Nam Phi

Tạo môi trường pháp lý thuận lợi

- Chủ Nhật, 10/11/2019, 10:09 - Chia sẻ
Với khung pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) tương đối đầy đủ, Nam Phi là một trong số những quốc gia có kinh nghiệm đáng kể về đầu tư theo hình thức PPP. Các dự án PPP đã mang lại cơ hội bảo tồn một số thắng cảnh thiên nhiên độc đáo cho Nam Phi, giúp tạo việc làm và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Theo Bộ tài chính Nam Phi, đầu tư theo hình thức PPP đã cung cấp cho Nam Phi cơ hội nhằm xây dựng nền tảng vững chắc và bền vững cho tương lai, khi quốc gia này phải vật lộn dưới sức nặng của các thảm họa của nạn phân biệt chủng tộc trước đây, cũng như những sai lầm chính trị và kinh tế gần đây. Các dự án PPP đã mang lại cơ hội bảo tồn một số thắng cảnh thiên nhiên độc đáo cho Nam Phi, bảo đảm tính bền vững và khả năng tồn tại lâu dài của những địa danh này trong khi tạo ra việc làm và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Tổ hợp De Hoop được xem là một trong những ví dụ tiêu biểu về thành công trong thực hiện đầu tư theo hình thức PPP ở Nam Phi. Đây là công trình đầu tiên được đầu tư theo hình thức PPP trong ngành du lịch, khách sạn Nam Phi, đánh dấu sự mở cửa Khu Bảo tồn thiên nhiên De Hoop ở Western Cape, Nam Phi vào năm 2007, được công nhận là Di sản Thế giới. Bên cạnh Tổ hợp De Hoop, các công trình PPP tiêu biểu khác của Nam Phi còn có Riversands Incubation Hub, vườn ươm tạo nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư phát triển doanh nghiệp, hay công trình trường trung học Sonyongwana gần Creighton ở vùng nông thôn KwaZulu-Natal.

Thành công trong thực hiện đầu tư theo hình thức PPP của Nam Phi được đánh giá là nhờ môi trường pháp lý thuận lợi. Pháp luật điều chỉnh các dự án PPP tại Nam Phi là quy chế áp dụng cho Bộ Tài chính, được ban hành trong Luật Quản lý tài chính công năm 1991. Luật này quy định về quy trình thực hiện, các yêu cầu, thủ tục phê duyệt và trách nhiệm của các bên liên quan đến PPP ở cấp trung ương và cấp tỉnh. Các dự án PPP của các vùng tự trị được điều chỉnh bởi Đạo luật Quản lý Tài chính thành phố và Đạo luật Hệ thống tự trị. Ngoài ra, còn có các quy định về PPP của thành phố tương đối giống với các yêu cầu của Quy chế Bộ Tài chính.

Năm 1999, Nam Phi ban hành Luật Quản lý tài chính công (PFMA), nhằm điều chỉnh chi tiết các thủ tục quản lý tài chính của Chính phủ và cấp tỉnh. Các quy trình thực hiện chương trình, dự án PPP và thể chế cụ thể được thiết lập trong Sổ tay về PPP, hướng dẫn các bước chi tiết trong từng quy trình, giai đoạn triển khai dự án PPP.

PFMA giảm vai trò quản lý ngân sách vi mô của Bộ Tài chính; đồng thời quy định chức năng giải trình của các cơ quan cấp quốc gia và tỉnh về các quyết định liên quan đến tài chính, quá trình phân bổ vốn. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát chặt chẽ ngân sách và các hướng dẫn liên quan đến PPP. Mục tiêu của PFMA là bảo đảm sử dụng hợp lý quỹ, xác định trách nhiệm của bên liên quan trong vấn đề tài chính. Việc xử lý được quản lý bởi kho bạc ở cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trung tâm PPP được thiết lập để hướng dẫn các cơ quan cấp tỉnh và khu vực tư nhân liên quan đến quy trình và quy định PPP tham gia.

Trách nhiệm thực hiện chương trình, dự án PPP thuộc về cơ quan có thẩm quyền ký hợp đồng. Cơ quan có thẩm quyền ký hợp đồng phải xác định, thẩm định các dự án PPP và quản lý quá trình đấu thầu nhằm lựa chọn nhà thầu trúng thầu theo hướng dẫn chi tiết và theo yêu cầu (bao gồm danh mục kiểm tra cho từng giai đoạn và các biểu mẫu chuẩn) được nêu trong hướng dẫn sử dụng. Cơ quan có thẩm quyền ký hợp đồng chịu trách nhiệm quản lý dự án PPP thông qua thời hạn hợp đồng, bao gồm việc bảo đảm dự án đáp ứng tiêu chuẩn thực hiện, giải quyết tranh chấp và báo cáo về PPP trong báo cáo hàng năm của tổ chức hoặc địa phương.

Việc phê duyệt dự án PPP được thực hiện bởi Bộ Tài chính ở cấp quốc gia và cấp tỉnh. Các dự án PPP cấp thành phố sẽ phải tuân theo quan điểm và kiến nghị của Bộ Tài chính. Các dự án được phê duyệt ở bốn thời điểm, sau khi hoàn thành nghiên cứu khả thi, hồ sơ dự thầu được chuẩn bị, hồ sơ dự thầu được tiếp nhận và đánh giá, kết thúc đàm phán và hợp đồng PPP ở giai đoạn dự thảo cuối cùng.

Năm 2004, Bộ Tài chính Nam Phi thành lập đơn vị chuyên trách riêng về PPP nhằm quản lý chung các chương trình, dự án PPP. Cơ quan này có thẩm quyền xem xét, phê duyệt tất cả các đề xuất dự án PPP; đánh giá tập trung đặc biệt vào hiệu quả đầu tư, khả năng chi trả và hoàn vốn dự án.

Các khoản thanh toán cho các cam kết PPP được thực hiện thông qua quá trình phân bổ hàng năm. Hội đồng Tiêu chuẩn Kế toán Nam Phi công bố hướng dẫn hạch toán công cho PPP. Sổ tay PPP cũng đưa ra các yêu cầu kiểm toán cho PPP. Kiểm toán hàng năm của Tổng Kiểm toán đối với các cơ quan có thẩm quyền ký hợp đồng PPP phải kiểm tra xem các yêu cầu của các quy định về PPP đã được đáp ứng và các tác động tài chính được phản ánh trong tài khoản của cơ quan, thành phố. Tổng Kiểm toán cũng có thể tiến hành kiểm toán nếu nghi ngờ có dấu hiệu bất thường.

N.Khánh