trực thuộc” ở Petersburg, Vladimir, Ekaterinburg, Vorones rồi lan sang cả Tashken và một số thành phố khác. Anh chị em đang tiến tới thành lập một cổng thông tin điện tử và mở tầm hoạt động ra toàn Liên bang Nga.

Ở thành phố Vladimir, chỉ trong một cuộc khảo sát điều tra của các sinh viên Đại học Tổng hợp Vladimir, nhà báo địa phương và trung ương, đã phát hiện 38 lỗi, trong đó 16 lỗi được sửa ngay tại chỗ, còn 22 lỗi kia đang tiếp tục xử lý.

Tại tòa thị chính thành phố Moscow có tấm biển “Thang máy không được chạy chữa”. Mật vụ Bảo vệ Quốc ngữ viết thư cho tòa thị chính, vài ngày sau thấy thay ngay, thành “Thang máy không chạy được, đang chữa”, rồi sau đó có thư: “Trân trọng cảm ơn đã quan tâm chú ý. Nhờ thư của các bạn, tất cả các biển đã được thay”. Ở thành phố Vladimir, thấy tấm biển chỉ đường vào đền thờ Thánh Georgi lại đề “Thánnh” (thừa chữ “n”), Mật vụ Bảo vệ Quốc ngữ viết thư gửi chính quyền tỉnh và thành phố, đồng kính gửi nhiều quỹ xã hội, và tất cả các tấm biển viết sai đều đã được thay.

Có lần, khi anh em đang loay hoay sửa lỗi ở tường rào đại sứ quán nước nọ thì suýt bị cảnh sát bắt vào đồn. Vậy là phải rút kinh nghiệm. Ở những biển, bia, tượng đài, biểu ngữ, bích chương… chắc chắn có cơ quan, đơn vị quản lý, phải hành động theo phương châm ôn hòa và nhất là phải công minh chính trực. Thư khuyến cáo bao giờ cũng có sự thông qua kiểm định của nhiều chuyên gia ngữ văn hoặc tra cứu kỹ lưỡng. Trên internet có một cộng đồng gần 80.000 thành viên cũng hay quan tâm đến chính tả tiếng Nga, nhưng cách họ vạch lỗi và bình phẩm pha màu châm biếm, có khi sâu cay, miệt thị. Mật vụ Bảo vệ Quốc ngữ không đi theo hướng đó, mà chỉ đặt mục tiêu duy nhất: sửa sai.

Mật vụ Bảo vệ Quốc ngữ tạm phân loại ra hai dạng lỗi thường gặp: thứ nhất là dạng đòi hỏi phải tiếp tục xử lý theo hệ thống, tuân thủ đúng thủ tục hành chính với các cơ quan hữu trách, thứ hai là dạng có thể sửa chữa ngay - đánh dấu ký tự sai rồi đóng dấu “Đội mật vụ Bảo vệ Quốc ngữ” trên đó để chủ nhân của nó dễ dàng sửa, chỉ cần làm ký tự đúng thế vào ký tự sai… Trường hợp nào cũng phải được chụp ảnh để lưu lại làm bằng chứng. Nói chung, ở các tấm biển chỉ dẫn đến điểm tham quan du lịch, những quảng cáo sản phẩm, sự kiện của công ty hoặc hãng… thường gặp nhiều lỗi chính tả nhất, có cảm giác người soạn ra chúng là ai đó không chuẩn về quốc ngữ - nhiều lỗi chấm phẩy, viết hoa hoặc xuống dòng không đúng chỗ, nhiều từ thừa hoặc thiếu chữ. Đặc biệt, những tấm biển có chua thêm ngoại ngữ còn lộ nhiều ngô nghê.

Thực tế cho thấy hiện nay người ta thường thờ ơ bỏ qua những sai phạm đối với quốc ngữ, không có người nào, cơ quan nào kiểm soát tình hình này, và đó là biểu hiện trình độ văn hóa thấp của cộng đồng, của xã hội. Thiết nghĩ, cũng cần phải kiến nghị để có hình thức phạt thỏa đáng về tội phơi lỗi chính tả quốc ngữ ở nơi công cộng.

Đăng Bẩy