Thông thoáng nhưng tránh bị lợi dụng

- Thứ Hai, 07/10/2019, 08:11 - Chia sẻ
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi, “thông thoáng” về thủ tục, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 15 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, thủ tục đơn giản là cần thiết nhưng thông thoáng vẫn phải bảo đảm chặt chẽ để tránh bị lợi dụng.

Bổ sung trường hợp được chuyển đổi mục đích của thị thực

Theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (gọi tắt Luật số 47), thị thực không được chuyển đổi mục đích để tránh tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan, du lịch, sau đó xin chuyển đổi để thực hiện các mục đích khác, nhất là số người nước ngoài xin chuyển đổi mục đích ở lại Việt Nam để làm việc. Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, từ khi triển khai Luật số 47 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp người nước ngoài sử dụng thị thực du lịch (thời hạn đến 3 tháng) để vào Việt Nam lao động tại các công trình, dự án. Tuy nhiên, thực tế áp dụng quy định này của Luật hiện hành chưa thực sự tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh do cơ quan, tổ chức mời bảo lãnh để vào làm việc. Sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép lao động thì họ lại phải xuất cảnh để cơ quan, tổ chức bảo lãnh làm thủ tục xin cấp mới thị thực theo đúng mục đích nhập cảnh. Điều này vừa gây tốn kém cho doanh nghiệp, vừa mang tính hình thức đối với một số trường hợp.


Người nước ngoài làm thủ tục xuất, nhập cảnh tại Việt Nam Nguồn: ITN

Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã bổ sung các trường hợp được chuyển đổi mục đích của thị thực. Tuy nhiên, nội dung này hiện vẫn còn ý kiến khác nhau, một số ý kiến tán thành với việc bổ sung trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tạo cơ hội việc làm, đầu tư cho người nước ngoài tại Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đối ngoại của đất nước. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định tại Khoản 1, Điều 7 của Luật số 47 là “thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần và không được chuyển đổi mục đích”. Các ý kiến này cho rằng, quy định này, nhằm tránh trình trạng người nước ngoài vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan, du lịch sau đó xin chuyển đổi thực hiện các mục đích khác gây phức tạp về an ninh, trật tự.

Nhiều ý kiến tán thành với quy định bổ sung trường hợp chính đáng được chuyển đổi mục đích thị thực theo điều kiện rõ ràng như đã thể hiện trong dự thảo Luật. Đó là những trường hợp có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam; có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với người đề nghị; được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc hoặc vào bằng thị thực điện tử và đã có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật Lao động. Quy định này phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài có đủ điều kiện tiếp tục ở lại Việt Nam chuyển đổi mục đích thị thực để tìm hiểu thị trường, tìm kiếm việc làm, cơ hội đầu tư mà không phải mất thời gian, chi phí để làm thủ tục xuất cảnh rồi nhập cảnh.

Theo đánh giá của Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thanh Hồng, với điều kiện quy định như dự thảo Luật thể hiện sự thông thoáng, nhưng chặt chẽ trong quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam. Điều này sẽ hạn chế tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam tham quan, du lịch, sau đó xin chuyển đổi mục đích khác, bảo đảm yêu cầu công tác quản lý nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Ngăn chặn lợi dụng

Một nội dung cũng được các ý kiến quan tâm thảo luận là quy định thị thực cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo quy định của Luật số 47, người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam phải có giấy tờ chứng minh việc đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư. Thị thực ký hiệu ĐT (cấp cho nhà đầu tư nước ngoài, luật sư) có thời hạn đến 5 năm. Quy định này nhằm ưu đãi đối với người nước ngoài tại Việt Nam. Tuy vậy, qua tổng kết thi hành Luật cho thấy, quy định này đã bị lợi dụng, đã có trường hợp người nước ngoài chỉ góp số vốn nhỏ vào doanh nghiệp (dưới 10 triệu đồng) để xin cấp thẻ tạm trú ký hiệu ĐT, thời hạn lên đến 5 năm nhằm hợp thức việc ở lại Việt Nam. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 13, Điều 3 Luật Đầu tư, nhà đầu tư bao gồm tổ chức và cá nhân, nhưng Luật số 47 quy định thị thực đầu tư cấp cho nhà đầu tư là cá nhân, không cấp cho cá nhân là đại diện tổ chức đầu tư tại Việt Nam, điều này chưa bảo đảm sự bình đẳng giữa các nhà đầu tư.

Để khắc phục tồn tại này, khoản 7d, Điều 7 của dự thảo Luật quy định: “ĐT4 - cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài tại Việt Nam có vốn góp giá trị dưới 3 tỷ đồng”. Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về quy định này, bởi lẽ dự thảo Luật mới chỉ quy định giới hạn tối đa của mức vốn góp mà chưa quy định giới hạn mức vốn góp tối thiểu. Việc chưa quy định cụ thể mức tối thiểu có thể dẫn đến nhiều trường hợp góp vốn chỉ mang tính hình thức “cho có” để làm căn cứ xin cấp thẻ tạm trú ký hiệu ĐT.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Đặng Ngọc Nghĩa cho biết rất băn khoăn về quy định này. Bởi “một đồng, một ngàn cũng là dưới 3 tỷ đồng”, vậy, dưới 3 tỷ đồng thì bao nhiêu là phù hợp? Quy định nhằm để “mở cửa”, nhưng cũng phải có giải trình cho rõ, cho thuyết phục, ông Đặng Ngọc Nghĩa nhấn mạnh. Trong khi đó, chỉ ra thực tế, thời gian qua tại một số tỉnh, thành trong cả nước “có khi một vài triệu đồng cũng là nhà đầu tư và nhờ đó không phải làm thủ tục cấp giấy phép lao động, những trường hợp này vào Việt Nam bằng con đường này khá nhiều”. Để thắt chặt hơn tình trạng này, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị, mức vốn góp đối với những trường hợp ĐT4 không thấp hơn 1 tỷ đồng, quy định này bảo đảm phù hợp với dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

“Mở cửa” để thu hút đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính để bảo đảm điều kiện, thủ tục “thông thoáng” là tất yếu. Tuy vậy, cũng cần hết sức thận trọng. Bởi như Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, nếu thông thoáng quá cũng dễ bị các đối tượng lợi dụng để làm những điều khuất tất, hoặc đối phó với pháp luật. Trên thực tế đã xảy ra “việc này, việc khác”. Do vậy, cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, chỉnh lý để bảo đảm các quy định của Luật vừa bảo đảm thông thoáng, đơn giản nhưng phải bảo đảm chặt chẽ, không bị lợi dụng.

Hà An