Tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu

- Thứ Hai, 06/07/2020, 05:43 - Chia sẻ
Covid-19 đang phơi bày lỗ hổng của chuỗi giá trị toàn cầu, vốn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nhanh chóng bằng cách cho phép các tập đoàn đa quốc gia tăng hiệu quả thông qua chuyên môn hóa dựa trên nhiệm vụ. Những tác động kinh tế tiêu cực của Covid-19 liên quan đến chuỗi này đang lan truyền từ Trung Quốc sang nhiều quốc gia khác.

Góc nhìn từ Nhật Bản

Theo EAF, Giáo sư danh dự Shujiro Urata của Đại học Waseda nêu ra trường hợp điển hình là ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản. Khi thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, bị phong tỏa vào cuối tháng 1, các nhà máy cung cấp phụ tùng ô tô cũng ngừng hoạt động. Sự thiếu hụt đã đình chỉ hoạt động của các nhà lắp ráp ô tô Nhật Bản tại Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nơi khác trên thế giới. Điều này dẫn đến sự suy giảm đáng kể trong sản xuất ô tô, vì ngành này vận hành hệ thống phân phối trực tiếp được gọi là “just-in-time” để mang lại hiệu quả và tăng tính cạnh tranh. Thực tế, sản xuất xe ở Nhật Bản đã giảm 10% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: IMF

Just-in-time là một khái niệm của sản xuất hiện đại, có thể được hiểu ngắn gọn là “đúng sản phẩm - với đúng số lượng - tại đúng nơi - vào đúng thời điểm cần thiết”. Nói cách khác, just-in-time là hệ thống điều hành sản xuất trong đó các luồng nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa và sản phẩm lưu hành trong quá trình sản xuất và phân phối được lập kế hoạch chi tiết nhất trong từng bước, sao cho quy trình tiếp theo có thể thực hiện ngay khi quy trình hiện thời chấm dứt. Qua đó, không có hạng mục nào trong quá trình sản xuất rơi vào tình trạng để không, chờ xử lý, không có nhân công hay thiết bị nào phải đợi để có đầu vào vận hành.

Trong khi sản xuất của Trung Quốc bắt đầu phục hồi vào tháng 3 và tháng 4 nhờ việc ngăn chặn thành công dịch Covid-19, virus này vẫn lan rộng ở Nhật Bản. Các nhà máy ngừng hoạt động vì công nhân phải ở nhà, khiến sản lượng giảm khoảng 45% trong tháng 4 so với năm ngoái. Phản ứng ngay lập tức của các nhà lắp ráp ô tô Nhật Bản là giảm kho hàng và mua linh kiện từ các nhà cung cấp ở Nhật Bản và nhiều nơi khác trên thế giới bằng cách sử dụng chuỗi giá trị toàn cầu hiện có. Mặc dù các chuỗi cung ứng đã phục hồi nhanh chóng, đại dịch vẫn đang làm dấy lên mối quan tâm về việc đa dạng hóa chuỗi giá trị toàn cầu giữa các công ty Nhật Bản. Bởi nhiều người tiếp tục lo ngại về khả năng dịch Covid-19 kéo dài cũng như nguy cơ xuất hiện nhiều loại virus mới.

Các công ty Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc để cung cấp nhiều loại hàng hóa như thiết bị điện tử, thiết bị y tế, sản phẩm y tế… Những năm gần đây, các chuỗi cung ứng này đã bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và cuộc đua công nghệ, khi Trung Quốc ngấm ngầm học công nghệ từ Nhật Bản và các công ty nước ngoài.

Đa dạng hóa các chuỗi giá trị toàn cầu có thể liên quan đến việc rút ngắn mạng lưới bằng cách giảm số lượng liên kết trong chuỗi hoặc thiết kế lại các sản phẩm. Nhưng những thay đổi đó khá tốn kém mà lại không khuyến khích đa dạng hóa. Đó là lý do Chính phủ Nhật Bản gần đây đã giới thiệu một chương trình trợ cấp nhằm hỗ trợ nỗ lực đa dạng hóa chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty trong nước. Chương trình gồm hai thành phần: Một là thúc đẩy đầu tư trong nước bằng cách chuyển các cơ sở sản xuất ở nước ngoài trở lại Nhật Bản. Hai là xây dựng chuỗi cung ứng mạnh với đến các thành viên ASEAN để khuyến khích các công ty Nhật Bản chuyển giao cơ sở sản xuất của mình ở đó.

Ngân sách được phân bổ cho các thành phần thứ nhất và thứ hai lần lượt là 220 tỷ yen (2 tỷ USD Mỹ) và 23,5 tỷ yen (200 triệu USD). Số tiền có thể được sử dụng để xây dựng các tòa nhà, lắp đặt máy móc và tiến hành nghiên cứu khả thi. Chương trình sẽ chi trả một nửa đến ba phần tư chi phí tùy thuộc vào nội dung của dự án và quy mô của các công ty, trong đó  doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng mức trợ cấp cao hơn.

Chương trình này chắc chắn sẽ góp phần đa dạng hóa chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty Nhật Bản, nhưng nó chỉ là một trong nhiều yếu tố sẽ ảnh hưởng đến quyết định của công ty. Các công ty cũng sẽ xem xét chi phí và lợi ích của đa dạng hóa - bao gồm quy mô thị trường, chi phí lao động, chất lượng cơ sở hạ tầng, chính sách thương mại và đầu tư, và sự ổn định chính trị, xã hội tại các địa điểm đầu tư tiềm năng.

Cần nỗ lực của quốc tế

Các chính sách kinh tế quốc tế cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi giá trị toàn cầu. Chẳng hạn, chính sách hợp tác kinh tế hay các điều khoản hỗ trợ kinh tế có thể góp phần xây dựng và cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng “mềm và cứng” ở các nước đang phát triển. Chẳng hạn, cơ sở hạ tầng được cải thiện trong ASEAN sẽ tạo động lực cho các công ty thiết lập cơ sở sản xuất tại đó.

Các chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo về khả năng cao dịch Covid-19 sẽ tồn tại lâu trong khi các loại virus truyền nhiễm mới có tiềm năng xuất hiện trong tương lai. Những cảnh báo này đang thúc đẩy các công ty xây dựng chiến lược quốc tế mới về chuỗi giá trị toàn cầu với giả định rằng khả năng di chuyển của con người và hàng hóa có thể sẽ bị gián đoạn một lần nữa.

Theo một số nhà kinh tế, một trong những chiến lược hiệu quả là sử dụng công nghệ thông tin tiên tiến, chẳng hạn như công nghệ in 3D, để thay thế cho việc chuyển giao vật lý hàng hóa và con người. Một công ty có thể gửi sản phẩm như phụ tùng ô tô cho khách hàng của mình dưới dạng dữ liệu, sau đó nó được chuyển thành các sản phẩm sử dụng in 3D. Nhà máy có thể tránh được việc bị đóng cửa nếu có các robot được vận hành nhờ trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế công nhân.

Xu hướng phát triển một hệ thống như vậy thực sự đã bắt đầu. Lĩnh vực kinh doanh đang dẫn đầu sáng kiến này, chính phủ các nước cần đóng vai trò hỗ trợ. Chẳng hạn, chính phủ có thể giúp thiết lập một hệ thống quốc tế mở, dựa trên quy tắc để bảo đảm luồng dữ liệu miễn phí.

Các quy tắc về luồng dữ liệu xuyên biên giới đã được thiết lập trong các khuôn khổ khu vực và song phương khác nhau, có thể được sử dụng làm các khối xây dựng cho một thỏa thuận thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các khuôn khổ này bao gồm Thỏa thuận toàn diện và tiến bộ về quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, Thỏa thuận đối tác kinh tế Nhật Bản - EU, Thỏa thuận Canada - Mexico - Mỹ và Hiệp định thương mại kỹ thuật số Nhật Bản - Mỹ... Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2019 tại Osaka, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đưa ra khuôn khổ ‘Osaka Track', để thúc đẩy  thảo luận thiết lập các quy tắc về thương mại kỹ thuật số tại WTO.

Một vấn đề gây tranh cãi trong luồng dữ liệu xuyên biên giới là sự cân bằng giữa lưu lượng tự do và các quy định liên quan đến an ninh mạng, quyền riêng tư, quyền của người tiêu dùng, việc giám sát quy định và chính sách công nghiệp kỹ thuật số. Luồng dữ liệu xuyên biên giới không chỉ quan trọng đối với việc thiết lập các chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả mà còn thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng kinh tế.

Thái Anh