Thông điệp văn hóa qua biểu tượng cảm xúc

- Thứ Ba, 11/08/2020, 08:03 - Chia sẻ
Chỉ vài ngày sau khi được đăng tải lên trang cá nhân, bộ biểu tượng cảm xúc “54 dân tộc anh em” đã nhận hàng chục nghìn lượt yêu thích và chia sẻ trên mạng xã hội. Đó là cách chàng trai sinh năm 1993 Nguyễn Minh Ngọc dùng những hình vẽ để truyền tải thông điệp về văn hóa Việt, qua dự án mang tên “Nhỏ to Việt Nam”.

Emoji “54 dân tộc anh em”

- Điều gì khiến anh lựa chọn chủ đề 54 dân tộc để bắt đầu dự án giới thiệu văn hóa qua emoji có tên “Nhỏ to Việt Nam”?

- Emoji là những biểu tượng cảm xúc được giới trẻ sử dụng cực kỳ phổ biến. Tuy nhiên, trên bảng emoji chỉ có duy nhất cờ đỏ sao vàng để nhận diện nên mình muốn làm gì đó để thêm dấu ấn Việt Nam trong kho tàng ngôn ngữ emoji, đồng thời đưa văn hóa Việt đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đó là lý do “Nhỏ to Việt Nam” hình thành. Có một thực tế, chúng ta hầu như ai cũng từng nghe cụm từ “54 dân tộc anh em”, thế nhưng bao nhiêu người hiểu biết hoặc đơn giản là đọc được tên, nhận dạng được 54 dân tộc? Câu trả lời là không nhiều. Mình suy nghĩ làm sao thay đổi tình trạng ấy và đầu tiên chọn vẽ trang phục 54 dân tộc.

- Vì sao anh tin rằng việc tạo ra các emoji sẽ có thể góp phần thay đổi tình trạng hiểu biết hơn về các dân tộc?

- Hình ảnh của các dân tộc luôn hiện hữu sẵn ở đâu đó rồi, hoàn toàn có thể chủ động tìm hiểu, nhưng việc tạo ra emoji về các dân tộc Việt Nam thì chưa ai làm. Emoji nhìn khá đáng yêu và gần gũi. Đấy chính là yếu tố mới lạ, thú vị để mọi người tò mò, tương lai nó có thể là biểu tượng để bình luận trên mạng xã hội. Song hướng khai thác chính của dự án là nhằm vào giáo dục, bằng cách nhấn vào từng hình ảnh sẽ cho ra thông tin liên quan, qua đó mọi người sẽ hiểu biết hơn về truyền thống văn hóa các dân tộc. Hiện tại, mình đã cập nhật trên kênh instagram nhưng cũng đang lên kế hoạch tạo ra một trang web chính thức, đồng thời sáng tạo dưới nhiều dạng thức khác nữa để thông tin tiếp cận nhiều đối tượng hơn.

- Không biết anh đã tìm hiểu về các dân tộc như thế nào?

- Mình đi từ kênh chung nhất là Google, mặc dù nhận thấy thông tin nằm khá rải rác. Trong quá trình thực hiện, mình rút ra một số nguồn đáng tin cậy như: Cổng thông tin điện tử của Ủy ban Dân tộc - đầy đủ về 54 dân tộc tuy còn sơ lược; cuốn sách “Bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam” (1997) của Nguyễn Văn Huy; Số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Đặc trưng cơ bản của dân tộc thiểu số năm 2019 của Tổng cục Thống kê. Ngoài ra còn có nguồn của Ban Dân tộc, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV4), và một số báo địa phương. 

- Thực hiện dự án về “bức tranh” đa sắc của 54 dân tộc Việt Nam, khó khăn lớn nhất là gì?

- Như mình vừa nói, những kênh thông tin trên khá rời rạc, không đầy đủ, và đòi hỏi kiểm tra chéo rất nhiều. Có những dân tộc quá nhiều tư liệu như Kinh, Thái, Mông, Chăm... mình phải đọc kỹ, chắt lọc, lựa chọn thông tin chuẩn xác, nên sử dụng. Có những dân tộc lại quá ít thông tin, có kênh tư liệu để tên dân tộc này nhưng lại dùng hình của dân tộc khác, đọc miêu tả thì hoàn toàn không khớp với hình. Hoặc về cùng một dân tộc nhưng trên các trang khác nhau thông tin lại khác nhau...

Thông qua những hình vẽ emoji, Nguyễn Minh Ngọc muốn truyền tải văn hóa Việt Nam  

Thông điệp lớn qua những thứ nhỏ bé

- Cảm giác của anh khi chỉ sau vài ngày đăng tải, dự án đã nhận về hàng chục nghìn lượt yêu thích và chia sẻ như thế nào?

Nguyễn Minh Ngọc là họa sĩ minh họa tự do, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hiện sống và làm việc ở Singapore. Dự án “Nhỏ to Việt Nam” được hình thành ý tưởng từ tháng 12.2019 nhưng phải đến cuối tháng 4.2020, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Singapore, có nhiều thời gian ở nhà hơn nên anh Ngọc mới bắt tay thực hiện, ngày 2.8 đăng tải trên mạng xã hội. 

- Mình có bất ngờ. Ý tưởng của mình chỉ là vẽ những thứ nhỏ bé, không ngờ lại có rất nhiều người chia sẻ đến vậy. Như tên gọi “Nhỏ to Việt Nam”, chúng mình đã cùng nhau trò chuyện, từ những hình ảnh emoji nhỏ bé để hiểu về sự giàu đẹp, văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

- Có câu chuyện nào khiến anh ấn tượng không, trong suốt 4 tháng thực hiện cũng như những ngày vừa qua khi dự án được lan tỏa nhanh chóng trên mạng xã hội?

- Thực ra mình làm dự án này hoàn toàn độc lập nên trong quá trình thực hiện cũng không có câu chuyện đặc biệt. Song ấn tượng thì nhiều. Đó là sự ngạc nhiên vì văn hóa dân tộc giàu có hơn những gì nghĩ trước đó vô cùng. Thường khi nói đến trang phục dân tộc, ta tưởng tượng ngay ra màu sắc, hoa văn của người Mông, người Dao, người Thái... vì nó xuất hiện trên phương tiện truyền thông khá nhiều. Nhưng có những trang phục nhiều người không nghĩ là của Việt Nam, như dân tộc Bố Y nổi bật với màu áo bạc hà xanh, đội khăn có hoa; dân tộc Lô Lô lại đặc trưng với hoa văn tam giác ngang ngực ghép vào nhau, khác hẳn với hoa văn trang trí đường viền của các dân tộc khác...

Càng tìm hiểu, càng bất ngờ với văn hóa các dân tộc Việt Nam. Rồi khi đăng tải dự án, nhiều bạn dân tộc thiểu số đã liên lạc với mình, có bạn cảm ơn vì đã làm về cộng đồng của các bạn ấy, có bạn chia sẻ những điểm mình làm chưa chuẩn xác so với thực tế. Vì trong quá trình mình tự tìm hiểu sẽ không tránh khỏi sai sót nên mình cũng vô cùng cảm ơn các bạn ấy.

- Được biết, anh đang lên kế hoạch làm thêm các bộ emoji về món ăn, danh lam thắng cảnh, nhạc cụ và các ngành nghề đặc trưng ở Việt Nam... Anh kỳ vọng ra sao về những dự định ấp ủ đó?

- Như “54 dân tộc anh em”, mình không muốn dồn dập ép mọi người phải tiêu thụ một lượng kiến thức khổng lồ mà thay vào đó được chia thành những miếng nhỏ vừa ăn, hình thức đẹp mắt, gợi mở hứng thú của người đọc để họ tự tìm hiểu, khám phá sâu hơn. Cũng có một số người bạn nói với mình: Tôi cũng đang đi khắp các vùng miền để tìm hiểu văn hóa dân tộc và thấy dự án của bạn rất hay, không biết chúng ta có thể hợp tác theo một cách nào đó không? Chính những điều đó tiếp sức cho mình khả năng tiếp thu và lan tỏa văn hóa Việt Nam cho nhiều người hơn nữa, tự tin đi đến cùng với kế hoạch sắp tới - bắc một cây cầu văn hóa, dùng những thứ nhỏ bé để truyền tải thông điệp lớn hơn.

- Xin cảm ơn anh!

Lê Thư thực hiện