Góp ý sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức chính quyền địa phương

Tạo “lối đi” sát thực tiễn

- Thứ Bảy, 25/05/2019, 08:12 - Chia sẻ
Sau 3 năm tổ chức thực hiện, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã tạo thuận lợi, hành lang pháp lý quan trọng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; bảo đảm tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; phát huy quyền dân chủ trực tiếp và gián tiếp của nhân dân; góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn một số vướng mắc mà địa phương vẫn phải tìm cách vận dụng.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương chưa quy định về phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của Chủ tịch HĐND; chưa quy định trách nhiệm của Tổ trưởng, Tổ phó, cách thức tổ chức hoạt động của Tổ đại biểu và mối quan hệ phối hợp giữa Tổ đại biểu với Thường trực HĐND tỉnh; chưa quy định rõ việc cán bộ đang giữ chức danh này có được kiêm chức danh khác trong HĐND (như: Phó Chủ tịch HĐND có được kiêm giữ chức Trưởng Ban?); chưa hướng dẫn việc Chủ tịch UBND của đơn vị hành chính này khi được cấp có thẩm quyền luân chuyển sang làm Chủ tịch UBND đơn vị hành chính khác cùng cấp, nếu bầu không đạt thì giải quyết như thế nào... Đây là những khó khăn chưa được giải quyết.

Thứ nhất: Nhìn chung, Luật chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất. Đến ngày 30.1.2019, UBTVQH ban hành Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 về Hướng dẫn một số hoạt động của HĐND (có hiệu lực từ ngày 15.3.2019). Đây là bất cập rất lớn. Cho nên, một số hoạt động trong thực tiễn, công tác phối hợp, nội dung, cách thức phối hợp, tính ràng buộc... khi thực hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Để đáp ứng yêu cầu công việc, Thường trực HĐND Vĩnh Long đã kế thừa những ưu điểm của nhiệm kỳ trước, trên nền tảng luật cũ ban hành quy chế làm việc, trình HĐND ban hành nghị quyết nội quy kỳ họp...; phối hợp với UBND, Ban Thường trực UBMT TQVN tỉnh ban hành một số quy chế hoạt động, quy chế phối hợp... Nghĩa là, phải vận dụng để tự tạo cho mình một “lối đi” hợp pháp và sát thực tiễn. Qua 3 năm thực hiện các quy chế này, mặc dù còn hạn chế nhất định nhưng nhìn chung, cơ bản hiệu quả và đáp ứng yêu cầu hoạt động thực tiễn ở địa phương.

Thứ hai: Về tổ chức, bộ máy, Luật đã quy định các chủ thể hoạt động; chức năng, nhiệm vụ của từng chủ thể khá cụ thể. Nhưng Luật chưa quy định rõ mối quan hệ giữa Thường trực HĐND và lãnh đạo UBND; lãnh đạo các Ban của HĐND và lãnh đạo các sở, ngành thuộc UBND; chưa quy định rõ mối quan hệ giữa HĐND cấp trên và HĐND cấp dưới (Thường trực HĐND cấp tỉnh với cấp huyện, Thường trực HĐND cấp huyện với cấp xã), nhất là trách nhiệm của Thường trực HĐND cấp trên với Thường trực HĐND cấp dưới trong phối hợp tổ chức và hướng dẫn hoạt động. Ví dụ: Thường trực HĐND cấp dưới có được căn cứ vào văn bản hành chính của Thường trực HĐND cấp trên để ban hành văn bản hành chính cấp mình... Đây là những khó khăn tiếp theo.


Thường trực HĐND tỉnh khảo sát việc phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại UBND thành phố Vĩnh Long
Ảnh: Hữu Tài

Kinh nghiệm của Vĩnh Long là tổ chức hội nghị thường kỳ giữa Thường trực HĐND tỉnh và Thường trực HĐND cấp huyện. Thông qua đó, trao đổi kinh nghiệm, thảo luận và thống nhất cách thức tổ chức các hoạt động sao cho hiệu quả, sát yêu cầu thực tiễn, nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của HĐND hai cấp. Vận dụng cách làm sáng tạo của cấp tỉnh, cấp huyện cũng tổ chức hội nghị như vậy với cấp xã.

Thứ ba: Về quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, Luật chưa quy định cụ thể những vấn đề nào HĐND có thể ủy quyền cho Thường trực HĐND quyết định giữa hai kỳ họp. Vì quá trình điều hành của UBND có nhiều vấn đề phát sinh phải giải quyết gấp, có nội dung phải giải quyết trong 5 ngày hoặc một tuần. Nếu tổ chức kỳ họp HĐND sẽ không kịp thời gian theo yêu cầu của các bộ, ngành Trung ương và không đúng quy định của Luật. Đây là vấn đề xảy ra khá thường xuyên và thường là những vấn đề liên quan đến quy hoạch, các dự án, đề án được Trung ương hỗ trợ một phần kinh phí, hay việc vay nợ...

Kinh nghiệm của Vĩnh Long: Tranh thủ sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đưa vào quy chế hoạt động và quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh để xử lý kịp thời tính cấp bách theo yêu cầu. Mặc dù vậy, từ khi Nghị định số 120/2018/NĐ-CP ngày 13.9.2018 của Chính phủ có hiệu lực thì không thực hiện nữa và chờ quy định mới. Cho nên, nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay không thực hiện được.

Thứ tư: Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh, nhưng cả Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND đều không quy định cụ thể trình tự thủ tục giám sát, việc thành lập đoàn giám sát và sử dụng con dấu, trách nhiệm cung cấp thông tin... Ngay Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 cũng chưa quy định rõ nên trong quá trình tổ chức hoạt động giám sát còn lúng túng.

Kinh nghiệm của Vĩnh Long là: Thường trực HĐND “làm thay” mọi công việc, từ trình tự thủ tục, thành lập đoàn, phân công Thường trực cùng tham gia, báo cáo giám sát, sử dụng con dấu... kể cả thông báo kết quả giám sát. Đến cuối năm 2018, Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh đã tổ chức được 8 cuộc giám sát trên một số lĩnh vực như: Tài nguyên môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng... được cử tri đánh giá là khá hiệu quả.

Thứ năm: Vấn đề TXCT, tiếp công dân và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Phải khẳng định rằng, đây là vấn đề rất phức tạp. Về TXCT, Luật chưa quy định nhiệm vụ cụ thể của Thường trực HĐND tỉnh trong việc tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri mà chỉ quy định nhiệm vụ tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để báo cáo tại kỳ họp HĐND. Thực tế ở Vĩnh Long, mọi công việc liên quan đến công tác TXCT đều do Thường trực tổ chức và kế thừa các hoạt động từ các nhiệm kỳ trước, trong Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh, thống nhất giao MTTQVN tỉnh chủ trì các cuộc họp TXCT, tổng hợp ý kiến cử tri và báo cáo trình tại kỳ họp.

Thực tế trên cũng đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Luật Tổ chức chức chính quyền địa phương theo hướng: Nếu giữ Điều 22 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì phải bỏ Điều 90 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và ngược lại, nhằm thống nhất một cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp ý kiến cử tri trình tại kỳ họp HĐND.

Nguyễn Minh Dũng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long