Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và 3 bộ, ngành

- Thứ Ba, 19/03/2024, 13:51 - Chia sẻ

Sáng 19.3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải -  Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.01.2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” đã chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và 3 Bộ, ngành -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và 3 bộ, ngành

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng Đoàn giám sát; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng Đoàn giám sát; các thành viên Đoàn giám sát; đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Y tế...

Các mục tiêu, chỉ tiêu tại Nghị quyết số 43 đều đạt kết quả tích cực

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và 3 bộ, ngành, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị 5 quan điểm, 3 mục tiêu, chỉ tiêu, các chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách khác để hỗ trợ thực hiện Chương trình, phương án huy động nguồn lực, các cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án đầu tư thuộc Chương trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và 3 Bộ, ngành -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc

Căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã quy định 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, phương án huy động và bố trí nguồn lực thực hiện từng nhiệm vụ, đồng thời đã xác định nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình, thời hạn cụ thể.

Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao, thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra, đã ban hành đầy đủ 17/17 văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại nghị quyết.

“Đây là nỗ lực rất lớn khi nhiều chính sách có nội dung mới, chưa có tiền lệ, chưa từng được triển khai trước đây nhưng đã được nghiên cứu, xây dựng theo trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được đánh giá tác động trước khi ban hành. Các chính sách mang tính nhân văn, hướng đến việc hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và chia sẻ khó khăn của người dân và doanh nghiệp, đã phát huy hiệu quả, được người dân, doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế đánh giá cao”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quang Phương nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và 3 Bộ, ngành -0
Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát và Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, 3 bộ, ngành

Đánh giá kết quả cụ thể trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 quy định, báo cáo của các cơ quan tại cuộc làm việc đều cho thấy các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại nghị quyết đã đạt được kết quả tích cực. Kinh tế nước ta đã phục hồi và phát triển, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn… Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, là mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Tăng trưởng GDP trong năm 2023 là 5,05%, mặc dù thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng là mức khá cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực, phục hồi tích cực hơn qua từng quý và đồng đều, tăng trên cả 3 khu vực của nền kinh tế.

Về tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân, theo các báo cáo, tổng số tiền miễn, giảm thuế, phí, lệ phí thực hiện theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP của Chính phủ là 61.036 tỷ đồng, đạt 95% số dự kiến khi xây dựng Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Số tiền thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, tiêu thụ đặc biệt cũng đạt mức cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và 3 Bộ, ngành -0
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trình bày báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 43 và các nghị quyết của Quốc hội về một số công trình quan trọng quốc gia

Về việc thực hiện chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã quyết tâm, nỗ lực hoàn thiện thủ tục đầu tư cần thiết các dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình trong thời gian ngắn, bao gồm cả các dự án quan trọng quốc gia, dự án quy mô lớn, yêu cầu phức tạp, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, địa phương, nỗ lực triển khai để giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình. Do vậy, tổng vốn đầu tư của Chương trình đã giải ngân ước đến 31.1.2024 là 88.287 tỷ đồng, bằng 66,4% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tại các báo cáo cũng nêu rõ một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, công tác giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Nghị quyết số 110/2023/QH15 về Kỳ họp thứ Sáu của Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đến hết năm 2024, nhưng đến nay một số dự án vẫn chưa hoàn thành việc phê duyệt đầu tư làm căn cứ để giao vốn trong năm 2024.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và 3 Bộ, ngành -0
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng trình bày báo cáo của Bộ Tài chính về thực hiện Nghị quyết số 43 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia

Trong triển khai chính sách hỗ trợ 2%  lãi suất cho vay qua các ngân hàng thương mại có tình trạng khách hàng đủ điều kiện từ chối nhận hỗ trợ lãi suất do tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra, cân nhắc giữa lợi ích từ chính mức hỗ trợ lãi suất và chi phí phải bỏ ra khi nhận hỗ trợ (theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm).

Các chính sách hỗ trợ cho đơn vị, người lao động của ngành y tế đều theo chính sách chung, chưa quan tâm đến đặc thù của ngành, trong khi quy trình, thủ tục, hồ sơ không được quy định trong các chính sách, văn bản hướng dẫn của Chính phủ nên mất nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ, thủ tục. Thực hiện chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm đạt nhiều kết quả tích cực, với tiến độ giải ngân tốt, nhưng có một số địa phương rà soát đối tượng chưa sát thực tế, giải quyết hồ sơ trong thời gian đầu còn chậm...

Đánh giá kỹ hơn việc thực hiện cơ chế đặc thù với các dự án quan trọng quốc gia

Ghi nhận 5 bộ, cơ quan đã có báo cáo và giải trình những nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ liên quan đến chuyên đề giám sát, làm rõ thêm các vấn đề trong thực tiễn triển khai các nghị quyết của Quốc hội, các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị, các bộ, cơ quan cần thẳng thắn chỉ rõ những chính sách chưa hiệu quả; nguyên nhân chủ quan, khách quan, bài học kinh nghiệm. Đồng thời, các bộ, ngành, cơ quan cần phối hợp tích cực hơn nữa để có đủ số liệu, phương pháp đánh giá tác động, từ đó có kết quả đầu ra với định lượng tối đa; báo cáo rõ hơn các vướng mắc, khó khăn về chính sách, pháp luật… 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và 3 Bộ, ngành -0
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận trình bày báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 43 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia

Một số ý kiến lưu ý, các chính sách về miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, phí, lệ phí là điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, nhưng vẫn có thể thực hiện tốt hơn nữa. Do vậy, các bộ, ngành cần phối hợp nghiêm túc rút kinh nghiệm, tham mưu Chính phủ trong ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai các chính sách trong thời gian tới.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, trước tình hình đất nước vô cùng khó khăn, Nghị quyết số 43/2022/QH15 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường với nguồn lực lớn, nhiều chính sách chưa có tiền lệ đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid - 19.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và 3 Bộ, ngành -0
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận các bộ, ngành đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết; nhiều chính sách đã phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, do một số chính sách chưa đạt được như kỳ vọng, mục tiêu đề ra khi ban hành nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các bộ, ngành, cơ quan cần tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm trong việc ban hành và triển khai các chính sách, nhất là các chính sách ban hành trong tình hình đặc biệt để xử lý tình huống đặc biệt, cấp bách; đánh giá kỹ hơn về việc thực hiện cơ chế đặc thù của các dự án đầu tư sử dụng vốn chương trình và các dự án quan trọng quốc gia...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và 3 Bộ, ngành -0
Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng báo cáo với Đoàn giám sát

Ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất của các bộ, ngành, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp vào báo cáo giám sát và dự thảo nghị quyết giám sát trình Quốc hội. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần khẩn trương, tiếp tục rà soát, tổng hợp đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, nhất là vướng mắc trong triển khai các dự án quan trọng quốc gia, dự án sử dụng vốn của Chương trình để xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ báo cáo Quốc hội nếu có các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước tích cực, trách nhiệm phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện nội dung này.

Thanh Hải
#