Thay đổi tích cực trong công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

- Thứ Tư, 11/09/2019, 08:07 - Chia sẻ
Sau hơn 6 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nghị quyết 21 thể hiện sự quan tâm sâu sắc, toàn diện của Đảng, Nhà nước đến công tác BHXH, BHYT; nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, xã hội, doanh nghiệp, nhân dân trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới, có địa hình phức tạp, địa bàn rộng, dân cư nằm rải rác khắp các xã vùng sâu, vùng xa giao thông đi lại hết sức khó khăn nên việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích cũng gặp không ít khó khăn, như: Thời gian giao nhận hồ sơ và trả kết quả còn chưa kịp thời, giao nhầm địa chỉ, hồ sơ thất lạc… Vì vậy, thời gian đầu, nhiều đơn vị không thực hiện và muốn trực tiếp giao dịch với cơ quan BHXH.


Trước tình trạng trên, BHXH tỉnh Điện Biên đã phối hợp chặt chẽ với bưu điện tỉnh, ban hành các văn bản hướng chỉ đạo quyết liệt đến BHXH và Bưu điện các huyện, thị, thành phố thực hiện nghiêm túc công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu điện, tuân thủ đúng quy trình, bảo đảm an toàn, hiệu quả. Tích cực tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh về lợi ích của dịch vụ tiếp nhận và trả kết quả TTHC. Đồng thời, cung cấp danh sách số điện thoại là các đầu mối tiếp nhận hồ sơ của bưu điện để các đơn vị sử dụng lao động thuận tiện liên hệ khi phát sinh nhu cầu giải quyết TTHC. Củng cố mạng lưới phủ đến tận xã, thuận tiện cho việc cung cấp dịch vụ đến tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng. Hiện nay, trên toàn tỉnh đã có 107 điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích của bưu điện. Số lượng nhân viên bưu điện tham gia vào công tác tiếp nhận và trả kết quả TTHC trên địa bàn tỉnh Điện Biên là 158 nhân viên, cơ bản đáp ứng tốt công tác tiếp nhận và trả kết quả TTHC.

Năm 2018, BHXH tỉnh Điện Biên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kế hoạch đề ra trên các mặt công tác: thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), giải quyết chế độ BHXH cho người lao động, kế hoạch tài chính, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giám định khám chữa bệnh BHYT. Tính đến hết tháng 6.2019, toàn tỉnh đã có số người tham gia BHXH, BHYT là 588.298 người, tăng 794 người (0,1%) so với tháng trước, tăng 18.879 người (3,3%) so với cùng kỳ năm trước (do chủ yếu tăng trẻ em dưới 6 tuổi), đạt 101,2 % kế hoạch BHXH Việt Nam

Năm 2019, BHXH tỉnh Điện Biên tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22.11.2012 của Bộ Chính trị, Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân; đẩy mạnh các biện pháp để tuyên truyền vận động mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, tập trung phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT theo hộ gia đình. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại các đơn vị sử dụng lao động và doanh nghiệp trên địa bàn. Giải quyết kịp thời, chính xác chế độ BHXH, BHTN, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ theo hướng đơn giản hóa, giảm thời gian giao dịch….

Theo ông Trần Minh Tuấn - Giám đốc BHXH tỉnh, để công tác tuyên truyền được hiệu quả, ngoài việc đổi mới, sáng tạo và khéo léo, BHXH Điện Biên luôn chú trọng phát triển các “cầu nối”- là mạng lưới nhân viên đại lý thu đến tận thôn bản. Theo ông Tuấn, hiện nay, BHXH tỉnh có 5 hệ thống đại lý (UBND xã, Bưu điện, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Trạm y tế) với hơn 300 nhân viên, liên tục được tập huấn, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ. Trong quý I.2019, đã phối hợp với Bưu điện tổ chức 26 hội nghị tuyên truyền, giúp phát triển được 353 đối tượng tham gia.

Ông Tuấn cũng cho biết, để tăng cường mối quan hệ trong công việc, BHXH tỉnh còn khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, viên chức tham gia các lớp học tiếng dân tộc (chủ yếu là tiếng Thái và tiếng Mông). Đồng thời, đào tạo, trang bị cho nhân viên đại lý thu kiến thức pháp luật BHXH, BHYT với phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Vì thế, hệ thống đại lý đã khéo léo lồng ghép, kết hợp với những hoạt động thường xuyên ở xã, bản để đề ra sáng kiến “Bỏ ống tiết kiệm giúp nhau tham gia BHXH tự nguyện”.

Thu Hoài