Thêm một vài đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

- Thứ Tư, 06/03/2013, 21:19 - Chia sẻ
Sau bài “Cần một Hiến pháp cơ bản và ổn định”, bài viết này góp ý trên nội dung các quy định liên quan đến quyền con người và quyền công dân, đảm bảo Hiến pháp là đạo luật cơ bản và cao nhất, đối tượng và nội hàm của Hiến pháp, Hiến pháp với toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế.
Quyền con người và quyền công dân

1. Quốc hội đầu tiên của Pháp, sinh ra từ cuộc Cách mạng 1789, đã thông qua ngay trong năm này Tuyên ngôn về quyền con Người và quyền công dân.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua ngày 10.12.1948 tại Paris Tuyên ngôn toàn cầu về quyền con Người (Tuyên ngôn 1948)(1),. Tuyên ngôn này, ngoài Lời nói đầu, có 30 điều quy định các quyền con Người.

Vậy đề cập đến quyền con người hay quyền cơ bản công dân hay cả hai?

Các quyền con người được phân ra các quyền - tự do (như quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, quyền tự do có chính kiến và tự do ngôn luận, quyền tự do đi lại và lựa chọn nơi cư trú trong nước, quyền ra nước ngoài và trở về nước, …) và các quyền mà sự hưởng thụ cần đến sự can thiệp của Nhà nước mới thực hiện được (như các quyền: quyền học tập, được chăm sóc sức khỏe, quyền được làm việc, …). Với loại quyền thứ hai này Nhà nước có nhiệm vụ tạo ra cơ hội ngang nhau cho mọi người dân được thụ hưởng.

Hiểu theo ý nghĩa này, sự phân biệt ra quyền con người và quyền công dân không phải là điều quan trọng nữa, mà cốt lõi là mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân trong việc tôn trọng và thực hiện các quyền con người.

2. Các quyền con người không phải là không có giới hạn. Nghĩa vụgiới hạn được quy định rõ và súc tích chỉ trong một điều, Điều 29 của Tuyên ngôn 1948:

Điều 29

1. Mỗi người có những nghĩa vụ đối với cộng đồng mà chỉ trong cộng đồng đó mỗi người mới có thể phát triển tự do và đầy đủ. 

2. Trong thực hiện các quyền và trong thụ hưởng các tự do của mình, mỗi người chỉ bị các hạn chế do luật pháp quy định nhằm bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng các quyền và tự do của người khác, và để thỏa mãn các đòi hỏi chính đáng về mặt đạo đức, về trật tự công cộng và về sự an vui chung trong một xã hội dân chủ.

Điều 29 này là cơ sở pháp lý cơ bản để xây dựng Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự và các luật khác có liên quan, và không phải sử dụng trong Hiến pháp mỗi lúc các từ nghiêm cấm, nghiêm trị.

Trong Điều 29, luật pháp (trong do luật pháp quy định) không được quy định bất cứ điều gì nhằm hạn chế quyền con người ngoài hai mục đích: (1) để bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng các quyền và tự do của người khác; (2) vì đạo đức, trật tự công cộng, vì sự an vui chung trong một xã hội dân chủ.

3. Vai trò của Nhà nước là cần thiết để người dân có thể hưởng thụ được các quyền, đặc biệt các quyền về kinh tế xã hội. Đây là trách nhiệm của Nhà nước chứ không phải là ân huệ mà Nhà nước ban phát.

Vì các lẽ nêu lên trên đây, Bách khoa toàn thư Larousse nhấn mạnh: Hiến pháp chế định mối quan hệ qua lại giữa Nhà nước pháp quyền (bộ máy cầm quyền) và công dân (những người dưới quyền quản lý của Nhà nước) nhằm bảo đảm người dân được hưởng các quyền con người.

Nhiệm vụ bảo hiến vì vậy là cần thiết để, trong trường hợp này, bảo đảm rằng Hiến pháp được tôn trọng và tuân thủ.

Bảo đảm Hiến pháp là đạo luật cơ bản, cao nhất

Điều 123 của dự thảo Hiến pháp viết:

“Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất.

Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.

Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.”

Muốn vậy, trước tiên mỗi điều trong Hiến pháp phải là một quy định luật pháp rõ ràng và được hiểu thống nhất.

Những cụm từ “theo luật định”, “theo quy định của pháp luật”, “do pháp luật quy định” cần được cân nhắc kỹ trước khi sử dụng vì chúng có thể chi phối, hạn chế, thậm chí vô hiệu hóa các quy định của Hiến pháp.

Tưởng cũng cần lưu ý trước tiên rằng có sự khác biệt giữa pháp luậtluật pháp, cũng như giữa dotheo.

Trong Hiến pháp 1946 cụm từ “do luật định” được sử dụng tất cả 5 lần.

Trong dự thảo Hiến pháp, cụm từ “do luật định” được sử dụng 20 lần, “do pháp luật quy định” 1 lần, “theo quy định của pháp luật” 1 lần, tất cả là 22 lần.

Số lần được sử dụng có ý nghĩa của nó, nhưng quan trọng hơn là nội dung. Cụ thể:

Điều thứ 42 của Hiến pháp 1946 quy định: “Phụ cấp của nghị viên sẽ do luật định”. Ý nghĩa của cụm từ “do luật định” không làm sụt giảm vị trí, vai trò và chức năng của nghị viên và Nghị viện. Luật ở đây ở cấp dưới và không chi phối Hiến pháp.

Điều 37, khoản 2 của dự thảo Hiến pháp quy định:

“2. Không ai được tự ý vào chỗ ở hợp pháp của người khác nếu không được người đó đồng ý.

Việc khám xét chỗ ở do luật định.”

Trong cùng một điều khoản, đoạn sau có thể giới hạn quy định của đoạn ngay trước đó. Luật nào? Như vậy phải chăng dự thảo Hiến pháp cho phép tồn tại những luật ngang hàng với Hiến pháp, chi phối Hiến pháp hay không?

Ngoài ra dự thảo Hiến pháp sử dụng 3 lần cụm từ “trong những trường hợp cần thiết” và hai lần cụm từ “trong trường hợp (thật) cần thiết” 2 lần.

Thiết nghĩ cần quy định thiết chế nào được Hiến pháp giao cho quyền đánh giá tínhcần thiết”, tính “thật cần thiết” của trường hợp.

Về đối tượng và nội hàm của Hiến pháp

Trong một bài viết trước(2), trích dẫn các tự điển và bách khoa toàn thư hiện đang thông dụng, cho thấy Hiến pháp là đạo luật căn bản của một quốc gia quy định chế độ chính trị, các quyền cơ bản của công dân, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

Là đạo luật căn bản của một quốc gia, thiết nghĩ cũng cần đặt câu hỏi: tại sao Hiến pháp chỉ quy định ba mảng nội dung này?

Hiến pháp 1946 của Việt Nam trong 7 chương, 70 điều cũng quy định như vậy.

Trong các bản Hiến pháp tiếp sau đó nội dung và số điều ngày càng nhiều lên. Dự thảo lần này có 11 chương, 124 điều. Tuy số điều có giảm đi đôi chút so với Hiến pháp hiện hành nhưng nội dung thì tăng thêm.

Dự thảo Hiến pháp nhiều nội dung hơn nhưng thiếu vẫn thiếu.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định ở Điều 9. Nếu đã nói đến Công đoàn (Điều 10) thì tại sao không có Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các tổ chức khác cũng rất chính đáng để được đề cập?

Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc không chỉ nhìn về bên trong (Điều 2 khoản 2), không chỉ liên quan đến lực lượng vũ trang (Chương IV) mà còn về kinh tế, văn hóa, môi trường, và không thể tách rời với các tác động từ bên ngoài (nhất là trong bối cảnh thế giới ngày nay) cần được thiết kế lại cho toàn diện.

Có lập luận cho rằng các mối quan hệ trong xã hội là một hệ thống ngày càng phức hợp, đan chéo nhau, vì vậy có nhiều nội dung là tất yếu. Nhưng chẳng lẽ vì vậy mà Hiến pháp cứ “phồng lên”. Vậy hệ tiêu chí nào để dừng lại?

Theo lược ghi bài phát biểu của lãnh đạo Đảng gần đây, xây dựng Đảng gắn với việc sửa đổi Hiến pháp; Hiến pháp phải thể hiện đường lối của Đảng; Hiến pháp phải thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)(3),.

Thời gian hết hạn góp ý với dự thảo Hiến pháp không còn nhiều, thiết nghĩ Ban soạn thảo cần nói rõ đối tượngnội hàm của Hiến pháp, từ đó Hiến pháp quy định những gì thiết yếu nhất, để Hiến pháp thật sự là đạo luật gốc, cơ bản và cao nhất trong hệ thống nội luật của đất nước.

Hiến pháp với toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế

Từ những thập niên cuối thế kỷ XX, toàn cầu hóa kinh tế, tự do hóa thương mại, và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ.

Sửa đổi Hiến pháp lần này cần được đặt trong bối cảnh này vì là lần đầu tiên.

Việc gia nhập WTO, ký kết Hiệp định thương mại song phương BTA với Hoa Kỳ cho thấy sự ràng buộc chặt chẽ của hệ thống nội luật vào các quy định của các định chế quốc tế, các điều ước đa phương và song phương.

Mâu thuẫn với Hiến pháp quốc gia hoàn toàn có thể (và đã) xảy ra. Trong những trường hợp như thế cách xử lý thế nào? Đây là một nội dung rất cần được dự thảo Hiến pháp quy định.

Thực tế tình hình thế giới cho thấy vấn đề dân tộc, tôn giáo, lợi ích kinh tế vẫn chi phối mạnh mẽ đến chính trị quốc gia và quốc tế, thậm chí còn dẫn đến chiến tranh cục bộ mà các cường quốc không ngần ngại khoác cho nó một sứ mệnh “văn minh”, “dân chủ”, tương tự như chủ nghĩa thực dân đã làm ở các thế kỷ trước cách nay không xa.

__________________________________
 
1. Việt Nam là một trong 160 quốc gia đã ký vào Tuyên ngôn này.

2. Nguyễn Ngọc Trân, Cần một Hiến pháp cơ bản và ổn định, Báo Đại biểu nhân dân, số 53, ngày 22.02.2013.

3. Theo Lược ghi bài nói của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phú Thọ và Vĩnh Phúc, Báo Đại biểu nhân dân,  ngày 27.2.2013.

Gs. Tskh. Nguyễn Ngọc Trân
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại