Tận tâm và trách nhiệm

- Thứ Bảy, 13/10/2012, 09:18 - Chia sẻ
Phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội ghi nhận khối lượng lớn công việc được giải quyết nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Tư dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 22.10 tới. Qua thảo luận, nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách đã được trao đổi thẳng thắn, phân tích rõ nguyên nhân và tìm giải pháp tháo gỡ những điểm còn vướng, chưa khả thi trong chính sách, pháp luật có liên quan.

Diễn ra trong ba ngày, từ 27 – 29.9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tiến hành thẩm tra dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng; dự án Luật Hòa giải ở cơ sở và dự án Luật Việc làm. Đồng thời, cho ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ và ngân sách năm 2012, kế hoạch, dự toán ngân sách năm 2013 của hai Bộ là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế; cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo hoạt động của Ủy ban năm 2012, dự kiến hoạt động năm 2013. Đây là những nội dung sẽ trình QH xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư tới. Để bảo đảm cân đối giữa thời gian ngắn của phiên họp và bảo đảm chất lượng các nội dung đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban, đòi hỏi một phương thức làm việc khoa học. Tận tâm, khẩn trương và trách nhiệm, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã bám sát từng nội dung, chủ đề thảo luận nhằm đạt tới hiệu quả cao nhất của từng phần việc.

Cho ý kiến vào Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Ủy ban đã bám sát các chỉ tiêu kinh tế – xã hội cụ thể QH giao cho từng bộ, ngành, lĩnh vực trong năm 2012 để đánh giá, phân tích và làm nổi bật kết quả cũng như những điểm còn hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Đối với chỉ tiêu tạo việc làm, phát triển thị trường lao động, QH giao trong năm 2012 tạo việc làm cho 1.600 nghìn người, trong đó tạo việc làm trong nước là 1.510 nghìn người và xuất khẩu lao động 90 nghìn người. Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, 8 tháng năm nay, nước ta đã tạo việc làm cho khoảng 1.022 nghìn lao động, đạt gần 64% chỉ tiêu kế hoạch năm 2012. Ở trong nước đã giải quyết việc làm cho 971 nghìn lao động, đạt hơn 64% kế hoạch và ước cả năm giải quyết việc làm cho hơn 1.400 nghìn lao động, đạt hơn 95% kế hoạch đề ra. Năm 2012, QH giao tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%, trong đó các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP giảm khoảng 4%. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo tiếp tục được thực hiện có hiệu quả theo hướng tập trung đầu tư cho vùng khó khăn, địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhiều mô hình giảm nghèo bền vững, kết hợp dạy nghề, tạo việc làm, giảm nghèo được nhân rộng cho các địa phương, góp phần thiết thực đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo. Các chỉ tiêu khác về dạy nghề, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, cải thiện quan hệ lao động có nhiều tiến bộ so với cùng kỳ năm 2011. Bộ đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách ưu đãi, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người có công. Đánh giá cao kết quả thực hiện các chỉ tiêu xã hội theo Nghị quyết của QH, tuy nhiên các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội lưu ý Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm hơn đến tính chính xác của các con số thống kê kết quả đạt được trong 8 tháng qua cũng như các tháng còn lại của năm 2012. Đơn cử, đối với chỉ tiêu tạo việc làm, phát triển thị trường lao động, thực tế cho thấy, trong quý II và quý III.2012, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục gặp nhiều khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp tuyên bố giải thể, vậy thì những con số tạo việc làm Bộ đưa ra có bảo đảm tính chính xác và phản ánh đúng thực trạng thị trường lao động của đất nước hay không? Liên quan đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Trưởng ban Dân nguyện, thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Đức Hiền đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm rõ việc đầu tư bảo đảm an toàn quỹ bảo hiểm xã hội hiện nay như thế nào? Nước ta có tình trạng nợ đọng về bảo hiểm xã hội không và nếu có thì hướng xử lý khoản nợ này như thế nào? Quan tâm đến chỉ tiêu giảm nghèo, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Ngọc Chương đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lý giải vì sao có tình trạng giải ngân cho các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững chậm? Và nếu có tình trạng trên thì giải pháp khắc phục là gì? 

Ở lĩnh vực y tế, Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, qua đánh giá tình hình thực hiện 6 tháng cuối năm, ngành y tế có khả năng tiếp tục hoàn thành 2 chỉ tiêu QH giao là: chỉ tiêu số giường bệnh trên 1 vạn dân (không kể trạm y tế xã) QH giao 21,5 giường bệnh/1 vạn dân và con số ước đạt cho thấy Bộ có khả năng đạt được tỷ lệ này. Với chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, QH giao trong năm 2012 sẽ giảm tỷ lệ này xuống dưới 16,6% và con số ước đạt là 16,3%. Đối với chỉ tiêu do Chính phủ giao, các chỉ tiêu có khả năng không đạt là tỷ lệ tỷ số giới tính khi sinh (giao thấp hơn con số 112, khả năng thực hiện là 112,5); mức giảm tỷ lệ sinh (giao 0,2 o/oo, khả năng thực hiện 0,1 o/oo). Nhìn nhận về các chỉ tiêu theo báo cáo của Bộ Y tế, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi lưu ý, năm 2012, chỉ số giới tính khi sinh dự kiến sẽ không đạt, tuy nhiên trong năm 2013, Bộ Y tế lại đề nghị nâng chỉ tiêu giới tính khi sinh lên, như vậy có hợp lý không? Đối với tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế, nhiều đại biểu băn khoăn khi mục tiêu tăng số dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2012 đề ra là 80 – 85%, song, hiện nay theo dự báo của Bộ Y tế, từ nay đến cuối năm mới có khoảng 66 – 67% tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Chiếu theo thực trạng đó, nhiều đại biểu đề nghị, năm 2013 phải đặt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân lên mức cao hơn để bảo đảm đến năm 2014 có thể hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.

Những câu hỏi nêu trên cho thấy, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã theo sát yêu cầu và chủ đề đặt ra: tập trung làm rõ các chỉ tiêu kinh tế – xã hội mà QH giao cho lĩnh vực y tế cũng như lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Thông qua phần giải trình của hai Bộ và các cơ quan có trách nhiệm, những thông tin và con số thu được sẽ là cơ sở quan trọng để Ủy ban tổng hợp, chắt lọc và hoàn thiện phần việc của Ủy ban đóng góp cho Báo cáo thẩm tra chung về tình hình thực hiện kinh tế – xã hội dự kiến sẽ trình QH xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ Tư sắp tới.

 Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ Khóa XIII, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng sẽ trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm (tháng 5.2013) và thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu (tháng 10.2013). Để chuẩn bị cho công việc của Ủy ban, bảo đảm sự nghiên cứu, bổ sung một cách có hệ thống và đầy đủ các quy định về công tác thi đua, khen thưởng đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm tiến độ, chất lượng soạn thảo và thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, trong khuôn khổ phiên họp toàn thể lần này, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức nghe Bộ Nội vụ và đại diện một số cơ quan có liên quan giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, vướng mắc lớn nhất của việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng xuất phát từ chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua chưa đồng đều ở các vùng, miền và các thành phần kinh tế. Nhiều nơi phong trào thi đua còn hình thức, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân; hiệu quả, tác dụng của các phong trào thi đua còn chưa cao. Tuy nhiên, mọi vướng mắc đều có nguyên nhân chính. Ủy ban Về các vấn đề xã hội lưu ý Bộ Nội vụ cần làm rõ nguyên nhân vì sao công tác thi đua, khen thưởng còn hình thức. ĐBQH, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, thực chất của hiện tượng thi đua hình thức là do chúng ta triển khai quá nhiều các hình thức khen thưởng, làm cho các hình thức thi đua, khen thưởng không thực sự còn là động lực cho các tổ chức, cá nhân phấn đấu. Cùng quan điểm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nêu vấn đề: Bộ Nội vụ có nêu nguyên nhân một số bộ, ngành, địa phương bình xét danh hiệu thi đua, khen thưởng còn nể nang, cào bằng, luân phiên. Năng lực tham mưu, tổ chức vận động quần chúng của cán bộ chuyên trách thi đua khen thưởng còn hạn chế. Nhiều cán bộ chưa được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ thi đua, khen thưởng. Việc khen thưởng còn dập khuôn máy móc, nhiều trường hợp đề nghị khen thưởng nhưng tính tiêu biểu, nêu gương chưa cao, chưa có tính lan tỏa trong quần chúng... Đây có phải là nguyên nhân chính gây ra tình trạng chạy theo thành tích về thi đua, khen thưởng trong xã hội hay không? Trách nhiệm này thuộc về lĩnh vực quản lý nhà nước, hay do vướng mắc từ quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng làm cho khâu tổ chức thực hiện luật gặp nhiều khó khăn?

Trả lời các câu hỏi xác đáng của thành viên Ủy ban, đại diện Lãnh đạo Bộ Nội vụ thừa nhận trách nhiệm chưa thanh tra, giám sát thường xuyên, kịp thời để tình trạng khen thưởng còn tràn lan, chạy theo thành tích. Để khắc phục tình trạng này, Bộ đề xuất Ủy ban trong lần thẩm tra Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng nên nghiên cứu, bổ sung quy định thanh tra, xử lý hành chính đối với người khen thưởng không đúng và tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tổ chức các phong trào thi đua còn hình thức; thực hiện đúng mục tiêu thực hiện đến đâu khen đến đó; công khai, minh bạch kết quả thi đua, khen thưởng để người dân, cơ quan, tổ chức cùng thực hiện giám sát.

Họp toàn thể là một trong những hình thức làm việc của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong bối cảnh QH mỗi năm họp hai kỳ thì chất lượng và hiệu quả các phiên họp toàn thể của Hội đồng Dân tộc và Ủy ban của QH là bước chuẩn bị quan trọng, là bộ lọc trước khi các chính sách, pháp luật được trình QH xem xét, cho ý kiến và thông qua.

Phiên họp toàn thể lần thứ Tư của Ủy ban Về các vấn đề xã hội vừa qua là minh chứng sinh động cho sức làm việc dồi dào, tinh thần tận tâm và trách nhiệm của một Ủy ban của QH. Sức làm việc và chất lượng hoạt động của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cùng với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của QH khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của các cơ quan của QH - các đầu dây thần kinh của QH.

Hoàng Ngọc