Tản mạn

Tên trường

- Thứ Ba, 14/07/2020, 08:07 - Chia sẻ
Có một giáo sư ở nước bạn từng bảo tôi rằng điều ông ấy quan tâm là tôi có học kiến trúc hay không chứ không quan tâm cái trường tôi học hình dáng thế nào...

Mấy hôm rồi, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội xôn xao với bản vẽ phác thảo tòa nhà 20 tầng xây trong khuôn viên của trường. Nhiều người thấy nó buồn cười vì chữ ‘’K’’ trên mặt tiền. Mặc dù đã làm kha khá thiết kế khuôn viên ở Thụy Sĩ, Đức và Trung Quốc, nhưng cá nhân tôi thấy rằng chỉ dựa vào một bản vẽ mặt đứng thì khó đánh giá được toàn diện vẻ đẹp (và cả... vẻ xấu) của thiết kế này.

Bỏ qua thành kiến cá nhân về chất lượng thể hiện bản vẽ cũng như chất lượng thiết kế, trong khi xem kỹ từng chi tiết trên mặt đứng, tôi lại nhìn thấy dòng chữ "Hanoi Architectural University (HAU)" được in (hoặc đắp nổi) theo chiều đứng của tòa nhà. Nhiều năm nay, tôi rất băn khoăn về cụm từ mà ngôi trường này sử dụng rộng rãi: ‘’Architectural University’’. 

"Architectural University’’ nếu dịch ra thì ta hiểu nó là "một trường đại học có tính kiến trúc’’ (về vật lý hữu hình). Điều này đã gây phân vân cho chúng tôi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bởi vì nó có thể gây hiểu nhầm. Thông thường ở các nơi, người ta gọi Trường Đại học Kiến trúc là "Architecture University’’ hoặc “School of Architecture”. Còn nếu ta nói "Architectural University’’ thì nó gần như có nghĩa là "một đại học đẹp".

Nó cũng giống như khi ta nói "Nature’’ và ‘’Natural’’ ("tự nhiên’’ và "có tính tự nhiên’’). Giả sử khi ta nói về "ánh sáng tự nhiên’’ thì nó được hiểu là "ánh sáng có tính tự nhiên’’ (Natural light) để phân biệt với "ánh sáng có tính nhân tạo’’ (Artificial light). Nhưng khi ta nói về bản chất tự nhiên của ánh sáng thì ta lại nói "The Nature of Light’’ (ví dụ: quang phổ). Có rất nhiều ví dụ tương tự trong tiếng Anh mà ta có thể chỉ ra. 

Trong quá trình thực hành chuyên môn, cá nhân tôi thấy chỉ sử dụng "Architectural’’ để nói về thuộc tính của đối tượng và gắn chặt vào đối tượng. Ví dụ như "Architectural heritage’’ (một di sản có tính kiến trúc) mô tả khía cạnh vật lý cấu thành nó có liên quan đến kiến trúc, hay "Architectural plant’’ dùng để chỉ các loại cây trồng mà hình dáng của nó có tính kiến trúc (ví dụ cây dừa, cây cọ, cây thông…). Chính vì thế, từ "Architectural University’’ sẽ được hiểu là tòa nhà (hoặc khuôn viên) đó, phần kết cấu vật lý hữu hình của nó có tính kiến trúc; chứ không phải là trường đại học có chuyên môn về kiến trúc. 

 Tôi ngờ rằng, thuở ban đầu, dụng ý sử dụng "Architectural University’’ là bởi vì nhiều người lo xa do trong Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội còn có cả Khoa Xây dựng hay Cấp thoát nước, Mỹ thuật... Tuy nhiên, điều này có lẽ là thừa bởi, vì "Architecture’’ là lĩnh vực rộng có thể bao trọn tất cả, thậm chí cả xã hội học, đô thị học hay performing (vận hành), programming (lập trình)… Và ngay cả khi muốn ám chỉ một tập hợp các ngành học đa dạng có yếu tố kiến trúc thì ít nhất cũng phải thêm một danh từ nữa, ví dụ "Architectural Sciences University’’ (Đại học về các khoa học có tính kiến trúc). Nhưng cách dùng này cũng rất ít gặp. 

 Tôi vẫn nhớ mỗi khi làm việc với sở, ban, ngành hoặc các trường thuộc đại học ở nước ngoài, họ đều gặng hỏi tôi rằng bằng cấp của tôi có phải là thật hay không (chắc nghi làm giả), cũng chỉ bởi vì cái từ "đại học có tính kiến trúc’’ mà chúng ta in song ngữ trên tấm bằng của sinh viên. Một giáo sư ở nước bạn từng bảo tôi rằng, điều ông ấy quan tâm là tôi có học kiến trúc hay không chứ không quan tâm cái trường tôi học hình dáng thế nào...

Thuỷ Lê
KTS Lê Quang (từ Berlin)