Diễn đàn Trẻ em quốc gia 2019

Thấu hiểu và hành động

- Chủ Nhật, 18/08/2019, 09:08 - Chia sẻ
Trong 3 ngày, từ 14 - 17.8, 169 em đại diện cho hơn 26 triệu trẻ em cả nước cùng cất lên tiếng nói, nguyện vọng về những vấn đề liên quan đến trẻ em. Thông điệp đưa ra tại Diễn đàn Trẻ em quốc gia lần thứ 6 này là “Lắng nghe tiếng nói của trẻ em bằng trái tim, đáp ứng nguyện vọng của trẻ em bằng hành động”.

6 nhóm vấn đề thực tiễn

“Bạn A là nữ, gia đình làm nông, sau giờ học bạn phải giúp bố mẹ làm việc nhưng vẫn thường xuyên bị bố mẹ đánh đập, chửi bới. Thầy bói nói rằng người em trai của bạn sau này sẽ thành đạt, còn bạn thì không. Vì vậy, bố mẹ bạn chỉ tập trung lo cho người em còn bỏ bê người chị. Trên người bạn thường có nhiều vết tím tái vì bị đánh. Đây là hình thức bạo lực trẻ em cả thể chất lẫn tinh thần”.

“Bạn B là học sinh yếu và bị bạn bè ở lớp coi thường. Do nghĩ rằng kiếm được nhiều tiền thì mình sẽ là người trưởng thành, bạn nghe theo lời của một chú ở quán nước gần trường và hy vọng có một công việc kiếm được rất nhiều tiền. Sau đó B nghỉ học, xin vào làm việc ở một công trình xây dựng. Trong quá trình làm việc, bạn gặp tai nạn, bị miếng ván lót trên giàn giáo rơi trúng lưng gây chấn thương cột sống. Vì tương lai tươi sáng của mình, hãy nói không với lao động trẻ em”. 

Đây là hai câu chuyện có thật được các em nhỏ nêu ra tại Diễn đàn Trẻ em quốc gia lần thứ 6. Trên tinh thần: “Trẻ em lên tiếng - Trẻ em khởi xướng - Trẻ em cùng hành động”, 169 bạn nhỏ ở 41 tỉnh, thành phố, Làng Trẻ em SOS Việt Nam, Hội đồng trẻ em và Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An cùng thảo luận về 6 nhóm vấn đề xuất phát từ thực tiễn đời sống của các em: Phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; An toàn trên môi trường mạng; Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em; Phát triển toàn diện cho trẻ em.


Thông điệp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại Diễn đàn Trẻ em quốc gia lần thứ 6
Ảnh: T. Minh

Bằng hình thức sân khấu hóa, mỗi nhóm đề tài được các em đưa ra thông điệp cụ thể, mạnh mẽ, chẳng hạn: Đừng biến trẻ thành người lớn. Hãy để trẻ sống đúng với lứa tuổi; Người lớn sống sao, trẻ em sống thế… Trong đó có những thông điệp được các em gửi tới chính các bạn nhỏ như: Internet là bạn tốt, đừng biến nó thành bạn xấu, Hãy “chơi” mạng xã hội, đừng để mạng xã hội “chơi” mình... Có thể nói, đó chính là ý thức chủ động suy nghĩ, chịu trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay. Đó cũng là động lực cho những thông điệp mà trẻ em đưa ra được tôn trọng và trở thành hành động thực tiễn.

“Không để thông điệp nằm trên giấy”

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng, đây chính là cơ hội để các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, gia đình, nhà trường, cộng đồng lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của trẻ em, từ đó tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn Luật Trẻ em và các nghị định, chỉ thị, đề án của Chính phủ trong việc cụ thể hóa thực hiện Luật trẻ em cũng như các cam kết bảo đảm quyền trẻ em... Thứ trưởng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh đồng tình, nhấn mạnh đến trách nhiệm đối với trẻ em dân tộc thiểu số: “Nước ta có 54 dân tộc anh em thì có 53 dân tộc thiểu số. Trẻ em dân tộc thiểu số có tiếng nói khát vọng chung với trẻ em cả nước, nhưng các em còn có khó khăn hơn do ở vùng nông thôn, sâu vùng xa, không có nhiều điều kiện vui chơi, học tập... càng cần sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thể hiện bằng chính sách cụ thể”.

Nhìn vấn đề của trẻ em trong giáo dục, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa chỉ ra trách nhiệm của Bộ trong đáp ứng quyền và nguyện vọng được học tập, bảo đảm chất lượng học tập của trẻ em. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục thời gian qua chính là nhằm đến mục tiêu này, nhưng còn rất nhiều khó khăn, bất cập mà các em nêu lên: Nặng kiến thức lý thuyết, thiếu giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường... Lắng nghe các ý kiến là cơ sở để những người làm công tác giáo dục tiếp thu, làm tốt hơn nữa trong tiến trình đổi mới giáo dục đào tạo.

Câu chuyện, thông điệp mà trẻ em đưa ra để những người có trách nhiệm suy nghĩ, tạo cho các em môi trường sống lành mạnh, tốt đẹp từ gia đình, nhà trường ra xã hội. Nhận định như vậy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy tâm tư về những vấn đề xảy ra trong thời gian qua như bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất, vui chơi cho trẻ... “Bản thân các em ngày càng trưởng thành trong nhận thức và suy nghĩ để tự cất lên tiếng nói, mong muốn của mình. Liên quan đến vấn đề trẻ em có 4 chủ thể: Trung tâm là trẻ em, rồi đến gia đình, nhà trường, xã hội mà văn hóa gia đình chính là nền tảng căn bản cần chú trọng đặc biệt giúp các em phát triển. Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe các em để có những chương trình hành động thực tiễn”.

Ghi nhận những nỗ lực lắng nghe và hành động của Việt Nam trong những năm qua trong vấn đề trẻ em, Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Lesley Miller chỉ ra vấn đề: Chính phủ sẽ đóng vai trò chủ chốt, song kết quả của quá trình này còn là sự liên kết của nhiều nhóm, tổ chức chính trị xã hội, gia đình... để tạo nên giải pháp gốc rễ cho những vấn đề về trẻ em”. Cùng quan điểm này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết sẽ tiếp thu các khuyến nghị, thông điệp của các bạn trẻ đưa ra tại Diễn đàn Trẻ em quốc gia 2019 và tổ chức thực hiện các khuyến nghị đó là trách nhiệm của tất cả mọi người. “Quan trọng hơn cả là từ suy nghĩ đến hành động, hành động ở nhiều mức, không chỉ ở các diễn đàn, hội nghị, ở trên giấy mà phải đi vào cuộc sống. Hãy bằng việc làm thật cụ thể, thiết thực, đừng để lời kêu gọi, thông điệp về vấn đề trẻ em chỉ nằm trên bàn giấy”.

Thái Minh