“Thần dược” của người Xê Đăng

- Thứ Năm, 31/01/2019, 08:29 - Chia sẻ
Từ một cây “thuốc giấu” được đồng bào Xê Đăng tại vùng núi Ngọc Linh coi như thần dược, sau bao năm miệt mài gìn giữ và được định hướng phát triển bài bản, sâm Ngọc Linh đang vững bước trên con đường trở thành loài dược liệu mang trong mình niềm tự hào của người Việt Nam.

Báu vật của đại ngàn

Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi với các yếu tố về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng hết sức đa dạng và thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, với diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm 2/3 diện tích tự nhiên, độ che phủ của rừng chiếm 62,3% đã tạo nên nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại và có giá trị to lớn về y tế, kinh tế. Đảng sâm, Ngũ Vị tử, Đương Quy, Lan Kim Tuyến, Sa nhân, Trinh nữ hoàng cung, Ý dĩ và các loại nấm dược liệu... đang dần trở thành những loài cây đem lại sự đổi thay ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đặc biệt, với cây sâm Ngọc Linh đặc hữu ở vùng đại ngàn phía Đông Bắc của tỉnh, Kon Tum đang dành rất nhiều chính sách hỗ trợ, quảng bá nhằm phát triển thành thương hiệu mang tầm quốc tế.

Cây sâm Ngọc Linh được Dược sĩ Đào Kim Long và đoàn điều tra dược liệu của Ban Dân y Quân khu 5 phát hiện tại vùng núi Ngọc Linh (Kon Tum) vào năm 1973. Từ đó đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học khẳng định: Ngọc Linh là một loại sâm quý hiếm trên thế giới. Chính vì những giá trị kinh tế, giá trị dược liệu đặc hữu, quý hiếm, sâm Ngọc Linh trong tự nhiên gần như đã bị khai thác cạn kiệt, đặt ra thách thức không nhỏ trong việc bảo tồn nguồn gene quý hiếm cũng như phát triển thương mại hóa sản phẩm để tiêu thụ trong nước và quốc tế.


Công nhân chăm sóc sâm giống tại vườn ươm của Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum trên đỉnh núi Ngọc Linh
 Ảnh: Mạnh Tuân

“Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Kon Tum cùng tâm huyết của các doanh nghiệp và người dân, chắc chắn rằng sâm Ngọc Linh và những chế phẩm của sâm hoàn toàn có thể vươn ra thị trường thế giới không kém gì sâm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…”

Thủ tướng Chính phủ
NGUYỄN XUÂN PHÚC

Phát triển dưới tán rừng nguyên sinh, tận dụng môi trường trong lành, thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng, sâm Ngọc Linh tích tụ dược chất quý hiếm và bám rễ vào thảm thực bì để sinh tồn, phát triển. Từ khi phát hiện đến nay, đã có rất nhiều nghiên cứu về việc di thực giống sâm Ngọc Linh đến một số vùng ở cùng điều kiện độ cao và yếu tố sinh thái khác nhưng vẫn chưa có nghiên cứu nào mang lại kết quả như mong muốn. Điều này một lần nữa khẳng định, sâm Ngọc Linh là cây bản địa Việt Nam, đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh, nơi có đỉnh Ngọc Linh cao 2.800m. Do những tính chất đặc biệt nổi trội của cây sâm Ngọc Linh và giá trị kinh tế của loại dược liệu này, trên thị trường đang trở nên “nóng bỏng”; cây sâm đã trở thành cây trong danh mục sách đỏ của Việt Nam (năm 1994).

Trong báo cáo nghiên cứu của PGS. TS. Trần Công Luận khẳng định, sâm Ngọc Linh hiện được xếp vào một trong 5 họ sâm đặc hữu quý hiếm có giá trị bậc nhất của thế giới. “Không có một loài sâm nào trên thế giới cho tới bây giờ mà lại có thành phần hợp chất Saponin - thành phần quyết định tác dụng sinh học cao trong nhân sâm nói chung, chiếm số lượng lớn như vậy. Cho đến bây giờ, đã phân lập và xác định được cấu trúc đến 52 hợp chất saponin có ở trong cây sâm phần dưới mặt đất tức là rễ, củ của sâm Việt Nam”, PGS. TS. Trần Công Luận khẳng định.

Chuẩn bị “bệ phóng” vươn tầm thế giới

Trước đó, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ để khẳng định danh tiếng và chất lượng của sâm Ngọc Linh. Dự Hội nghị về đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác diễn ra mới đây tại Kon Tum, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ký quyết định công nhận sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia, là “Quốc bảo”. Đây là bước đột phá giúp cho “báu vật” trên đỉnh Ngọc Linh có vị trí ngang tầm với các dòng sâm quý trên thế giới.

Với mong muốn đưa sâm Ngọc Linh đến với rộng rãi người dân, hiện thực hóa quyết tâm đưa sâm Ngọc Linh thực sự trở thành loài cây quốc kế dân sinh, UBND tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức triển lãm di sản văn hóa sâm Ngọc Linh Kon Tum với tên gọi “Báu Vật Đại Ngàn”. Thêm một mốc son mới trên chặng đường phát triển cây sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum, trong việc theo đuổi mục tiêu khẳng định giá trị của các dòng sản phẩm chế phẩm từ sâm Ngọc Linh. Đặc biệt, là kỳ vọng của người đứng đầu Chính phủ trong việc biến loài cây “quốc bảo” trở thành quốc kế dân sinh.

Ngoài tài liệu lịch sử trong phát hiện, nghiên cứu, bảo tồn nguồn giống gene gốc, nhân giống và phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng, UBND tỉnh Kon Tum cũng giới thiệu đầy đặn các đặc điểm về môi trường, cảnh quan, sự đa dạng sinh học của không gian sinh tồn sâm Ngọc Linh, cùng những giá trị đặc biệt của chế phẩm từ sâm Ngọc Linh.

Vui mừng trước bước đi bài bản trong việc đưa cây sâm đặc hữu từ vùng đại ngàn đến người dân cả nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đây là bước đi quan trọng và kịp thời nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng về tăng cường quảng bá, giới thiệu di sản lịch sử văn hóa của Kon Tum, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh đến với du khách trong và ngoài nước, góp phần xây dựng thương hiệu, thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum và khu vực miền Trung - Tây Nguyên”.

Với tất cả kỳ vọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đưa sâm Ngọc Linh từ quốc bảo trở thành quốc kế dân sinh sẽ làm nên dấu ấn lịch sử mới cho ngành dược liệu, ngành thực phẩm chức năng, đưa Kon Tum trở thành một địa chỉ hấp dẫn về địa lý cho thương hiệu sâm Ngọc Linh Việt Nam mang tầm quốc tế. Theo đó, để sâm Ngọc Linh, từ quốc bảo trở thành quốc kế dân sinh, cần xây dựng chiến lược tổng thể, làm tốt ở tất cả các khía cạnh: Thông tin truyền thông, nghiên cứu phát triển, thu hút khởi nghiệp, phát huy vai trò nòng cốt của các doanh nghiệp. Qua đó, sâm Ngọc Linh có thể đem lại những giá trị độc đáo cho hình ảnh của quốc gia như sâm Hàn Quốc và trở thành một yếu tố hấp dẫn du lịch.

MẠNH TUÂN