Thanh tịnh hóa thân tâm và trang nghiêm quốc độ, cảnh giới

- Thứ Sáu, 08/03/2013, 08:33 - Chia sẻ
Góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của THƯỢNG TỌA THÍCH HUỆ PHƯỚC tại kỳ họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế

Nhận thức được mục đích và tầm quan trọng của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Dự thảo), Trung ương Giáo hội đã có thông tư hướng dẫn các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo tổ chức hội nghị lấy ý kiến của Tăng Ni, Phật tử trên toàn quốc; tại Thừa Thiên Huế, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh cũng đã có kế hoạch tổ chức Hội nghị vào ngày 12.3.2013 sắp tới để đón nhận ý kiến của Tăng, Ni, Phật tử tỉnh nhà đóng góp vào Dự thảo.

Hôm nay, với tư cách là đại biểu Hội đồng nhân dân, cá nhân tôi xin được bày tỏ một vài nhận xét và đóng góp về Dự thảo như sau.

Trước hết, tôi đồng tình cao với nội dung bản Dự thảo gồm Lời nói đầu, 11 Chương và 124 Điều mà Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nghiên cứu về quan điểm, mục đích, yêu cầu phù hợp, xác đáng mang tính thời đại để xây dựng Dự thảo. Qua đó, tôi thấy Dự thảo có nhiều điều tích cực như quyền con người được cụ thể hóa và nâng cao; khẳng định vai trò của Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; thiết lập nền kinh tế Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có nhiều thành phần kinh tế và nhiều hình thức sở hữu v.v...

Tôi tâm đắc với Hiến pháp lần này được bổ sung 11 điều mới, đặc biệt Điều 21 quy định quyền sống; Điều 68 quy định quyền và trách nhiệm bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên... bởi lẽ theo quan điểm của Phật giáo về nhân sinh và vũ trụ thì trên đời sự sống có giá trị cao nhất và con người đạo đức phải là những người có ý thức rèn luyện thanh tịnh hóa thân tâm và trang nghiêm quốc độ, cảnh giới.

Bản Dự thảo thể hiện rất rõ sự tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân không tách rời nghĩa vụ, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường kỷ cương xã hội đồng thời phát huy xây dựng sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.

Thứ nữa, tôi cũng xin bày tỏ sự đồng tình với những ý kiến của nhiều đại biểu đã trình bày, đặc biệt là ý kiến của ông Trần Thanh Bình, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, phát biểu về thể chế chính trị của đất nước, về hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên, không nên phân biệt dân tộc thiểu số hay không thiểu số, về định hướng kinh tế xã hội chủ nghĩa trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo v.v... Ở đây để khỏi mất thời gian, tôi không trình bày những ý kiến trùng lặp, chỉ xin nêu một số vấn đề liên quan trong phạm vi, lãnh vực tôn giáo được quy định tại Điều 25 của Dự thảo. Điều 25 (sửa đổi, bổ sung Điều 70), có 3 khoản.

Tại Khoản 1, Hiến pháp năm 1992 ghi “Công dân có quyền...”, nay trong Dự thảo ghi “Mọi người có quyền...” đã thể hiện tính tích cực mở rộng và đề cao quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước.

Khoản 2, “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ”. Theo tôi, riêng Phật giáo thì nơi thờ tự là Phật điện, Tổ đường, Linh đường, Thánh tích, Tượng đài, Bảo tháp... là nơi nuôi dưỡng đời sống tâm linh, đạo hạnh thì hầu hết ở trong các tự viện. Ngoài các tự viện thì Phật giáo còn có nhiều cơ sở phục vụ về y tế, xã hội, văn hóa, giáo dục... như Bệnh viện Phật giáo, Tuệ Tĩnh đường, Phòng khám từ thiện, tư vấn sức khoẻ; Ký nhi viện, Nhà dưỡng lão, Lớp dạy nghề...; Trung tâm văn hóa Phật giáo, Tàng kinh cát, Thư viện, Thư quán, Hội trường, Giảng đường...; Học viện Phật giáo, Trường Phật học gồm các bậc cao đẳng, trung cấp, cơ bản và các trường mầm non tư thục... Các tôn giáo bạn cũng có những cơ sở tương tự. Những cơ sở này mặc dù lâu nay chưa quy định cụ thể bằng văn bản nhưng trên thực tế cũng được Đảng, Nhà nước và nhân dân bảo hộ như nơi thờ tự. Do đó, tôi mong ước và đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh đề đạt lên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Quốc hội để được đưa vào Hiến pháp trong lần sửa đổi này; và như vậy, Khoản 2 đề nghị ghi “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ”. Xin cảm ơn Hội đồng.