Tăng đề kháng cho du lịch

- Chủ Nhật, 09/08/2020, 13:26 - Chia sẻ
Giảm thuế, giãn thời gian trả tiền thuê đất, tăng cường sự chia sẻ và phối hợp giữa các doanh nghiệp lữ hành và đối tác cung ứng dịch vụ lữ hành… là những giải pháp tiếp tục được đề xuất tại hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch” do Tổng cục Du lịch tổ chức chiều 7.8 tại Hà Nội.

Cởi bỏ tâm lý e ngại cho khách hàng

Theo thống kê sơ bộ từ các địa phương, doanh nghiệp, khi dịch Covid-19 quay lại, đến nay đã có hàng chục nghìn khách du lịch hoãn, hủy tour. Đơn cử, một số trung tâm như Hà Nội có khoảng 32.000 khách hủy tour nội địa; TP. Hồ Chí Minh có trên 35.000 chương trình du lịch bao gồm tour trọn gói, tour tự chọn, dịch vụ (khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan…) đã bị hủy. Dự kiến, trong tháng 8, tỷ lệ hủy phòng khách sạn sẽ tăng trên 90%.

Đối với các doanh nghiệp lữ hành, vướng mắc lớn nhất hiện nay là tình trạng khách hủy tour yêu cầu hoàn tiền, trong khi doanh nghiệp lữ hành là đơn vị trung gian, kết nối giữa khách du lịch và nhà cung ứng dịch vụ, đã sử dụng tiền của khách hàng để đặt cọc các dịch vụ tại điểm đến. Áp lực từ cả hai phía khiến các doanh nghiệp lữ hành đang gặp rất nhiều khó khăn khi xử lý yêu cầu của khách.

Giám đốc Kinh doanh Sun Group Trần Thị Nguyện cho biết, các cơ sở kinh doanh dịch vụ của Sun Group tại Đà Nẵng đã đóng cửa theo chỉ đạo của chính quyền thành phố để cùng nhau chống dịch. Tuy nhiên, Sun Group vẫn có những chính sách hỗ trợ khách du lịch và doanh nghiệp lữ hành trong việc hoàn tiền và gia hạn vé tham quan. “Những khách sạn do Sun Group trực tiếp quản lý sẽ thuyết phục khách hàng không hủy và giữ nguyên giá trị booking, nhưng nếu khách hàng không thay đổi thì Sun Group sẵn sàng hoàn tiền. Đối với những khách sạn Sun Group thuê quản lý thì tôn trọng các tập đoàn quản lý và phối hợp vận động để họ chia sẻ và đồng hành với khách hàng”.

Đại diện Sun Group cho rằng, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra nhưng các doanh nghiệp vẫn nên tiếp tục duy trì hoạt động bằng những kế hoạch bảo tồn, bảo trì, làm mới khu tham quan, khu vui chơi giải trí, tạo ra các sản phẩm du lịch mới để hút khách khi thị trường đón khách trở lại.

Đồng quan điểm, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Flamingo Lê Thúy Hà chia sẻ, Flamingo đã đưa ra các chính sách kịp thời ổn định tâm lý khách hàng, có những khu villa biệt lập để khách sử dụng vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng và đảm bảo an toàn, phù hợp cho các đối tượng khách gia đình, đơn vị có sự kiện nhỏ. Flamingo đồng hành cùng các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ có chương trình bảo lưu cho khách hàng sử dụng các dịch vụ lên tới 1 năm, với giá trị không thay đổi.

Về phía các hãng hàng không, đại diện Vietnam Airlines, bà Nguyễn Hồng Nga cho hay khi dịch bệnh Covid-19 quay lại, Vietnam Airlines đã nhanh chóng có chính sách với đại lý, khách lẻ trong hệ thống, cho phép đổi vé, đổi hành trình tùy từng loại vé, cho phép tiền cọc được bảo lưu đến hết tháng 6.2021. Với vé hoàn lại cũng đưa ra voucher để mua các chương trình mới.

Bà Nga mong muốn, Vietnam Airlines sẽ cùng các doanh nghiệp du lịch trao đổi để tìm phương án tốt nhất trong quá trình xử lý; đồng thời, đề nghị truyền thông để khách hàng yên tâm, không ồ ạt hủy vé. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, hãng sẽ tiếp tục có chương trình kích cầu. Vì vậy, hãng đề nghị Tổng cục Du lịch giúp định hướng xây dựng chương trình, kịch bản phù hợp trong thời gian tới.

Doanh nghiệp du lịch mong muốn được hỗ trợ để duy trì ổn định bảo đảm các điều kiện đón khách khi thời cơ đến  

Nguồn: ITN 

Hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại, phục hồi

Trước khó khăn hiện nay của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề tài chính, Tổng cục Du lịch đã có văn bản 982/TCDL-LH ngày 29.7 gửi sở quản lý du lịch các địa phương yêu cầu triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và bảo đảm an toàn cho khách du lịch trước diễn biến của dịch Covid-19.

Tại hội nghị, vấn đề các doanh nghiệp lữ hành và cung ứng dịch vụ quan tâm, đó là cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc quyết liệt để khẩn trương áp dụng các chính sách hỗ trợ khả thi giúp doanh nghiệp sớm vượt qua "cú bồi kép" Covid-19. 

Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Flamingo Lê Thúy Hà cho rằng, vấn đề ưu tiên hàng đầu là bảo đảm nhân lực ngành một cách tối đa. Bà Hà đề xuất giảm tiền điện, tiền thuê đất, để các khách sạn, cơ sở lưu trú duy trì ổn định nguồn nhân lực và bảo đảm cảnh quan môi trường để khi dịch lắng xuống có thể đón khách ngay. Còn Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng Cao Trí Dũng nêu ý kiến: “Mong muốn Chính phủ giảm 50% thuế VAT, giảm 100% thuế thu nhập doanh nghiệp đến hết năm 2020. Tiếp tục áp dụng chính sách giảm chi phí điện nước, vốn đã dừng vào ngày 30.6, ít nhất đến hết năm 2020 cho các doanh nghiệp du lịch. Tiếp tục giảm sâu hơn lãi vay, giãn nợ, khoanh nợ, tạo điều kiện các khoản vay mới”. 

Một vấn đề nữa đặt ra cho ngành du lịch trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay là giữ chân nguồn lao động chất lượng cao. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Khánh, nhiều lao động chất lượng cao của ngành du lịch đã đi sang ngành khác trong bối cảnh người lao động du lịch bị mất việc làm. Do đó, bà Khánh nhấn mạnh, các hãng lữ hành, công ty, cơ quan quản lý cần có các giải pháp phù hợp để bảo đảm giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành du lịch, chuẩn bị cho đợt bùng nổ du lịch khi dịch Covid-19 được kiểm soát, khống chế.

Hương Sen